Tỉnh lại đi, những ai còn tin 'việc nhẹ lương cao'

19/09/2022 05:54 GMT+7

Không chỉ lên tiếng cảnh báo, kêu gọi người dân cảnh giác trước tình trạng lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, nhiều bạn đọc còn đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa với tội phạm buôn người.

Như Thanh Niên thông tin, chiều 17.9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh tháo chạy trong mưa của hàng chục người, được cho là lao động Việt Nam, ra khỏi một casino ở gần khu vực cửa khẩu Bavet, tỉnh SvayRieng (Vương quốc Campuchia), khu vực đối diện với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Theo nội dung mà những người chứng kiến chia sẻ, sự việc xảy ra khoảng 14 giờ ngày 17.9, nhóm lao động người Việt (khoảng 60 người) đã lợi dụng mưa lớn, bỏ chạy về hướng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Trong đó, có một số người bị bắt trở lại. Nhóm người chạy thoát được tập trung tại khu vực cửa khẩu Bavet (Campuchia).

Casino có 60 người Việt Nam tháo chạy ở Campuchia trao trả thêm 11 lao động

Hàng chục người Việt tháo chạy trong mưa, đến tập trung tại khu vực cửa khẩu Bavet, Campuchia

Chụp màn hình

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết lúc 14 giờ 30 ngày 17.9, khoảng 60 người Việt Nam đã tháo chạy từ một cơ sở kinh doanh tại ấp Bavet Kandal, phường Bavet, thành phố Bavet, tỉnh SvayRieng về phía cửa khẩu Bavet. Trong quá trình chạy trốn, 4 người đã bị phía cơ sở kinh doanh bắt lại.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ các cơ quan chức năng Campuchia để làm thủ tục tiếp nhận và đưa người về nước; đồng thời đề nghị phía Campuchia can thiệp, giải cứu những người còn lại. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, cảnh sát Campuchia đã yêu cầu cơ sở kinh doanh kể trên giao nộp thêm 11 công dân Việt Nam.

Đi dễ khó về

Phản hồi về thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên tiếp tục lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, kêu gọi người dân hết sức cảnh giác. “Đọc tin mà vừa giận, vừa thương. Thương vì hoàn cảnh khó khăn mà họ phải bất chấp mọi thứ, bôn ba xứ người để kiếm việc mưu sinh. Nhưng cũng giận vì sự cả tin. Chính điều này trở thành “con mồi” cho những kẻ buôn người”, BĐ Mạnh Tuấn ý kiến.

Tương tự, BĐ Viet Nhi viết: “Tỉnh lại đi các em, các cháu, Campuchia phát triển chậm hơn chúng ta rất nhiều. Trong nước chúng ta có chính quyền, có ngôn ngữ, có bạn bè, có cha mẹ, có phong tục, có truyền thống, có tất cả mọi điều kiện... nhưng cũng rất khó để kiếm được việc nhẹ lương cao nếu không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Ở nước bạn, chúng ta không có gì, vậy làm sao chúng ta có thể dễ dàng có việc nhẹ lương cao, suy nghĩ đơn giản thôi”.

“Đi thì dễ, nhưng về thì khó, nếu có về được thì có khi cũng chả còn lành lặn. Đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng “việc nhẹ lương cao” hiện nay. Sẽ không ai cho không ai thứ gì đâu, nên hãy cảnh giác. Đọc tin mà xót xa quá”, BĐ Duy Thanh ý kiến.

“Chả có nơi nào mà việc nhẹ lương cao hết, cái gì cũng có cái giá của nó. Nhà nước đã thông báo rất nhiều rồi nhưng vẫn còn nhiều người nhắm mắt đưa chân. Ở Việt Nam thiếu gì việc để làm, chỉ cần chịu khó. Một bài học đắt giá cho những ai đòi việc nhẹ lương cao”, BĐ Thinh góp ý.

Nghiêm trị bọn buôn người

Nhiều BĐ cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia phối hợp lực lượng chức năng nước sở tại hỗ trợ công dân Việt Nam, cũng như phối hợp công an nước bạn sớm tìm cách giải cứu công dân còn kẹt lại và đưa về nước an toàn. “Mong tất cả người dân Việt Nam mình bị hại còn lại bên đó được về nước bình an...”, BĐ Khải Thành ý kiến.

Không chỉ mong mỏi cơ quan chức năng hai nước phối hợp chặt chẽ để xử lý triệt để vấn đề này, BĐ Minh Bảo viết: “Đây là hành vi buôn người có tổ chức chứ không đơn giản là lừa bán lao động. Vì vậy, cần có các bản án nghiêm khắc dành cho loại tội phạm này. Đã có biết bao nhiêu nạn nhân cùng người nhà sống dở chết dở vì bọn buôn người này”.

“Chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin về hình thức chiêu dụ và sự nguy hiểm của tội phạm buôn người đến từng tổ dân phố, để người dân cảnh giác và biết tự bảo vệ. Kế đó khuyến nghị người dân cung cấp thông tin và số điện thoại của những ai dụ dỗ đi làm “việc làm lương cao” cho lực lượng an ninh để họ tổ chức xác minh, truy xét. Càng tuyên truyền rộng rãi và thông tin đến mọi nhà là cách thức hiệu quả nhất. Kêu gọi mọi người chớ nên cả tin bất kỳ điều gì trước khi kiểm chứng kỹ lưỡng, vì sự lừa đảo trong xã hội càng lúc càng tinh vi. Muốn có ăn thì phải làm việc vất vả, chứ không có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng” trừ phi làm điều phi pháp”, BĐ Khai Nguyen góp ý.

* Bài học cho những người sống ảo, tin vào “việc nhẹ lương cao”.

Hue Nguyen

* Mong cơ quan công an sớm triệt phá được các tổ chức dụ dỗ lôi kéo lao động trái phép ra nước ngoài và đưa ra trừng trị nghiêm minh trước pháp luật.

Le Lieu

* Chính quyền cần tuyên truyền sâu rộng hơn, liên tục phát trên loa phát thanh, phát tờ rơi cảnh báo lớp trẻ tránh rơi vào bẫy buôn người. Trong xã hội không hề tồn tại nghề không học, không làm mà lương cao.

Bao Bao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.