|
Nhân kỷ niệm 94 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.2011), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ảnh), Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ những suy tư của ông về nước Nga hiện tại và dự cảm về tương lai.
Nước Nga trong tâm tưởng Nước Nga đối với ông có ý nghĩa như thế nào, với tư cách một nhà thơ?
Một vẻ đẹp kỳ vĩ và buồn bã của thiên nhiên và con người. Tôi đã nhận thấy như thế trong văn chương Nga đặc biệt là thơ. Sau hai chuyến đi gần đây đến nước Nga, tôi vẫn giữ nguyên cái nhìn của tôi về nước Nga như vậy. Đó chính là lý do mà nước Nga vẫn ám ảnh và vẫn là một bí ẩn với tôi. Có một nhà thơ Nga mà cho đến bây giờ tôi vẫn coi ông là một người thầy quan trọng đối với sáng tạo thơ ca của tôi. Đó là nhà thơ J.Brodsky, giải Nobel Văn chương. Thơ ông đã làm cho tôi thấy nước Nga vĩ đại hơn và thẳm sâu hơn.
Ông nhận thấy những điểm tương đồng nào khiến nhiều người Việt Nam luôn cảm thấy đặc biệt gần gũi với người Nga và văn hóa Nga?
Điểm tương đồng đầu tiên là sự nhẫn nại. Sự nhẫn nại mà đôi khi chúng ta dùng một danh từ khác là cần cù. Nhưng nếu không có mối quan hệ đặc biệt về chính trị thì có lẽ người Việt Nam không biết đến nước Nga nhiều như thế. Mối quan hệ này đã tạo điều kiện cho cả triệu người đến Nga học tập, làm việc và sinh sống trong một thời gian rất dài. Điều đó đã làm cho nhiều người Việt Nam gắn bó với mảnh đất Nga xa xôi và nhiều khác biệt như quê hương thứ hai của mình. Mỗi một người đến Nga học tập, làm việc và sinh sống lại kéo theo bao người thân của họ ở trong nước quan tâm đến nước Nga. Rồi văn học Nga nữa, một nền văn học chiếm một vị trí quá đặc biệt trong tâm hồn người Việt Nam bởi nền văn học đó thực sự là một nền văn học vĩ đại và cũng bởi những năm tháng chiến tranh, sách văn học được dịch và giới thiệu ở Việt Nam chủ yếu là văn học Nga. Rồi Việt Nam và Nga lại có cùng số phận khi trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Đối với phần lớn người Việt Nam, nước Nga được đồng nhất với Liên Xô, đất nước của Cách mạng Tháng Mười, của lý tưởng cộng sản. Cách hiểu này đã thay đổi ra sao sau khi Liên Xô không còn tồn tại?
Với một nền văn hóa như nước Nga, với một tâm hồn như nước Nga, dân tộc Nga sẽ đi qua những khủng hoảng và hoang mang, và trở thành một nước Nga riêng biệt như nó đã từng |
||
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
||
Câu chuyện nước Nga ngày nay
Vừa trở lại nước Nga nhân Những ngày văn hóa Việt Nam, ông cảm nhận có gì khác so với những lần trước? Một nước Nga mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, ổn định hơn về chính trị, thịnh vượng hơn về kinh tế, liệu có kéo theo một làn sóng tư duy sáng tạo đủ sức thuyết phục các dân tộc khác hướng về mình, điều mà Liên Xô từng làm được?
Tôi vẫn thấy nước Nga đang lúng túng và hình như chưa tìm ra con đường đích thực cho mình. Lúc này, tôi nhớ đến bài thơ Con ngựa đen của nhà thơ Mỹ gốc Nga J.Brodsky. Trong bóng tối của nước Nga, có một con ngựa đen cường tráng và dũng mãnh nhưng buồn bã đến bên những người đang ngồi sưởi quanh đống lửa trong đêm. Con ngựa đó là nước Nga với lịch sử và văn hóa của mình, nó đang đợi một kỵ sĩ đứng dậy và điều khiển nó. Với tôi, chàng kỵ sĩ đích thực của nước Nga thời đại mới vẫn chưa xuất hiện.
Nhìn vào con đường mà nước Nga đang đi hiện nay, ông suy nghĩ gì? Liệu một ngày nào đó, nước Nga sẽ có tương lai gắn hẳn với phương Tây, hay sẽ luôn là một thực thể đặc biệt có số phận riêng?
Không ít người đang mang suy nghĩ nước Nga sẽ bị phương Tây hóa. Điều đó có thể xảy ra trên một phương diện nào đó. Còn trong sâu thẳm tâm hồn Nga thì điều đó không xảy ra và sẽ không xảy ra. Một dân tộc vĩ đại với nền văn hóa vĩ đại sẽ không dễ dàng bị phương Tây hóa. Chúng ta chỉ có thể xem xét một dân tộc này có bị một dân tộc khác đồng hóa hay không dựa trên sự sống văn hóa của dân tộc đó. Thế giới có thể sẽ có một thị trường chung nhưng văn hóa thì không. Với một nền văn hóa như nước Nga, với một tâm hồn như nước Nga, dân tộc Nga sẽ đi qua những khủng hoảng và hoang mang, và trở thành một nước Nga riêng biệt như nó đã từng.
Công cuộc hiện đại hóa nước Nga bắt đầu từ Piotr đệ nhất, nhằm đưa nước Nga tham gia vào dòng chảy của văn minh phương Tây chưa bao giờ là dòng sông phẳng lặng. Bài học nào Việt Nam có thể rút ra từ những thăng trầm của nước Nga trong quá trình cải tạo, biến đổi một quốc gia chậm phát triển?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói: Mục đích duy nhất của việc học là để trở thành chính mình. Đối với một dân tộc cũng vậy. Nếu học để thành người khác thì nó đồng nghĩa với “cái chết” văn hóa của dân tộc đó. Đây là bài học quan trọng nhất đối với dân tộc chúng ta.
Là “chuyên gia” giao lưu văn hóa với khối các nước nói tiếng Anh, chắc hẳn ông có những suy nghĩ, chiêm nghiệm về số phận của những dân tộc đó. Ông lý giải như thế nào về sự áp đảo của văn hóa Mỹ trong đời sống nhân loại trong hơn 100 năm qua?
Theo sự nhìn nhận của cá nhân tôi, điều quan trọng nhất tạo nên cái mà anh nói là “sự áp đảo của văn hóa Mỹ” là người Mỹ biết và dám sống đến tận cùng với chính mình (tự do) và tôn trọng cao nhất cá nhân (tự do) của người khác. Với cách sống như vậy của người Mỹ, con người luôn luôn cảm thấy họ được sống nhiều nhất.
Cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Xô - Mỹ trong thế kỷ trước, xét theo góc độ nào đó, cũng là sự cạnh tranh giữa hai nền văn hóa, với phần thắng trên phương diện chính trị, quân sự tạm thuộc về người Mỹ. Nhưng liệu nhân loại có thể "đặt cược" vào nền văn hóa Mỹ, mà có người cho rằng mang những mầm mống của một sự đồng hóa tinh thần?
Sẽ không bao giờ có bất cứ một nền văn hóa nào cho dù rực rỡ đến đâu lại có thể trở thành sự đồng hóa tinh thần trên toàn thế giới. Nó có thể xảy ra ở một nơi nào đó và trong phạm vi hạn hẹp của một cộng đồng nào đó mà thôi. Nền văn hóa Mỹ mà yếu tố nổi trội nhất như tôi vừa nói ở trên là vươn tới tự do, là trở thành chính mình nhất. Khi mỗi con người hay mỗi quốc gia càng đi đến tự do thì nghĩa là họ càng trở thành chính mình nhất. Một dân tộc trở thành chính mình nhất là một dân tộc đã giữ được và làm nên bản sắc văn hóa của mình.
Tại Việt Nam, chúng ta vừa dịch cuốn sách Văn hóa - chiến lược của nước Nga trong thế kỷ 21 do ông Abdulahtipov, nguyên Phó thủ tướng Nga, viết. Việt Nam cũng chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phải chăng đó là biểu hiện cho những nỗ lực của các dân tộc nhằm tồn tại độc lập về mặt tinh thần trong một thế giới ngày càng hẹp lại?
Tính phổ quát của văn hóa hiểu một cách đơn giản nhất là tính đồng nhất của Cái đẹp và Chủ nghĩa nhân văn. Nhưng mỗi nền văn hóa đã và phải làm ra một con đường riêng biệt đi đến Cái đẹp và Chủ nghĩa nhân văn, đã và phải có cách hiển lộ riêng Cái đẹp và Chủ nghĩa nhân văn ấy thông qua đời sống và sự sáng tạo của dân tộc mình. Thực tế cho chúng ta thấy rằng: mỗi dân tộc đã hình thành, tồn tại và phát triển trên những điều khác biệt của địa lý, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ, ẩm thực…thì đương nhiên sẽ tạo ra những vẻ đẹp riêng biệt và làm nên văn hóa của họ.
Xin cảm ơn nhà thơ!
Việt Hưng
(thực hiện)
Bình luận (0)