Khúc Trà My đã mơ ước đi du học Mỹ từ khi còn bé xíu, tuy nhiên đã có lúc em tự nghi hoặc tính khả thi của ước mơ này vì có quá nhiều trở ngại xuất hiện. Năm lên lớp 4, bố mẹ Trà My quyết định ly thân. Giờ đây, gia đình nhỏ chỉ còn lại mẹ và em, ít nhiều cuộc sống xuất hiện những thay đổi. Dù không muốn nhưng để có thể trở thành chỗ dựa niềm tin cho mẹ, Trà My buộc phải trở thành một đứa trẻ hiểu chuyện và trưởng thành hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Mẹ của em là một người thợ cắt tóc bình dị. Công việc mỗi ngày của mẹ rất vất vả, nhiều hôm phải làm việc đến tận khuya. "Mẹ không phải là người lao động trí thức cao siêu gì nhưng tất cả những điều mẹ làm đều khiến em nể phục vô cùng. Mẹ chính là tấm gương, là nguồn động lực to lớn để em quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của mình", Trà My nghẹn ngào.

Vốn dĩ để cho một đứa con đi học xa nhà cần cả một tinh thần thép và một khả năng tài chính đủ mạnh. Trong khi với gia đình Trà My thì cả hai yếu tố này đều không thể nói chắc. Sau một thời gian dài bàn luận với con, dù vẫn còn vô vàn những nỗi lo, nhưng cuối cùng mẹ vẫn đồng ý cho Trà My đi du học, bởi mẹ không muốn cuộc đời sau này của hai mẹ con phải có thêm những điều hối tiếc. Thuyết phục được mẹ nhưng trở ngại về tài chính vẫn còn đó. Vậy nên mục tiêu tiếp theo là phải giành được nhiều học bổng nhất có thể.

Ngay khi mới nhập học vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, My đã bắt đầu tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, âm nhạc, kinh doanh,... Thế nhưng điều đó vô tình lại khiến bộ hồ sơ của em trở nên lộn xộn và không nổi bật được những giá trị cốt lõi, màu sắc cá nhân đặc biệt. Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia, Trà My đã hệ thống lại bộ hồ sơ, chỉ tập trung tìm kiếm và tham gia năng nổ những dự án thực sự chất lượng. Em là Phó chủ tịch 2 CLB có sức ảnh hưởng lớn tại trường. Ngoài ra em cũng tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ, quyên góp ủng hộ người dân vùng sâu vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn,...

Tuổi thơ nhiều lần chứng kiến mẹ rơi nước mắt vì chuyện buồn khiến cô gái nhỏ nghĩ rằng khóc là cảm xúc tồi tệ, khóc có nghĩa là yếu đuối. Em nghĩ sẽ tốt hơn khi cố kìm nén và đánh lừa bản thân bằng một vỏ bọc cứng cáp. Nhưng chính điều này lại khiến Trà My gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc trong bài luận cá nhân. “May mắn là em đã tìm lại được cảm xúc bằng cách viết lách mỗi ngày trong suốt 4 tháng. Em đã thay đổi suy nghĩ về sự Mạnh mẽ và Yếu đuối. Em nhận ra thể hiện cảm xúc ra bên ngoài không phải là xấu, làm vậy sẽ giúp bản thân thoải mái hơn và giúp mọi người xung quanh thấu hiểu mình hơn. Chính mẹ là người đã giúp em dần hiểu ra điều này" Trà My chia sẻ.

Trong cả bài luận chính hay luận phụ Trà My đều chọn viết về mẹ. Dù chủ đề về người mẹ tưởng chừng như đã quá đỗi quen thuộc, nhưng dưới sự kèm cặp của giáo viên dạy luận người Mỹ của American Study, My hiểu rằng mình phải nâng tầm bài luận để dù viết về mẹ nhưng vẫn thể hiện rõ cho trường thấy Khúc Trà My là người như thế nào. Mẹ là nguồn động lực để My luôn tự tin, không ngại thử sức và bền bỉ theo đuổi đam mê; bằng chứng là mọi dự án ngoại khóa có sự điều hành và tham gia của em đều kết thúc trọn vẹn.

Sau hơn một năm nỗ lực hết mình, hành trình chinh phục học bổng Mỹ của Trà My đã đạt được kết quả mỹ mãn khi em nhận được giấy thông báo trúng tuyển từ Trường Haverford, cùng suất học bổng hơn 7,8 tỉ đồng cho cả 4 năm học. Lúc nhận được thư trúng tuyển, cả mẹ và em đã mừng rơi nước mắt.

Chuyến bay dài gần 20 tiếng đưa em đến một đất nước mới. Hiện tại, My đã dần thích nghi với môi trường học tập và kết thêm những người bạn mới tại Haverford. Ngoài giờ học, cô nàng cũng đang tìm việc làm thêm tại trường với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, trau dồi các kỹ năng cũng như tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội phát triển quý giá trong thời gian học tại Mỹ!

Nguồn: Thông tin dịch vụ

Báo Thanh Niên
30.11.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top