Hôm nay 26.11 tròn 40 năm ngày nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng bị bắn chết ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ bởi bà ra đi khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, được hàng triệu khán giả mến mộ.
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa, cha nuôi của nữ nghệ sĩ, làm bầu gánh. Với nhan sắc và tài năng của mình, Thanh Nga được những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan nỗ lực dìu dắt bước thẳng đến đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm, khi mới 16 tuổi.
Diễn cải lương cho đoàn nhà, Thanh Nga còn là gương mặt sáng trên truyền hình Sài Gòn, tham gia phim ảnh từ năm 1969. Bà từng được mời tham dự Liên hoan phim châu Á tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1971, đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh châu Á tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều. Bà tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được cố Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp, hình ảnh đăng đầy trên báo chí Ấn...
|
Ở cuộc sống ngoài đời, Thanh Nga gặp nhiều đau xót trong các câu chuyện tình. Sau ngày chia tay Thành Được kết thúc mối tình 3 năm, Thanh Nga đi lấy chồng, nhưng rồi cuộc hôn nhân đầu tiên với người đàn ông tên Mẫn (Đại úy Mẫn, hiện sinh sống tại Mỹ) cũng không kéo dài. Trong chuyến đi trình diễn bên Pháp, Thanh Nga bén duyên với người hướng dẫn phái đoàn đi Pháp là ông Đổng Lân. Sau khi lưu diễn bên Pháp về được vài tháng, đám cưới Thanh Nga và ông Đổng Lân đã nhanh chóng diễn ra. Từ đó, Thanh Nga sống yên ấm dưới mái gia đình vì có một người chồng rất mực thương yêu và chiều chuộng vợ… Thanh Nga và chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Nhất là thời gian họ dọn về ở cư xá Đô Thành, đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, quận 3). Hai người thường chở nhau trên chiếc honda. Ông Lân vóc dáng cao lớn vững chãi, bên cạnh là Thanh Nga xinh đẹp, mảnh mai. Chồng Thanh Nga yêu thương và rất thông cảm nghề nghiệp của vợ. Ở bên ông, Thanh Nga thêm điều kiện thăng hoa cùng vai diễn. Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu từ năm 1974. Đó cũng là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng và hoạt động điện ảnh của Thanh Nga sôi động với nhiều thành công.
Đêm 26.11.1978, diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. Hơn 23 giờ khuya hôm ấy, một kẻ lạ mặt đã chĩa súng vào vợ chồng bà rồi bóp cò. Viên đạn bắn trúng ngực trái, chưa xuyên ra sau lưng, nhưng đủ kết liễu sinh mệnh của một ngôi sao đang thời kỳ rực rỡ nhất. Năm đó Thanh Nga 36 tuổi.
|
Linh cữu vợ chồng Thanh Nga được quàn tại Hội Văn học nghệ thuật Sài Gòn (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Hàng vạn khán giả Sài Gòn và các tỉnh về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn cả ra đường Tú Xương - Trương Định... Giờ động quan, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền cải lương nói chung. Đám tang Thanh Nga được ví là một đám tang đông đảo người đưa tiễn nhất Sài Gòn.
Kỷ niệm 40 năm ngày mất của nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Hữu Châu cùng gia đình đứng ra làm giỗ để tưởng nhớ bà. Nghệ sĩ kịch Idecaf từng tâm sự dù "má Ba" đã nằm xuống nhiều năm nhưng chưa bao giờ thật sự ra đi trong lòng những người thân trong gia đình và hàng bao thế hệ khán giả.
Anh kể những ngày giỗ trước đây chỉ tổ chức trong gia đình nhưng cũng có rất nhiều hoa của khán giả được gửi tới nhà hay đặt trên mộ. Trước tình cảm sâu nặng đó, lễ giỗ lần này như một lời tri ân tới họ, cũng là dịp để “gặp” lại những người từng cùng cố nghệ sĩ đứng trên sân khấu của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga ngày xưa...
Bình luận (0)