Tình thầy trò hơn nửa thế kỷ vẫn như thuở ban đầu

20/11/2020 08:08 GMT+7

Người học trò 70 tuổi vẫn vòng tay dạ, thưa người thầy cũ 80 tuổi trong mỗi lần gặp lại, và nét chữ chân phương trong bức thư của người thầy gửi học trò chứa đựng nhiều tình cảm, như thuở ban đầu hơn nửa thế kỷ.

Từ bài thơ viết về thầy cũ…

       
Tôi được tác giả Trần Chung, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM tặng cuốn Lưu tình thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020), nhân dịp cụ tròn 70 tuổi. Trong tập thơ hơn 80 bài ấy, tôi đặc biệt thích bài Thầy tôi, bởi với lối cấu tứ và câu chữ khá mộc mạc, gần gũi, cụ Chung đã ghi lại hình ảnh và tình cảm thiêng liêng hết lòng vì học trò của người thầy cũ vào thời điểm gần 54 năm về trước, trong điều kiện dạy và học dưới “mưa bom, bão đạn” tại tuyến lửa Quảng Bình.
Thời ấy, Trần Chung là cậu học trò 13 tuổi đang học lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm, tương đương lớp 9 THCS hệ 12 năm hiện nay), còn người thầy tên là Ngô Văn Thỷ, hơn trò Chung 10 tuổi. Giới thiệu về người thầy kính yêu của mình, cụ Chung viết: Thầy tôi tên Thỷ họ Ngô/Quê hương Hà Tĩnh một pho sử tình/Tứ lò sư phạm thành Vinh/Thầy vô tuyến lửa Quảng Bình dạy văn/Chiến tranh khói lửa ngút ngàn/Cháy trang giáo án dạy văn thầy rồi/Băng qua lửa đạn cứu người/Học trò ngã xuống thầy ngồi sao yên/Máu trò thấm áo giáo viên/Thầy phải khâm liệm suốt đêm mệt nhoài/Sáng lên bục giảng luyện bài/Truyện Kiều thầy dệt phiêu tài Nguyễn Du…
Hỏi chuyện, cụ Chung cho biết hồi đó thầy Thỷ cùng với nhiều thầy cô giáo khác đều ở chung trong nhà dân, vì vậy, mỗi lần bom do máy bay quân đội Mỹ bay ra ném xuống, hoặc đạn pháo từ biển nã vào làm cháy nhà dân và giáo án của thầy cô cũng cháy hết. Thầy Thỷ cũng không ngoại lệ, nên mới có “cháy trang giáo án” là vậy. Đau xót nhất, theo cụ Chung, đó là trường hợp Trần Đại Nghĩa, một học trò do thầy Thỷ chủ nhiệm, bị trúng bom tử vong trong giờ ra chơi, thầy phải cõng Nghĩa từ trường về sân hợp tác xã, sau đó cõng tiếp đưa về gia đình. Rồi chính tay thầy Thỷ khâm liệm và thức trắng đêm bên người học trò yêu quý của mình. Vậy mà, sáng sớm hôm sau, thầy vẫn lên lớp dạy, chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc tại cụm miền Trung ở Quảng Bình vào năm 1966. Nhờ vậy, Trần Chung đã đoạt giải nhì của kỳ thi này. Những kỷ niệm ấy theo mãi trong ký ức của cụ Chung trong suốt thời kỳ vượt Trường Sơn đi B, rồi sang tận nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, đến nay vẫn nguyện vẹn.
Tình thầy trò hơn nửa thế kỷ vẫn như thuở ban đầu1

Bài thơ Thầy tôi của cụ Chung

Cụ Chung nay nghỉ hưu ở TP.HCM. Thầy Thỷ cũng rời bục giảng từ 20 năm trước và ở lại tỉnh Quảng Bình. Chỉ đến lúc này, sau bao nhiêu năm xa cách, thầy trò mới tìm được nhau trong mừng mừng, tủi tủi. “Gặp thầy Thỷ và cô - vợ thầy, tôi vòng tay thưa rồi ôm lấy thầy cô, nước mắt chảy tràn”, cụ Chung xúc động.

…Đến bức thư và bài thơ của thầy cũ

Trở lại với tập Lưu tình thơ của cụ Chung, sau khi in xong, cụ đã trân trọng gửi về Quảng Bình tặng vợ chồng thầy Thỷ. “Đáng lý tôi phải tận tay mang đến tặng thầy cô, nhưng do dịch Covid-19 hai lần bùng phát không về được, đành phải thất lễ vậy”, giọng cụ Chung nghèn nghẹn. Và, chỉ vài hôm sau, vào ngày 17.9.2020, thầy Ngô Văn Thỷ họa một bài thơ tựa đề Một khúc tình thơ gửi cho “đứa” học trò “nhỏ”: Gửi em Một khúc tình thơ/Cảm nhận cho đây một chút quà/Rực rỡ hương thơm nhành phượng đỏ/Như cô gái đẹp cận Phong Nha…/Phần thưởng tặng em Lưu tình thơ/Người học trò xưa, mãi tới giờ...
Không chỉ thế, vài hôm sau, thầy Thỷ đích thân viết bức thư với nét chữ vừa chân phương vừa bay bổng, gửi cụ Chung, thể hiện tình cảm yêu thương, gần gũi. Thư có đoạn: “Chung thân mến. Chuyện chúng ta gặp lại nhau là chuyện trời dành riêng cho chúng ta đấy” và “Thầy gửi cho em 3 bài thơ tình của 3 thầy giáo có liên quan đến sông Son - con sông quê của em, để em đọc cho vui, đỡ nhớ quê…”. Cuối thư, thầy Thỷ trân trọng gửi lời hỏi thăm đến gia đình cụ Chung. “Thật xúc động và kính quý biết bao, thầy cô đều tuổi cao sức yếu cả rồi, dù cách trở xa xôi nhưng vẫn luôn thương nhớ những đứa học trò tụi mình…”, cụ Chung bùi ngùi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.