Đã hơn 2 tháng tham gia tình nguyện viên chống dịch, Việt Ánh (sinh viên năm cuối ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM) trải qua nhiều công việc khác nhau như nhập liệu, đi lấy mẫu... Hiện Việt Ánh làm cố định tại Trung tâm y tế Q.5, với nhiệm vụ điều phối cho các trạm y tế, tổ chức xét nghiệm Covid-19 định kỳ, thống kê dự trù vật tư, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu văn bản chỉ đạo của sở y tế, đề xuất phương án phù hợp với tình hình hiện tại để cân đối với trang thiết bị cùng nhân lực...
Việt Ánh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
|
Thương lắm những nhà có người dương tính với Covid-19
Ngoài ra, Việt Ánh kiêm thêm công việc bên Trạm y tế phường 12, Q.5 bao gồm lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm những ca tử vong không rõ nguyên nhân, cấp cứu bệnh nhân, tư vấn F0 khi có người gặp triệu chứng dương tính, tham mưu với chủ tịch phường để có kế hoạch xét nghiệm an toàn, hiệu quả, phối hợp với quân y để rà soát các ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường nhằm theo dõi chăm sóc F0 tại nhà.
Việt Ánh kể: "Từ ngày 15.8, tụi em bắt đầu đến từng nhà để lấy mẫu. Hình thức xét nghiệm này phải di chuyển nhiều chỗ nên khá tốn thời gian. Có khi phải chờ bà con làm xong việc này việc kia rất lâu, và còn phải ghi giấy nên cả buổi sáng mà chỉ xét nghiệm được vài hộ, hôm nào nhiều lắm là được 6 - 7 hộ. Buổi chiều, em thường đi đến nhà nào có ca tử vong chưa rõ nguyên nhân hoặc có người cần cấp cứu để xét nghiệm".
Dù vất vả, áp lực thế nào, Việt Ánh (thứ 2 từ phải vào) cùng các bạn vẫn quyết tâm xông pha chống dịch
|
Một trong những cảnh tượng khiến Ánh cùng đồng đội nhói lòng là khi đến nhà người dân sau khi nhận cuộc điện thoại cầu cứu và chứng kiến nhà cửa bừa bộn, trên bàn mấy ly mì đã lên mốc, vỏ bánh, ly vỡ vương khắp sàn. Bên trong căn nhà có đứa bé 3 tuổi và người cha đang nằm thở dốc...
"Lúc đó, chỉ có hai cha con trong nhà vì mẹ và ông, bà của bé mắc Covid-19 đã được đưa đi cách ly tập trung. Tụi em lập tức sơ cứu tại hiện trường trong lúc chờ bình oxy được đưa đến và tiến hành xét nghiệm thì người cha có kết quả dương tính với Covid-19. Khi được thở oxy, tình trạng của anh ấy cải thiện nhưng cần phải đến bệnh viện điều trị. Tụi em quyết định làm hồ sơ để đưa bé vào khu cách ly với mẹ và đưa người cha lên xe đi cấp cứu", Việt Ánh chia sẻ.
Nhưng theo Ánh, ám ảnh và đau xót nhất vẫn là đi lấy mẫu xét nghiệm cho người tử vong. "Mặc dù trải qua 5 năm học ngành y với nhiều lần tiếp xúc với bệnh nhân, với thi thể, nhưng khi cầm que lấy mẫu mà tay em run cầm cập. Có lần về em ám ảnh đến mức về không ăn không ngủ được...
Dịch Covid-19 này đã gây ra nhiều cảnh tượng thật thương tâm", Việt Ánh cho biết.
TP.HCM: Thêm 1.671 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 91.218 bệnh nhân hồi phục
|
Thấy âm tính là mừng rỡ cùng chủ nhà
Đó là chưa kể có rất nhiều áp lực khác mà những người ở tuyến đầu chống dịch như Ánh phải đối mặt. "Có hôm xét nghiệm tới 13 giờ, chưa kịp ăn uống, người mệt lả nhưng nghe có bệnh nhân khó thở là tụi em lại lật đật chạy qua cấp cứu, vác bình oxy trong bộ đồ bảo hộ nóng bức. Đôi lúc, tụi em còn bị người dân chửi vì để họ chờ lâu, rồi có những người không phối hợp xét nghiệm, hay có lúc đang cấp cứu người dân thì một người dân khác bị sốt đề nghị y tế xuống xét nghiệm gấp, nhưng vì đang cấp cứu chưa qua ngay được thì họ nói mình là người vô tâm... Cứ thế, tụi em có rất nhiều công việc trong ngày cần giải quyết. Bản thân em hầu như không thể hết việc trước 22 giờ", Ánh chia sẻ.
Ánh (trái) cùng với đồng đội
|
Dù vậy, Việt Ánh và đồng đội cũng được trải nghiệm nhiều cảm xúc vui tươi lạc quan trong quá trình làm việc. Đó là khi đến nhà dân xét nghiệm, nhiều người thương nhân viên y tế vất vả nên rất hợp tác, còn cám ơn rối rít khi làm xong. Việt Ánh cho hay: "Đi xét nghiệm cho mấy cụ già, chỉ cần thấy họ âm tính là em mừng rồi. Nhiều người dân rất dễ thương, thấy tụi em mệt còn tặng mỗi người một chai nước mát. Rồi lúc thông báo kết quả âm tính, thì có những anh chị reo hò, nhảy lên mừng rỡ vì mình được an toàn. Lúc đó, em cũng cảm thấy phấn chấn, vui lây với họ".
Theo Ánh, đi xét nghiệm Covid-19 tiếp xúc với người dân mới hiểu được nỗi khổ của họ trong cơn đại dịch khốc liệt này. "Có những người không có người thân bên cạnh chăm sóc. Lại có người mất vì Covid-19 mà người nhà không thể đưa tiễn... Chứng kiến những đau buồn, mất mát của họ, thấu hiểu được cảm giác mà họ đang phải chịu đựng, đã giúp em có thêm động lực để tiếp tục góp sức vào công tác chống dịch này", Việt Ánh bày tỏ.
Bình luận (0)