"Tổ quốc không có nơi xa" (*)

18/12/2011 23:17 GMT+7

Tập truyện ký của nhà báo Lưu Đình Triều đến tay bạn đọc vào những tháng ngày đặc biệt, khi hằng ngày hằng giờ những thông tin về biển đảo của Tổ quốc luôn được mọi người dân hết sức quan tâm.

Tập truyện ký của nhà báo Lưu Đình Triều đến tay bạn đọc vào những tháng ngày đặc biệt, khi hằng ngày hằng giờ những thông tin về biển đảo của Tổ quốc luôn được mọi người dân hết sức quan tâm.

Bởi thế, dù phần đầu của tập sách tập hợp các bài viết về những vùng biển đảo, biên giới của Tổ quốc từ cách đây gần 20 năm (Trường Sa - quần đảo bão tố; Ấm lòng, tín hiệu gửi Trường Sa, Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc; Pháo đài Trà Cổ; Côn Đảo, năm tháng đời người...), người đọc vẫn thấy rất đỗi gần gũi.

 

Thời gian gần đây, đã có nhiều nhà báo trẻ được đi thực tế ở Trường Sa và đã có rất nhiều bài viết về cuộc sống lính đảo. Cùng chung thông điệp: cuộc sống lính đảo còn vô vàn thiếu thốn nhưng các anh vẫn kiên cường bám đảo để giữ vững chủ quyền đất nước, song đọc lại các bài viết của Lưu Đình Triều, mới thấy ngày ấy anh đã quan sát và ghi nhận được những chi tiết đắt đến ám ảnh: “Thấm thía nhất cái khổ cực của lính là lúc xem các anh đá banh. Từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ thấy một trái banh lạ như vậy. Nó được khâu vá chằng chịt. Ở đảo sắt còn bị tàn phá nói gì đến những quả banh... Song vẫn chưa thấm gì so với hụt hẫng về tinh thần”. Và cái thiếu thốn về tinh thần ấy - trong đó thiếu nhất là những mối quan hệ bình thường của xã hội - thể hiện trong một câu chuyện thật xót xa: “Thiếu tá Trần Huy Lưu trầm ngâm kể: Có lần đoàn thành phố ra thăm, lính đã cố xin bằng được tất cả quần áo của một phụ nữ tốt bụng rồi chia nhau cất giữ”. Và Lưu Đình Triều đã tự lý giải hành động ấy của những người lính bằng cái nhìn đầy cảm thông, nhân bản: “Họ ấp ủ trong hòm xiểng hay đặt dưới gối để làm gì, nếu không là giữ lấy một mùi hương? Mẹ, vợ, chị, em, người yêu - tất cả đều mù mịt nơi xa.

Có chăng chỉ là hình ảnh trong mơ, nên “tặng phẩm” trên vẫn là cái gì rất thực và vô cùng quý giá...”. Khó khăn là thế, nhưng một người lính “đen nhẻm” vẫn cười vô tư, và câu nói “vô tư” của anh mà Lưu Đình Triều đã ghi lại khiến người đọc chứa chan xúc động: “Đảo của mình thì xa gần gì cũng phải giữ chứ. Chằng lẽ nơi xa thì không là Tổ quốc?”.

Cứ thế, ở phần 2 của tập sách - Những vùng đất: con người và khoảnh khắc, các bài viết của Lưu Đình Triều tiếp tục lôi cuốn người đọc bởi thái độ yêu thương chân thành của tác giả đối với những vùng đất xa xôi mà anh có dịp đặt chân đến, với những con người có số phận đặc biệt mà anh có dịp tiếp xúc. Cách viết mà độc giả đã dành nhiều thiện cảm cho Lưu Đình Triều từ tập sách đầu tay Bật một que diêm tiếp tục được phát huy, có điều ở tập sách thứ hai này, những con người mà Lưu Đình Triều đề cập, dưới cái nhìn của anh, mang tầm vóc thời cuộc.

“Tôi ngờ rằng khi viết báo, với Lưu Đình Triều là lúc anh rung lên những hồi chuông. Hồi chuông ấy ca ngợi tuổi trẻ và cũng tự nhắc nhở về mình” (Lê Minh Quốc). Một cuốn sách đáng đọc để soi lại mình trong tâm thế tuổi trẻ một thời.

Phạm Thu Nga
(*) NXB Trẻ ấn hành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.