Tình thương và tội lỗi

01/06/2005 21:54 GMT+7

Có những giọt nước mắt ân hận, tiếc nuối và có cả những giọt nước mắt hạnh phúc trên khóe mắt của những học viên cai nghiện ma túy và thân nhân của họ. Buồn là có quá ít những giọt nước mắt vì mừng vui nhưng lại quá nhiều những tình thương... gây nên tội lỗi! Chúng tôi không khỏi đau lòng khi chứng kiến những bi kịch đó tại Trung tâm cai nghiện Phú Văn.

“Bao giờ mẹ về với con?”

4 giờ sáng, gần 300 người đứng ngồi lố nhố bên cạnh những chiếc túi đựng đủ thứ đồ từ quần áo, giày dép đến gói ô mai, trái sầu riêng... tại khu nhà chờ xe đưa đón thân nhân học viên của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM. Khuôn mặt ai cũng lộ vẻ khắc khổ - dấu tích của những năm tháng gồng mình chịu đựng nỗi đau đớn, tủi nhục khi có người thân nghiện ngập. Người phụ nữ ngồi cạnh chúng tôi than thở: "Cả tháng trời đi khắp ngõ ngách Sài Gòn bán hàng dạo, gom góp được chút tiền là phải sắp lịch chạy đi thăm nuôi 3 đứa con trai đang cai nghiện". Bà già gần 70 tuổi ôm đứa cháu lên 7 đang ngủ gật cũng góp vào câu chuyện: "Tôi già rồi, lại phải nuôi con của nó, không có tiền đành phải vay nợ lãi để đi thăm nuôi!". Ông già chừng 65 tuổi xách mấy trái sầu riêng thì nói rằng ông hái từ cây do chính tay mình trồng đem vào thăm cháu... 5 giờ 30 phút, những chuyến xe bắt đầu lăn bánh, hướng đến là các trung tâm cai nghiện Bình Đức, Đức Hạnh, Phú Văn nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Sau 4 giờ đồng hồ, xe chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phú Văn. Tại khu nhà thăm nuôi, sau những cái ôm thật chặt trong phút đầu gặp mặt, mọi người túa ra căng tin mua nước uống, đồ ăn cho học viên. Chúng tôi bắt gặp cảnh một cô gái trẻ đem máy MP3 cho bạn trai nghe những bản tình ca mà cả hai cùng yêu thích, cảnh cháu bé ôm lấy người cha khóc nức nở, cảnh người mẹ già lau những giọt nước mắt... Bà Trần Thị Hồng L. (ngụ tại đường Đoàn Văn Bơ, Q.4) không cầm được nước mắt khi học viên Trần Quốc D. bước vào phòng thăm nuôi. Sau khi sờ nắn khuôn mặt, bờ vai, bắp tay D., bà vồ vập hỏi thăm con: "Khỏe không? Ngày ăn được mấy chén cơm? Có cố gắng rèn luyện không đó?...  D. hỏi mẹ về công việc bán buôn, căn dặn mẹ chú ý gìn giữ sức khỏe, rồi thông báo một tin vui: "Con có người thương rồi đấy. Bọn con định xin trung tâm làm đám cưới. Má ủng hộ tụi con nhé!". Khuôn mặt bà L. rạng một niềm vui. Mấy năm trước bà chưa bao giờ dám nghĩ tới ngày đứa con trai của mình sẽ cưới được vợ, có một mái ấm nho nhỏ. Khi đó, ngày ngày 2 trong số 4 đứa con của bà chỉ biết nằm dài một chỗ, ngửa tay vòi tiền mẹ mua thuốc cho đỡ cơn nghiện. Đồ vật trong nhà cứ đội nón ra đi theo làn khói trắng. Biết bao lần bà chết đi sống lại khi những đứa con của mình đi trộm cắp ngoài đường bị người ta đánh cho bầm dập. Suốt mấy năm trời, không một đêm nào bà L. ngủ trọn giấc. Chuông điện thoại reo, có tiếng gõ cửa là bà giật thót mình trở dậy, trong đầu nghĩ tới chuyện chẳng lành. Đã bao lần bà khóc, van xin con từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời, cả việc đưa chúng về quê "cai sống" nhưng đều thất bại. Giận con nhưng không thể từ chúng. Bà biết rằng, trong lỗi lầm của D. có một phần lỗi của bà.

Bàn bên cạnh, học viên Huỳnh P. T. đang chăm chút cho đứa con gái 7 tuổi từng thìa cơm. Bé Nguyễn Huỳnh Y.V. (con gái của T.) quàng cổ mẹ, thủ thỉ: "Mẹ ơi! Nhà của mẹ ở đâu"? Người mẹ trẻ lúng túng, chỉ tay về phía những dãy nhà dành cho học viên cai nghiện trả lời: "Nhà của mẹ ở đó". "Ăn cơm xong mẹ đưa con đi thăm nhà của mẹ nhé! - Y.V. nói với mẹ. P.T. dỗ dành con: "Cưng ngoan. Mẹ sẽ về với con". Đứa trẻ ngây thơ hỏi mẹ: "Bao giờ mẹ về?". Người mẹ trẻ quay mặt, nhanh tay lau những giọt nước mắt trên má, giọng nghẹn ngào: "Mẹ sắp về rồi!". Khi trò chuyện với chúng tôi, P.T. kể: "Đua đòi với bạn xấu, muốn tìm cảm giác lạ nên em rơi vào con đường nghiện ngập. Chồng em cũng nghiện nặng. Hai vợ chồng kéo nhau ra tòa ly dị vì tranh nhau tiền hút hít". Y.V. về ở với bà ngoại, có bố có mẹ nhưng chẳng khác nào trẻ mồ côi.

Tình thương... gây nên tội!

Chiếc rương 2 đáy của Hồ Thị Thanh Thúy

Ông Tạ Vạng Đức - Giám đốc Trung tâm Phú Văn chỉ vào đống thuốc lá, mấy gói bột trắng nhỏ xíu rồi nói với chúng tôi: "Quà của những người vợ, ông bố đem vào cho chồng con lúc đi thăm nuôi đấy! Khi bị bắt quả tang về hành vi thẩm lậu ma túy, thuốc lá vào trung tâm, các đối tượng này đều khai giống nhau: vì thương chồng, thương con nên mới...". Ông Đức bảo: "Đó là thứ tình thương mù quáng, tình thương gây nên tội lỗi!" và cho biết: "Khi ma túy lọt vào trung tâm, học viên hút trở lại, công sức của chúng tôi coi như đổ xuống sông xuống bể". Thực tế cho thấy, thân nhân của học viên tìm mọi thủ đoạn để tiếp thuốc cho người nhà mình: quấn thuốc bằng ni lông, nhét vào giữa miếng thịt; vào cọng rau muống; vào đế dép rồi đem đổi dép cho học viên khi thăm nuôi... Có trường hợp, hai vợ chồng là bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện lớn của thành phố đã đem ma túy vào cho con hút để thể hiện sự... ân hận của mình! Ngày 17/3 vừa qua, Huỳnh Yến (trú tại tổ 6 - Vĩnh Lộc A - Bình Chánh) đã giấu 6 tép heroin vào... áo ngực để tiếp tế cho chồng là học viên Phạm Cao Tiến. Huỳnh Yến khai rằng, lần thăm nuôi trước đó, Tiến khóc lóc, van xin và bảo cô thể hiện tình yêu thương chồng bằng cách như vậy.

Nhiều đối tượng cũng lợi dụng thăm nuôi để tổ chức buôn bán ma túy, thuốc lá cho học viên cai nghiện. Một gói thuốc lá khi đưa được vào trung tâm giá đội lên 200 - 300 ngàn đồng! Mới đây, nhân viên bảo vệ của trung tâm Phú Văn cũng đã bắt quả tang Hồ Thị Thanh Thúy (trú tại đường Huỳnh Tấn Phát, H.Nhà Bè) đem 80 gói thuốc lá vào trung tâm cho chồng là học viên Nguyễn Trần Phú bán kiếm lời. Để che mắt lực lượng bảo vệ, Thúy thiết kế một chiếc rương 2 đáy, ngăn dưới bỏ thuốc, ngăn trên để quần áo rồi đem vào cho chồng theo con đường thăm nuôi.

Trung tâm Phú Văn đã phải cấm thân nhân học viên đem bất kỳ hàng hóa nào vào trung tâm khi thăm nuôi. Căng tin của Trung tâm có 140 mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của mọi người. Ông Tạ Vạng Đức tâm sự: "Làm vậy sẽ hạn chế sự thể hiện tình cảm của thân nhân học viên với con em họ nhưng hệ số an toàn sẽ cao hơn, học viên được bảo vệ tốt hơn".

Phóng sự của Bùi Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.