Cần có một cái nhìn đúng đắn về nhạc "sến"

22/08/2005 11:45 GMT+7

Tôi đã thử học làm sang Tôi cũng từng mê nhạc "sến" nhưng khi thấy phong trào nhạc "sang" rộ lên, tự nhiên tôi cũng cảm thấy mình bị lạc hậu, lỗi thời vì những lời dè bĩu của thiên hạ. Thế là tôi thử "học làm sang", chỉ tìm nghe có mỗi nhạc "sang". Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi lại cũng "tự nhiên" quay về thưởng thức với những dòng nhạc được cho là "sến" kia.

Lý do à? Nhiều lắm, bởi vì nhạc đã được cho là "sang" ấy hình như không phải sang, nó chỉ mới mà thôi. Hơn nữa, tôi lại không thể "cảm" được cái mới ấy dù chỉ một chút. Nói theo kiểu "nghe tai này lọt qua tai kia" có lẽ là gần chính xác. Bởi vậy, mặc ai có nói gì thì nói, tôi sẽ vẫn tiếp tục thưởng thức lọai nhạc dễ cảm này.

Luận

Tại sao gọi là "sến"?
 
Tôi rất đồng cảm khi đọc bài báo này. Tôi đã được bạn bè đặt cho cái biệt danh "sến" từ khi nào chẳng biết. Lúc đầu thấy quê quê, nhưng riết rồi cũng quen, đôi khi nghe cũng hay hay. Khi được coi là sến rồi thì bất cứ thứ gì thuộc sở hữu của tôi cũng được bạn bè gọi là sến (cặp táp, đôi giày, cái áo, cái quần, đầu tóc...). Có lẽ vì ba tôi là một nhạc sĩ cải lương và tôi cũng thích nghe - hát nhạc "sến" nên tụi bạn gọi tôi chết cái tên "THỌ SẾN". Nhưng điều làm tôi thích cái từ "sến" là tôi khác với bạn bè, họ luôn nhớ đến những đặc điểm của tôi, từ sinh nhật đến sở thích, tính cách... Với tôi, từ "sến" là cái gì đó thân quen, dễ gần, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người nhất. Đây giống như chiến lược "dị biệt hoá sản phẩm" mà những người làm marketing thường dùng.

Di Minh Thọ

"Sến" không có nghĩa là xấu
 
Mọi người gọi nhạc "sến" không có nghĩa là không thích nghe nhạc đó. Giống như tôi thường thì chỉ nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, và những bản nhạc do Tuấn Ngọc, Quang Dũng... hát. Nhưng đôi lúc, tôi cũng nghe những bản nhạc bolléro cũ xưa. Tùy thời điểm và tùy tâm trạng mà người nghe cảm thấy thích nghe loại nhạc nào. Theo tôi, nhạc "sến" là những bản nhạc có giai điệu dễ nghe như bolléro, rumba... cộng vào đó là ca từ bình dân, dễ hiểu, tả thực không cách điệu, không ẩn dụ. Nhạc sến không có nghĩa là những bài nhạc thời xưa, nhưng đa số những bài nhạc xưa đều mang giai điệu và ca từ như vậy. Ngày nay, cũng có nhiều nhạc "sến" như nhạc của Ngọc Sơn hay Duy Mạnh... Nói tóm lại, nhạc "sến" là nhạc có ca từ và giai điệu dễ nghe, dễ hát, hát lên ai cũng có thể hiểu được.

Tất cả những người nghe và không nghe nhạc "sến" hiểu rằng những bài nhạc "sến" thường có giá trị nghệ thuật thấp hơn những bài nhạc "sang" nhưng bù lại nó rất chân thật và gần gũi.

Huỳnh Như Vũ
(Q.3, TP.HCM)

"Sến" là gì?
 
Tôi đang ở lứa tuổi trung niên (45), trình độ văn hoá khá, đã tốt nghiệp M.A. ở nước ngoài, có nghề nghiệp ổ định, thu nhập tốt... Tôi nói dài dòng như vậy để thấy rằng sự cảm thụ âm nhạc của tôi không đến nỗi "lạc hậu" hay "sến" như cách gọi của nhiều người.

Tôi đã sống ở Sài Gòn trước 1975. Thời đó, tôi còn nhỏ, có nghe rất nhiều loại nhạc tình, "nhạc vàng"... Rồi sau 1975, tuổi đủ lớn để cảm thụ dòng âm nhạc mới, tôi có nhận xét như sau:

1- Thời nào cũng có nhiều bản nhạc rất hay ví dụ như nhạc tiền chiến, nhạc tình trước 1975, nhạc cách mạng nhưng chỉ có nhạc trẻ hiện nay mà người ta cho là nhạc "sang" là tôi nghe không lọt lỗ tai. Đây là ý kiến của cá nhân tôi.

2- Chắc có nhiều người cũng đồng ý với tôi, vì vậy nếu gọi một loại nhạc nào là "sến" thì chẳng qua đó là một sự xúc phạm đến sự cảm thụ nghệ thuật của người khác, là một cách nói áp đặt đến quyền tự do của người khác, xúc phạm người sáng tác, người ca sĩ...

3- Đồng ý là cùng một bài nhạc, có người hát hay, người hát không hay nhưng cảm thụ nghệ thuật là tùy theo khuynh hướng thẩm mỹ của mỗi người, đó là quyền tự do cá nhân, không ai có quyền phê bình. Cũng như ai cũng có quyền sáng tác nhạc dưới mọi thể loại, miễn là không phạm pháp, không đạo nhạc là đáng trân trọng rồi. Nếu ai không thích loại nhạc tình ủy mị (tôi cũng vậy, vì tôi không ở trong tâm trạng thích hợp để cảm thụ nó), thì phải tôn trọng quyền thích của người khác, miễn là người đó không hát hay mở nhạc quá ồn ào làm phiền lòng người khác là được rồi...

Tran Thanh Son

Nhạc "sến" có hồn thơ trong nhạc
 
Nếu cho rằng nhạc "sến" là bình dân thành thị với ý nghĩa khinh miệt thì đó là một sai lầm rất lớn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng chỉ có nhạc hay và nhạc dở. Một bản nhạc là một sản phẩm tinh thần. Nếu người nghe nghe xong rồi quên, bản nhạc chỉ có đời sống ngắn ngủi vài tháng thì không thể là một sản phẩm tốt được. Nếu chúng ta biết nghe, biết cảm nhận dòng nhạc bị cho là sến, ta sẽ thấy được rằng sức sống của những bản nhạc này không chỉ ở một thế hệ. Vì sao? Nếu ta đem so sánh những ca từ, những lời ca của nhạc "sến" và dòng nhạc trẻ bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Ca từ trong những bài nhạc của Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Cương, Vinh Sử, Nguyễn Ánh 9... rất chau chuốt, chan chứa hồn thơ trong từng ý nhạc mà những bài nhạc trẻ hầu như không có. Hơn thế nữa, người nghe có thể cảm nhận được hồn quê, tình yêu trong sáng trong từng ca khúc của họ.

Tôi sinh ra sau 1975, và tôi yêu những ca khúc đó.

Thân ái, 

Quang Thuan
(Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Em là một người rất yêu nhạc, đặc biệt là loại nhạc mà người ta vẫn cho là nhạc "sến". Theo em, dòng nhạc ấy là cực kỳ hay, cực kỳ có ý nghĩa, mà giới trẻ ngày nay ít có ai để ý đến. Họ chỉ theo dòng nhạc trẻ sôi động, đầy lâm li bi đát nhưng lại không có một chút ý nghĩa. Có nhiều bài nghe qua chẳng biết nội dung nói gì, hầu hết các bài hát đều chỉ xoay quanh chuyện yêu đương trai gái. Chính vì điều đó mà nhạc trẻ không sống lâu. Còn nhạc "sến", tuy được gọi là nhạc "sến", nhưng nó lại đi được vào trong tim những người biết thưởng thức nó, nghe một lần lại muốn nghe lần thứ hai, thứ ba...

Trần Nguyễn Trinh

Nên bỏ khái niệm nhạc "sến" 
 
Chúng ta nên bỏ khái niệm nhạc "sến" khỏi đời sống âm nhạc ngày hôm nay. Hãy gọi đó là nhạc trữ tình bởi đây là dòng nhạc mang đậm âm hưởng dân ca và có sức truyền cảm lớn.

A.P.N

Qua bài viết về nhạc "sến" của báo Thanh Niên, tôi cảm thấy hơi bức xúc. Tại sao người ta lại chỉ trích nhạc "sến", nó đâu có làm hại gì ai đâu. Tôi cũng là người nghe được rất nhiều loại nhạc và tôi thấy rằng nhạc nào cũng có cái hay của nó. Không thể nào vì anh không thích mà anh đi nói xấu nó. Tôi thấy trong các loại nhạc thì nhạc "sến" là dễ đi vào lòng người nhất, không chỉ có các bậc trung niên mà cả với giới trẻ như chúng tôi (Tôi năm nay 22 tuổi). Tôi mong các nhạc sĩ và các ca sĩ hát nhạc "sến" biết rằng dòng nhạc của họ vẫn được rất nhiều người nghe đón nhận. Họ hãy cứ yên tâm sáng tác.

Giang Thanh Trung
(TP.HCM)

Tôi không nghĩ nhạc "sến" là sến. Tôi đồng ý với chị Thuỳ Trang rằng hiện nay có quá nhiều ca khúc nhạc trẻ mà lời của nó còn sến hơn cả những ca khúc được mệnh danh là sến. Nhạc "sến" hay, hay nói cách khác, nhạc "sến" hay khi người ta có tâm trạng như nó. Noi như cô Hương Lan, đừng quá tự tin khi nói rằng người khác sến, biết đâu chừng mình còn sến hơn người khác. Hiện tại, thị trường dành cho nhạc "sến" không hiếm. Có một số lượng lớn khán giả dành trọn tình cảm của mình cho dòng nhạc này, vì nó dễ nghe, dễ hiểu và dễ cảm... Tôi thật bất ngờ khi nghe một dân hip - hop nào đó nói "Phượng Hồng" là một bài nhạc "sến". Tôi tin chắc rằng người thốt ra câu nói đó chưa từng yêu - hay nói cách khác chưa từng có một tình yêu thơ mộng thật sự. Và con người đó chưa có niềm say mê văn chương. Nhưng biết đâu được, sau này chính họ sẽ nói rằng "Phượng Hồng hợp với tâm trạng tao lúc này mày ạ...". Cuối cùng, tôi xin được nói rằng, đừng nên cho rằng một bài nhạc nào đó là sến hay là sang, mà đó chỉ là cách nghĩ, cách cảm của từng người, từng cá nhân riêng biệt. Nhạc chỉ cần lời lẽ hay, giọng ca sĩ thể hiện chuẩn, và phù hợp với tâm trạng của người nghe... Đó là bài nhạc hay nhất.

Trần Minh Thuận
(TP.HCM)

Nhạc "sến" vẫn có cái hay của nó, và có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Quý vị cứ thử vào các quán karaoke, cà phê hiện nay mà xem, tỷ lệ nhạc "sến" chiếm khá cao. Nhạc "sến" đã tồn tại hàng chục năm nay, và vẫn đọng lại trong lòng người nghe nhiều cảm hứng. Bản thân tôi không phải là fan của nhạc sến nhưng đôi lúc tôi cũng có những xúc cảm rất dễ chia sẻ ở nhạc "sến". Thiết nghĩ, chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn về nhạc "sến".

Nguyễn Phương Anh
(Hà Tĩnh)

Theo tôi, âm nhạc cũng giống như món ăn, người hợp khẩu vị thì thích, còn không thì chê. Thế nên, âm nhạc cũng tuỳ thuộc vào người nghe rất nhiều, tùy thuộc vào độ "cảm" khi nghe bài hát, tùy theo tâm trạng của từng người. m nhạc không phân biệt giàu hay nghèo. Bây giờ, nhiều lúc đi cạnh những chiếc xe hơi sang trọng lại nghe vọng ra những giai điệu, bài hát mà có người cho là nhạc "sến". Như vậy, nếu có sự phân biệt sến và sang thì chưa chắc người bình dân chỉ nghe nhạc "sến" và chưa chắc người thượng lưu chỉ nghe nhạc sang. Chẳng qua một số người tự cho loại nhạc mình nghe là sang còn nhạc của người khác mình không thích thì cho là sến.

Minh Quân
(Q.7, TP.HCM)


Tôi hoàn toàn không hiểu là tại sao chúng ta phân chia nhạc "sến" - nhạc "sang" để làm gì? Tôi nghĩ là mỗi người có một cách nhìn nhận và lãnh hội về nghệ thuật khác nhau, sự phân chia như vậy (nhiều lúc có ý mỉa mai) là hoàn toàn vô lý. Chẳng lẽ tôi thích ăn cơm, anh lại ép tôi ăn mỳ hay bún theo sở thích của anh? Mà sở thích của tôi đâu có vi phạm pháp luật hay xúc phạm đến thuần phong mỹ tục.

Nguyễn Viết Trung
(Đà Nẵng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.