Trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày 19.11 còn là nỗi vất vả của thầy cô vùng lũ khi đưa học sinh trở lại trường lớp sau lũ.
Dạy học cũng phải “theo trend”
Không còn những bài giảng đơn thuần kiến thức, không còn giáo dục đạo đức học sinh theo kiểu giáo điều mà ngày nay giáo viên đã kịp “bắt trend” trong mỗi hoạt động giáo dục của mình.
Một giáo viên trường chuyên muốn học sinh không nhàm chán với môn sử đã tìm một cách mới tiếp cận với học sinh. Cô giáo trẻ bắt đầu tiết dạy của mình bằng việc giải đáp những câu hỏi mà học sinh gắn sẵn trên bảng, phản biện lại những luận điểm mà học sinh đề cập đến cho bài học ngày hôm đó, tranh luận những vấn đề thời sự…
Nhờ cách học đó, môn lịch sử đã không còn khô khan chỉ với sự kiện cùng những số liệu. Cô giáo còn trở thành người bạn, thậm chí còn được học sinh tin cậy bày tỏ chuyện tình cảm tuổi mới lớn.
Có thầy giáo thông qua kiến thức các môn khoa học tự nhiên gửi đến học sinh thông điệp có mang tính thời sự nhằm giáo dục học sinh những giá trị đạo đức.
Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày 19.11 là những câu chuyện thú vị về các giáo viên trẻ mang một sức sống mới, hiện đại, tươi trẻ cho nghề giáo.
|
Không mong hoa quà, chỉ mong trường lớp sạch
Khi ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến rất gần, hàng trăm giáo viên vùng cao Quảng Trị gạt nước mắt, đứng dậy, dọn dẹp bùn đất để đón học sinh trở lại trường sau lũ…
Trường mầm non và Trường tiểu học, THCS Hướng Việt (H.Hướng Hóa) hôm 16.11 đã trở lại hoạt động dạy học bình thường sau gần 1 tháng bị bùn đất vùi lấp. Những ngày này nhà trường lên kế hoạch dạy chéo buổi, một buổi học chính và một buổi học bù cho đến khi kịp chương trình. Trong khi đó, cán bộ, giáo viên vừa phải dạy học vừa tranh thủ khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp bùn đất còn sót lại…
Trở lại trường những ngày sau lũ, các giáo viên không có thời gian để... than vãn. Tất cả cán bộ, giáo viên tất bật xỏ ủng, cầm cuốc, cầm cào... bì bõm dọn dẹp đống đổ nát. Với những giáo viên này, dịp 20.11 năm nay, không mong đón nhận hoa và lời chúc mà chỉ muốn trường lớp sạch sẽ để học sinh sớm đi học trở lại.
Điểm trường lẻ thường là những nơi xa xôi, hẻo lánh. Những ngày lũ đi qua, nơi này còn bị cô lập nhiều hơn. Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày 19.11 còn là câu chuyện xúc động về những thầy cô vùng cao bám trường, bám lớp; liều mình vượt qua những con suối nước chảy cuồn cuộn hoặc len lỏi trên những con dốc chi chít điểm sạt lở đất để đến với học sinh.
Bình luận (0)