Chi phí hóa đơn, đầu tư tính vào cơ cấu giá?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, công điện yêu cầu quán triệt nhận thức về việc áp dụng hóa đơn điện tử là "một trong các giải pháp bắt buộc rất quan trọng" để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đối với các hóa đơn điện tử về điện, xăng dầu…
Trao đổi với Thanh Niên, đa số doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu đều cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử ngay lập tức khiến DN gặp nhiều khó khăn bởi phải đầu tư khoản tiền quá lớn ngay thời điểm gần cuối năm. Trong khi đó, việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng liên tục lỗ lã.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), nói: "Việc xuất hóa đơn cho khách hàng mua xăng dầu khi có yêu cầu, chúng tôi thực hiện từ lâu nay. Còn lại, khách không lấy hóa đơn thì chúng tôi gộp lại để lập hóa đơn điện tử bán lẻ vào cuối ngày. Mỗi hóa đơn điện tử theo ước tính có giá từ 300 - 500 đồng/tờ. Nếu mua lẻ 20.000 đồng xăng (chưa tới 1 lít) cũng phải mất 300 - 500 đồng cho một tờ hóa đơn thì chi phí đội lên quá lớn. Bởi trong thực tế, chiết khấu bán lẻ cho 1 lít xăng cao nhất khoảng 300 đồng/lít, trong năm có rất nhiều thời điểm chiết khấu 0 đồng hay âm. Các cửa hàng xăng dầu thuộc vùng xa thì việc người dân đổ một lần chưa tới 1 lít xăng, dầu là điều bình thường. Chúng tôi mong cơ quan quản lý, Chính phủ xem xét lại việc xuất hóa đơn bán lẻ cho từng lần bán tại cửa hàng xăng dầu trong lúc này có cần thiết không bởi khiến DN chi khoản tiền đầu tư máy móc, tiền hóa đơn lúc này lên hàng trăm triệu đồng".
Ông Thắng cho rằng việc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán theo yêu cầu của người mua như hiện nay; sau đó tổng hợp và xuất hóa đơn điện tử và lưu trữ hóa đơn điện tử cho đối tượng khách hàng không lấy hóa đơn cũng phù hợp với các quy định hiện hành.
Một DN bán lẻ xăng dầu tại vùng sâu xa phân tích: Nếu trung bình một ngày một cửa hàng bán được 1.000 - 1.500 lít xăng dầu, giả sử khách mua lẻ trung bình 2 lít/người. Nếu áp dụng xuất hóa đơn điện tử cho một lần bán, mỗi ngày, cửa hàng phải xuất 500 - 750 hóa đơn. Cộng thêm tiền giấy, phí nhân viên, điện, nước, internet… mỗi ngày tại một cửa hàng này phải chi thêm khoảng 900.000 đồng (chưa gồm chi phí hao mòn, bảo dưỡng). Nếu chi phí định mức của DN bán lẻ xăng dầu nằm ở khoảng 1.000 đồng/lít thì các chi phí mới đảm bảo hòa vốn và có lãi. Tuy vậy, trong 2 năm qua, mức lợi nhuận này chỉ có trong 3 - 4/24 tháng. Như vậy, áp dụng ngay hóa đơn điện tử lúc này là thêm gánh nặng chi phí cho DN bán lẻ.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng quy định hóa đơn điện tử là áp dụng cho mọi DN có hoạt động kinh doanh bán lẻ và đã có hiệu lực từ lâu, khi khách hàng yêu cầu, DN bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn ngay. Tuy nhiên, xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên áp dụng cần thiết có những điều kiện kèm theo. Cụ thể, vì giá bán xăng dầu và các chi phí tính vào mỗi lít xăng dầu bán ra là do nhà nước quy định và quản lý. Mặt khác, bất cứ việc chuyển đổi số, hóa đơn điện tử nào cũng đều phát sinh chi phí cho DN. Như vậy, chi phí này phải được tính vào giá bán của DN. Ngoài ra, việc đầu tư để thực hiện hóa đơn điện tử là đầu tư ban đầu cho mọi hoạt động kinh doanh của DN, chi phí phát sinh cần được tính toán hợp lý trong cơ cấu giá bán.
Ông Bảo nhấn mạnh: "Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành có yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế hướng dẫn cụ thể việc thực thi hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu. Có quy định rà soát các chi phí mỗi 3 tháng một lần, điều này có nghĩa là chi phí để triển khai hóa đơn điện tử cũng nên được đề cập trong chi phí kinh doanh xăng dầu".
Hóa đơn điện tử để theo dõi, in ra làm gì mà kêu tốn chi phí?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, về mặt kinh doanh, DN có thể tính các chi phí phát sinh vào hàng hóa bán ra. Nhưng giá xăng thuộc nhà nước quản lý nên phải xem xét và chấp nhận ở mức độ hợp lý, nhưng không có nghĩa là "cộng hết 300 đồng tiền hóa đơn" vào một lít xăng. "Tôi chưa nói hợp lý hay không, nhưng về nguyên tắc đầu tư có khấu hao tài sản, tính vào giá thành, gọi là chi phí bán hàng… vậy trong một lít xăng bán ra, chi phí bán hàng lâu nay trong giá cơ sở đã bao gồm khoản chi phí này chưa? Việc này cần Bộ Tài chính và Bộ Công thương cùng ngồi xem xét để DN bán lẻ xăng dầu không bị thiệt trong kinh doanh", ông Doanh nói.
Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa đặt vấn đề đã gọi là hóa đơn điện tử thì in ra làm gì? Hóa đơn điện tử mục đích để theo dõi và khi ai cần thì chuyển qua thư điện tử hay tin nhắn… Đặc biệt, đối với khách hàng cá nhân không kinh doanh, theo Nghị định 123, hóa đơn lập không cần các thông tin về tên, địa chỉ, mã số thuế… để mà DN bán lẻ kêu là phải tuyển thêm người nhập số liệu này. "Nếu dùng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính của cửa hàng, kết nối tới cơ quan thuế thì chỉ cần lõi giấy cuộn nhỏ nhỏ như trong các cửa hàng tiện lợi, tiệm cà phê… Đổ xăng cho khách xong, chỉ cần bấm 1 cái, in ra mẩu hóa đơn bán hàng nhỏ, dữ liệu bán hàng từng lần của cửa hàng cũng được chuyển về cơ quan thuế. Theo đó, cơ quan này quản lý chống thất thu thuế, quản được đầu vào và kể cả chống hàng trôi nổi nếu có. Đó mới là mục đích của cơ quan quản lý. Nên theo tôi, DN bán lẻ xăng dầu có khúc mắc gì, cần trao đổi với ngành thuế tại địa phương để đôi bên cùng hiểu đúng bản chất vấn đề", ông Xoa đề xuất.
Cũng theo luật sư Trần Xoa, chi phí đầu đọc số tại cột bơm và máy in nhỏ tại cửa hàng xăng dầu là chi phí của DN, không thể đề xuất đưa vào cơ cấu giá thành bán xăng. Hơn nữa, việc đầu tư phần mềm, máy in, đầu đọc này là đầu tư một lần. Nếu chi phí đầu tư trên 30 triệu đồng thì được khấu hao vào trong chi phí hoạt động kinh doanh. "Hóa đơn điện tử đã được áp dụng từ lâu và mọi ngành kinh doanh đều thực hiện, nên ngành xăng dầu cũng khó đứng ngoài cuộc, cho dù là đặc thù… Bởi mục đích cuối cùng là cạnh tranh lành mạnh, minh bạch", luật sư Trần Xoa nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thận trọng: "Đề xuất đưa bao nhiêu phần trăm chi phí này vào cơ cấu giá bán xăng dầu là vấn đề cần xem xét, đánh giá tác động. Nếu khiến giá xăng dầu tăng, nghĩa là ảnh hưởng đến thị trường, người tiêu dùng thì thế nào? Tôi hiểu mục đích của ngành thuế là quản lý nguồn hàng trôi nổi trên thị trường xăng dầu bằng việc kết nối dữ liệu bán ra, nhập vào tại mỗi cây xăng. Nên theo hướng triển khai nhằm bảo vệ DN làm ăn chân chính, có cách triển khai khoa học, chú trọng quản lý nền kinh tế số. Bảo đảm nguyên tắc tăng quản lý nhưng không ảnh hưởng đến giá bán, hóa đơn điện tử có sự tích hợp hệ thống, đầu tư ban đầu là đầu tư một lần…".
Xăng dầu bán lẻ vẫn có thể in xé hóa đơn bán hàng ngay lập tức cho khách sau khi đổ xăng như mua hàng tại siêu thị, cửa hàng giày dép, áo quần, quán cà phê... Quan trọng là có phần mềm kết nối để cơ quan thuế biết mỗi ngày, cửa hàng đó xuất bao nhiêu hóa đơn bán hàng và tổng lượng hàng bán ra thế nào. Số liệu nhập vào, bán ra phải khớp theo dữ liệu điện tử… Việc theo dõi giám sát này thể hiện trên phần mềm quản lý chứ sao có chuyện tuyển thêm nhân viên để nhập mã số định danh ông A mua bao nhiêu xăng được?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Bình luận (0)