Tính bảo mật của ngân hàng Thụy Sĩ bị phá vỡ ?

03/03/2009 00:18 GMT+7

Sự kiện Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ nhượng bộ nhà chức trách Mỹ đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu nguyên tắc bảo mật cho khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ bị phá bỏ hay không?

UBS vừa chịu trả khoản tiền phạt, bồi thường và lãi suất lên đến 780 triệu USD cho chính quyền Mỹ cách nay 2 tuần. Rồi mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục kiện, yêu cầu UBS phải cung cấp thông tin liên quan đến 52.000 nhân vật giàu có ở Mỹ gửi tiền vào UBS để trốn thuế. Tiếp đến, ngày 28.2, tân Tổng giám đốc UBS lại nói rằng Thụy Sĩ nên xem xét thay đổi luật bảo mật ngân hàng để không còn phải bảo vệ những thân chủ bị nghi ngờ vi phạm luật thuế ở quốc gia của họ. 

UBS nhượng bộ,  Mỹ lấn tới

Ngày 19.2, UBS chấp nhận trả cho chính quyền Washington 780 triệu USD cùng với việc chuyển giao những thông tin liên quan đến tài khoản của khoảng 250 khách hàng người Mỹ. Đây được xem là một bước ngoặt trong ngành ngân hàng của Thụy Sĩ, một quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có từ lâu nay và nổi danh thế giới về lĩnh vực ngân hàng. 

Cơ quan Giám sát thị trường tài chánh Thụy Sĩ (FINMA) đã lệnh cho UBS cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản của những khách hàng là đối tượng điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ. Giải pháp này đã làm chấn động hệ thống tài chính và ngân hàng Thụy Sĩ, vì trường hợp này không chỉ thiệt hại cho UBS mà còn khiến cho nền tài chính nước này lâm nguy. Điều đó cũng làm dấy lên câu hỏi về nguyên tắc bảo mật của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.

Mỹ được nước làm tới, ngày 26.2, Cơ quan Thuế vụ liên bang (IRS) đâm đơn kiện tại một tòa án liên bang ở Miami, bang Florida. Chính quyền Washington muốn UBS chuyển giao thông tin của 52.000 khách hàng người Mỹ đã phạm luật và trốn thuế bằng tài sản ký thác tại Ngân hàng UBS lên đến 14,8 tỉ USD. Quyền phụ tá Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông John DiCicco, nói là trong thời điểm có hàng triệu người Mỹ đang mất việc làm, mất nhà cửa và không có bảo hiểm y tế thì thật là bất công khi có đến 52.000 người giàu có tìm cách trốn thuế qua việc cất giấu tài sản trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Về phía UBS, họ viện dẫn vào luật bảo mật để bảo vệ thân chủ cho đến khi Chính phủ Mỹ theo đúng các trình tự pháp luật, bao gồm việc cung cấp chứng cứ đầy đủ về mỗi cá nhân bị cáo buộc trốn thuế.

Phá bỏ nguyên tắc  bảo mật?

UBS là ngân hàng quản lý tài sản tư lớn nhất thế giới, quản lý tài sản ước khoảng 7.000 tỉ USD, có tổng hành dinh ở Basel và Zurich, Thụy Sĩ. Đầu tháng 2.2009, UBS thông báo kết quả kinh doanh năm 2008 lỗ 17,2 tỉ USD. Theo số liệu trên website của UBS thì vào tháng 6.2007, UBS có cả thảy 81.557 nhân viên, trong đó hơn 27.000 ở Thụy Sĩ, gần 32.000 ở Mỹ. Ngay sau tin tức UBS nhượng bộ, giá cổ phiếu UBS giảm ngay 5,8%, xuống mức thấp nhất chưa từng có là 9,38 franc Thụy Sĩ/cổ phần.

Bảo mật cho khách hàng vốn là truyền thống lâu đời của Thụy Sĩ. Điều này được thể hiện trong một đạo luật năm 1934. Luật hạn chế gắt gao việc chia sẻ thông tin của khách hàng cho một phía thứ ba, kể cả chính phủ nước ngoài muốn truy cứu những công dân của mình trốn thuế bằng việc gửi tiền vào tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ không xem việc trốn thuế là tội, và luật pháp nước này cấm cung cấp dữ liệu liên quan đến khách hàng, ngoại trừ trường hợp có chứng cứ cho thấy thân chủ của ngân hàng đã phạm luật nghiêm trọng.

Thụy Sĩ là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sĩ giữ được vị thế hàng đầu qua một thời gian dài như thế là nhờ truyền thống ổn định tài chính, kinh tế và chính trị với quy chế hầu như trung lập, cùng với một vài nguyên tắc chủ yếu, mà một trong những nguyên tắc cốt lõi chính là bảo mật cho khách hàng. Theo đó, trừ khi được phép của khách hàng, ngân hàng không được tiết lộ thông tin, mà phải giữ bí mật về mọi hoạt động của khách hàng với ngân hàng. Quy chế bảo mật đó chỉ không còn hiệu lực trong những trường hợp vi phạm hình luật, như khủng bố, tống tiền, rửa tiền, buôn lậu vũ khí và ma túy... Trên lý thuyết, việc bảo mật có thể cũng được dỡ bỏ trong một số trường hợp khác như ly dị, thừa kế tài sản, khai phá sản, nhưng trên thực tế, việc đó tùy thuộc bên nguyên cáo phải chứng minh được trước tòa án Thụy Sĩ rằng, tài khoản liên quan là hiện hữu tại Thụy Sĩ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 28.2, tân Tổng giám đốc UBS, ông Oswald Gruebel, nói rằng Thụy Sĩ nên xem xét thay đổi luật bảo mật ngân hàng để không còn phải bảo vệ những thân chủ bị nghi ngờ vi phạm luật thuế ở quốc gia của họ. Không riêng Mỹ, mà cả chính phủ Đức và Anh cũng gây áp lực đòi Thụy Sĩ phải cung cấp thông tin trong các cuộc điều tra liên quan đến việc trốn thuế của công dân nước họ. Với vụ án dân sự mà tòa án liên bang Mỹ ở Miami đang thụ lý, thẩm phán tòa đã yêu cầu UBS trả lời về thông tin của những người liên quan từ đây cho đến cuối tháng 4 và sẽ mở phiên xử vào tháng 7. 

Có thể xem phiên xử này là bước ngoặt sống còn của ngành ngân hàng Thụy Sĩ. Lâu nay, ngân hàng các nước, nhất là những nơi tự hào là trung tâm tài chính của thế giới, thường chỉ trích việc làm giàu của Thụy Sĩ nhờ vào luật bảo mật ngân hàng, khiến nơi đây trở thành chỗ cất giấu tài sản an toàn mà không chịu thuế của các nhà tài phiệt. Rõ ràng là ngân hàng các nước rất "gai mắt" trước việc các nhà giàu của nước mình đã không gửi tiền vào tài khoản ngân hàng sở tại mà lại đem hàng tỉ đồng "dâng" cho các ngân hàng Thụy Sĩ.

Theo các chuyên gia, nếu luật bảo mật bị phá vỡ, sức mạnh ngành ngân hàng của Thụy Sĩ sẽ giảm ngay đi một nửa. Hiện các ngân hàng trên thế giới đang dõi sát cuộc đối đầu giữa tư pháp Mỹ với hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ mà UBS là đại diện. Còn UBS thì đang lâm vào thế "lưỡng đầu thọ địch". Họ đang bị các thân chủ người Mỹ khởi kiện tại một tòa án Thụy Sĩ vì đã vi phạm luật bảo mật của Thụy Sĩ, sau khi UBS cung cấp thông tin về tài khoản của 250 khách hàng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về hành vi trốn thuế.

Lê Đình Bì (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.