Tình hình Covid-19 hôm nay 12.3: Các bệnh viện nhi ở TP.HCM được yêu cầu tăng giường điều trị Covid-19

12/03/2022 19:05 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Số lượt trẻ em đến bệnh viện khám do nghi ngờ mắc Covid-19 gia tăng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện trực thuộc sẵn sàng thu dung, điều trị, tăng số giường điều trị tại khoa Covid-19 lên tối thiểu 300 giường.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận gần 169.000 ca nhiễm Covid-19, Hà Nội nhiều nhất cả nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 11.3 đến 16 giờ ngày 12.3, cả nước ghi nhận 168.719 ca nhiễm Covid-19, trong đó 15 ca nhập cảnh và 168.704 ca trong nước, giảm 386 ca so với ngày trước đó. Các ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 116.648 ca cộng đồng. Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca bệnh cao nhất trong 24 giờ qua với 30.693 ca. Tiếp theo là các địa phương: Nghệ An 11.666 ca, Phú Thọ 7.216 ca, Bắc Ninh 5.669 ca, Sơn La 4.872 ca, Hưng Yên 4.492 ca, Lạng Sơn 4.479 ca, Hải Dương 4.460 ca, Tuyên Quang 4.287 ca, Hòa Bình 4.279 ca.

Ngày 12.3: Công bố 454.212 ca Covid-19, 84.811 ca khỏi | Hà Nội 30.693 ca | TP.HCM 2.804 ca

Các địa phương ghi nhận số ca bệnh ít, như: Kiên Giang 124 ca, An Giang 94 ca, Đồng Tháp 72 ca, Sóc Trăng 46 ca, Hậu Giang 41 ca, Tiền Giang 27 ca), Ninh Thuận 19 ca, Đắk Lắk 1 ca. Cũng trong ngày 12.3, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 195.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 35.949 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.760 ca và Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 20.784 ca, sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Theo Bộ Y tế, ngày 12.3 có thêm 84.811 người khỏi bệnh. Hiện, cả nước còn 3.934 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Cũng trong ngày 12.3, cả nước ghi nhận thêm 62 ca tử vong tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, địa phương có số ca tử vong nhiều nhất là Hà Nội với 10 ca.

Test nhanh Covid-19 cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM

khánh trần

Trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM đa số sốt, ho, đau họng, rất ít trẻ bị nặng. Ngày 12.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi tất cả các bệnh viện trực thuộc về việc sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19. Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố tăng số giường điều trị tại khoa Covid-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức); đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc Covid-19. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc Covid-19 điều trị nội trú tại khoa Covid-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm.

Sở Y tế giao Bệnh viện Nhi đồng 1 làm đầu mối tổ chức họp tổ chuyên gia điều trị Covid-19 ở trẻ em của 3 bệnh viện nhi, thống nhất và có văn bản tham mưu cho Sở Y tế cập nhật chỉ định xét nghiệm sàng lọc ở trẻ em khi đến khám tại bệnh viện để phù hợp với giai đoạn hiện nay của dịch bệnh. Theo Sở Y tế, trong những ngày gần đây, TP.HCM ghi nhận số lượt trẻ em đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của trẻ mắc Covid-19 là sốt, ho và đau họng, rất ít trường hợp có dấu hiệu nặng.

Trẻ em mắc Covid-19 đa số sốt, ho, đau họng, rất ít bị nặng

Hà Tĩnh liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc. Ngày 12.3, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của đơn vị này liên tiếp phát hiện 4 vụ vận chuyển lậu hơn 3.500 kit test Covid-19 do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Mới đây, vào 5 giờ 50 phút ngày 11.3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện bà Nguyễn Thị Hiếu (28 tuổi, ngụ tại xã Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vận chuyển 2.000 kit test Covid-19 trị giá khoảng 100 triệu đồng, xuất xứ Trung Quốc. Bà Hiếu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ ngày 10.3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tại kho ký gửi hàng hóa của nhà xe Phú Quý (đóng trên địa bàn TP.Hà Tĩnh) do bà Văn Thị Hải quản lý có chứa 500 kit test nhanh Covid-19 và 264 chai nước rửa tay khô. Bà Hải không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Những ngày trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng bắt được 2 vụ vận chuyển hơn 1.000 kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ.

F0 điều trị tại nhà khẩn trương mở tài khoản để nhận tiền chế độ ốm đau. BHXH Việt Nam vừa có thông báo tới người lao động về các chế độ bảo hiểm dành cho F0 điều trị tại nhà. Theo BHXH Việt Nam, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXH có căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19. Trong trường hợp Chính phủ không ban hành nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Để chuẩn bị cho những điều chỉnh sắp tới, BHXH Việt Nam khuyến nghị, người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên khẩn trương mở tài khoản để khi thông tư hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản của người lao động. Điều này vừa đảm bảo tiền bảo hiểm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ. Thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, đến ngày 1.3, cả nước có khoảng 920.000 trường hợp F0 điều trị tại nhà, có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH.

Hà Nội ban hành hướng dẫn thủ tục xin giấy xác nhận F0 để hưởng BHXH. Theo đó, thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà gồm: quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng BHXH. Các cơ quan liên quan sẽ tiến hành 3 bước: Bước 1, tiếp nhận thông tin người nghi nhiễm Covid-19 và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH. Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, xác nhận ca bệnh xác định. Bước 2, ban chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà, gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc. Cập nhật thông tin người mắc Covid-19 có tham gia BHXH lên hệ thống thông tin giám định của BHXH để cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền.

Bước 3, sau 7 ngày kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, người mắc Covid-19 tại nhà làm xét nghiệm nhanh do nhân viên y tế thực hiện hoặc tự thực hiện. Nếu kết quả âm tính, trạm y tế cấp giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin). Nhân viên y tế tại trạm y tế cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia BHXH và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định bảo hiểm y tế.

Nếu không đáp ứng yêu cầu, trường học ở TP.HCM phải dừng tổ chức bán trú. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, số ca mắc và nghi mắc Covid-19 tăng nhanh trong trường học, đặc biệt ở bậc tiểu học với hơn 17.400 ca trong vòng chưa đầy một tháng. Ngoài lý do đây là bậc học có số lượng học sinh đông nhất (gần gấp đôi so với các bậc học khác) thì việc chưa tiêm vắc xin, tổ chức bán trú, học sinh nhỏ tuổi… là những lý do khiến tình trạng F0 tăng nhanh trong bậc tiểu học. Để giải quyết tình trạng này và quán triệt tốt hơn nữa việc tổ chức bán trú, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã cùng Sở Y tế xây dựng, bổ sung lại bộ tiêu chí an toàn trong trường học và trình UBND TP.HCM duyệt.

“Chúng tôi đang hoàn chỉnh bộ tiêu chí an toàn trong trường học phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay và nếu được ban hành sớm, các trường học sẽ có cơ sở để áp dụng. Bộ tiêu chí này cũng dựa trên những tiêu chí như trước đây nhưng có những quy định chi tiết, rõ ràng hơn”, ông Dũng nói. Cũng trong bộ quy tắc này, ông Dũng cho biết có những tiêu chí an toàn các trường buộc phải chấp hành. Trong tình hình hiện nay, khi học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin, lứa tuổi nhỏ… nếu không thực hiện được những tiêu chí cần thiết thì các trường phải tạm dừng tổ chức bán trú.

Hơn 860.000 ca Covid-19 là học sinh, giáo viên

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, giáo viên và học sinh Cà Mau nhiễm Covid-19 tăng cao, đề nghị học trực tuyến. Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp, số ca nhiễm là giáo viên và học sinh tăng cao. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau đề xuất xem xét lựa chọn phương pháp dạy học trực tuyến thay cho hình thức trực tiếp như hiện nay. Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, số giáo viên, học sinh mắc Covid-19 chiếm hơn 26% số ca mắc mới trong ngày của tỉnh. Khoảng 50% số học sinh mắc Covid-19 dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vắc xin (hơn 3.200 ca). Sở Chỉ huy kiến nghị: "Xem xét lựa chọn phương pháp dạy học trực tuyến thay cho trực tiếp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh và giáo viên trước sự lây lan của biển chủng Omicron BA.2". Ngày 12.3, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: "Quan điểm của Sở là không đóng cửa trường học, vẫn dạy trực tiếp, bên cạnh đó dạy trực tuyến. Đến ngày 14.3, tỉnh họp thường trực mới đưa ra quyết định cuối cùng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.