Vào dịp kỷ niệm 11 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 1.4 vừa rồi, ông André Menras - Hồ Cương Quyết đang ở châu Âu.
Ông mang những thước phim tài liệu quý giá về ngư dân miền Trung do chính ông viết kịch bản và làm đạo diễn đi chiếu nhiều nơi ở Pháp, Đức, CH Czech, Ba Lan… Và cũng chính ông tổ chức những buổi thảo luận về cuộc sống của ngư dân Việt, qua đó gửi một thông điệp bất di bất dịch khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau những buổi chiếu phim, ông kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho gia đình các ngư dân và qua email gửi cho người viết, ông khoe: “Anh đã quyên góp được một số tiền kha khá cho các gia đình ngư dân Lý Sơn và Bình Châu rồi”…
Có lần vào cuối năm 2011, ngồi với ông ở một nhà hàng ở trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM), trong dịp ông qua Việt Nam theo lời mời của nhà nước để làm bộ phim André Menras - Một người Việt Nam. Tối hôm ấy, khi đã ngà ngà say, ông lên sân khấu hát bài Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn. Ông hát bằng tất cả tâm hồn, khiến rất nhiều thực khách xúc động lên tặng hoa và yêu cầu ông hát nữa. Ông chọn thêm một bài, cũng của Trịnh - bài Quỳnh hương. Và bài này ông cũng nhận được sự tán thưởng của rất nhiều người tối hôm đó.
|
Vài ngày sau, khi hoàn thành bộ phim, ông quay về Pháp. Email cho tôi, khi nhận được câu hỏi rằng vì sao hôm ấy hát bài Một cõi đi về hay đến thế, ông trả lời: “Vì anh cứ nghĩ và liên tưởng đến một điều rằng, một cõi đi về của mình là đất nước Việt Nam. Anh yêu đất nước thứ hai này không thua gì nước Pháp, nơi anh đã sinh ra. Và cũng vì bởi Việt Nam là nơi anh dành gần hết cuộc đời của mình để đấu tranh cho điều tốt đẹp nhất: quyền được sống tự do của con người, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các quốc gia và anh tin rằng trên thế giới, không có thế lực của một nước nào mạnh có thể hiếp đáp được một nước yếu hơn. Và cũng bởi vì thế, anh rất yêu nhạc Trịnh”. Ông cũng kể rằng đang kết nối với cộng đồng người Việt ở nhiều nước châu Âu để thực hiện hành trình chiếu bộ phim Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát.
Bây giờ, nghe những câu chuyện ông kể, nhìn những hình ảnh do chính ông gửi về từ châu Âu, tôi vô cùng xúc động. Có hôm ở Warsaw (Ba Lan), sau khi chiếu phim xong, trời đã khuya và lạnh buốt, ông cùng một số Việt kiều nán lại và họ đã yêu cầu chính ông tự tay kiểm thùng tiền quyên góp giúp ngư dân. Từng đồng euro được ông nâng niu vuốt ve, và kết lại số tiền được 3.200 euro, ông kêu lên rất vui và hóm hỉnh “thành tỉ phú rồi”. Mỗi nơi, quyên được bao nhiêu tiền, ông đều viết biên nhận giao lại cho ban tổ chức của cộng đồng người Việt ở thành phố đó, đồng thời công bố lên trang web của Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP - do chính ông làm chủ tịch). Và những đồng tiền từ sự quyên góp miệt mài ấy của ông, sau này sẽ được ông tận tay đem đến giúp đỡ cho những cảnh đời ngư dân ngặt nghèo; hoặc giúp cho mỗi người vợ góa của các ngư dân đã mất tích ở Hoàng Sa một chút vốn; hoặc những suất học bổng cho con em ngư dân...
Cũng những ngày “lang thang ở châu Âu” - chữ ông dùng trong email, có khi ông cùng với vài người bạn ôm thùng đi quyên góp ở các chợ, trên những con phố, nơi có Việt kiều làm ăn buôn bán. Đã có rất nhiều người Việt xa quê hương ủng hộ việc làm của ông. Ông cứ đi mải miết, và tôi hình dung giữa cơn giá buốt ở đâu đó, ông đang nuôi dưỡng trong lòng một tình yêu ấm áp khôn cùng với những ngư dân miền Trung Việt Nam.
Đó là một tình yêu bất diệt.
Đến nay, bộ phim Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát đã được chiếu tại 6 thành phố ở Pháp dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của ADEP, bạn bè Pháp, Việt và các tổ chức Pháp, cộng đồng Việt kiều. Đồng thời, phim cũng đã được chiếu tại 5 thành phố khác như Berlin, Köln (Đức), Praha, Plzen (CH Czech) và Warsaw (Ba Lan). |
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)