Tổ chức lại sản xuất ở ĐBSCL

06/07/2013 02:22 GMT+7

Ngày 5.7, tại TP.Cần Thơ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành T.Ư, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, năm 2013, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: dịch bệnh bùng phát, hạn mặn xâm nhập sâu vào nội địa, giá cả nhiều mặt hàng lúa gạo, nông sản, thủy sản giảm đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp. Từ đó làm giảm thu nhập của nông dân.

Để tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có nghị định điều chỉnh cơ cấu sản xuất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho nông dân.

Tổ chức lại sản xuất ở ĐBSCL
Chính phủ yêu cầu phải nhanh chóng nghiên cứu bộ giống lúa đặc trưng để xây dựng thương hiệu - Ảnh: Đình Tuyển

“Tại sao chúng ta không trồng đậu nành xen canh như ở Mỹ, Ấn Độ, trong khi mỗi năm phải nhập khẩu 800.000 tấn bã đậu nành từ Mỹ để làm thức ăn chăn nuôi, chưa kể còn nhập khẩu 700.000 tấn bắp?”, ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đặt vấn đề.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Mục tiêu không phải là sản lượng lúa mà cái chính là nâng cao hiệu quả cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập người dân. Những chỗ nào trồng lúa kém hiệu quả, phải điều chỉnh, không nhất thiết đất lúa phải trồng lúa”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Lúa gạo và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực của cả nước. Trước mắt cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đã ban hành như tạm trữ lúa gạo; mở rộng tìm kiếm thị trường; thực hiện tín dụng cho sản xuất, thu mua, xuất khẩu; đề nghị các địa phương kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho các địa phương tự cơ cấu lại sản xuất...”.

Về lâu dài, Phó thủ tướng yêu cầu phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; quy hoạch lại sản xuất phải gắn với cung cầu của thị trường; nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, các địa phương phải lựa chọn sản phẩm thích hợp, tăng thu nhập cho nông dân. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết vùng, liên kết các doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp và nông dân để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Riêng cây lúa phải nhanh chóng nghiên cứu bộ giống lúa đặc trưng để xây dựng thương hiệu. Tới đây, Chính phủ sẽ yêu cầu các đơn vị bảo hiểm tiếp tục triển khai bảo hiểm cây lúa, cá, tôm; bổ sung vốn đầu tư hạ tầng về thủy lợi, giao thông; đồng thời tìm cách tháo gỡ các rào cản thương mại; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi sao cho đem lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân.

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.