Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thanh Niên, lãnh đạo Trung tâm y tế (TTYT) Q.Tân Bình từng khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng thời gian sớm nhất là trước 15.3 và chậm nhất cũng trong tháng 3 sẽ thực hiện chi trả cho tình nguyện viên (TNV)”. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều TNV tham gia phòng chống dịch phản ánh vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Nhắc đến vấn đề này, anh Ngô Minh Hải, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, cho biết: “Những phản ánh của TNV đúng là không phải thiểu số, nhưng cũng không phải là nhiều, tinh thần tình nguyện của thanh niên TP đến giờ vẫn rất trong sáng và rất hào sảng với tất cả những vấn đề này”.
Tình nguyện viên tham gia hết mình cùng TP.HCM chống dịch |
Nữ Vương |
Anh Hải cho biết những thanh niên nào đã đăng ký trên trang Go Volunteer thì đều đã trở thành TNV của Thành đoàn. “Những bạn nào tiêu biểu thì nhận huy hiệu TNV. Mình nghĩ cái này giá trị còn lớn hơn cả kinh phí vì nó ghi dấu cả một thời gian, một giai đoạn cống hiến của TNV”, anh Hải chia sẻ và chỉ ra những thời điểm gian khó trong đại dịch, một hộp cơm hay một ly nước… từ người dân gửi tặng đã là phần thưởng xứng đáng dành cho TNV và điều quý báu là có được kinh nghiệm, sự trải nghiệm rất lớn trong cuộc đời.
Trước thắc mắc về việc có văn bản, giấy tờ gì công nhận TNV khi đăng ký tham gia trên nhóm Go Volunteer, anh Hải cho biết khi các TNV từ nhóm Go Volunteer, tức nằm trong danh sách của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM quản lý, muốn di chuyển xuống các địa bàn phải có quyết định của Hội về việc cử xuống đơn vị nào.
Bất kể gian khó hay hiểm nguy, các TNV vẫn không ngần ngại |
Q,Đ.T.P |
“Nhưng quyết định này chỉ để thông chốt chứ không phải để chi trả cho các bạn, vì trước tháng 8 chưa có chế độ chính sách nào, nên những quyết định này là để các bạn di chuyển trong TP”, anh Hải nói.
Theo anh Hải, những TNV phản ánh là những bạn ký hợp đồng với các đơn vị TTYT và trở thành TNV trong các đơn vị y tế đó. Nhưng do lúc đó các TTYT không có thông tin, nguồn lực để kết nối nên Thành đoàn là đơn vị đứng ra kết nối TNV đến các TTYT. Và như vậy, TNV làm việc ở đơn vị nào sẽ được hưởng theo chế độ của đơn vị đó, đương nhiên mỗi TTYT sẽ có chế độ khác nhau.
“Đến thời điểm này không phải TP không chi trả mà hiện nay ngân sách chưa có. Nên các bạn cố gắng chờ thêm một ít thời gian nữa để TP, các đơn vị ngành y tế chuẩn bị ngân sách chi trả. Đâu phải các bạn thấy thông tin quận này, quận khác có thì các bạn cho rằng mình cũng phải được như quận đó, vì mỗi quận sẽ có phương thức chi cho hoạt động này riêng. Tất cả những điều này Thành đoàn cũng đã trao đổi rất rõ tại các cuộc họp với TNV”, anh Hải thông tin và khẳng định: “Khi nghe ở đâu mà các bạn TNV phản ánh là Thành đoàn xuống làm việc ngay, chưa bao giờ Thành đoàn bỏ rơi các bạn”.
Anh Hải cho biết thêm vấn đề chi trả phải do các TTYT, vì đơn vị này ký hợp đồng với TNV. Khi có vấn đề trục trặc thì Thành đoàn sẽ xuống đơn vị để trao đổi, cùng tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ tốt nhất cho TNV. Thành đoàn can thiệp ở mức lên tiếng cho các TNV và UBND Q.8 hay Q.Tân Bình cũng đã ra văn bản.
“TNV phải phản ánh với Thành đoàn để chúng tôi nắm, nếu trong trường hợp UBND quận đã có văn bản rồi mà TTYT chưa chi trả thì Thành đoàn sẽ tiếp tục làm việc. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi có thể không cần phải làm vậy, vì các bạn sau khi kết nối xong thì đã kết thúc nhiệm vụ của Thành đoàn, lúc này các bạn trực tiếp làm việc với TTYT chứ không thông qua kênh của Thành đoàn nữa. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng giữ liên lạc với các bạn thông qua các chỉ huy, đó là tình cảm và sự gắn bó của Thành đoàn với TNV. Nên đến bây giờ, khi thấy các vấn đề xảy ra, Thành đoàn sẵn sàng nhảy vào cuộc”, anh Hải chia sẻ.
Và anh Hải khẳng định: “Quan trọng nhất là những TNV xứng đáng được hỗ trợ thì các bạn phải được hỗ trợ, chuyện này là chắc chắn. Nơi nào mà TNV do Thành đoàn kết nối vẫn chưa được chi trả thì Thành đoàn sẽ tiếp tục can thiệp và lên tiếng cho các bạn”.
Bình luận (0)