Chống trộm bằng lệ làng

08/02/2010 00:06 GMT+7

Người dân ấp Hoàng Minh A (xã An Trạch, H. Đông Hải, Bạc Liêu) được ăn thịt heo miễn phí đến no nê mỗi khi... bắt được trộm.

Trộm tôm, phạt... heo

Hôm chúng tôi đến, bà con đang ăn thịt heo của ông N. Số là mấy hôm trước, ông N. bị bắt quả tang ăn trộm... 20 con tôm của ông P. Chiếu theo "lệ làng", ông N. phải nộp phạt 5 triệu đồng cho chủ tôm và một... con heo để đãi bà con lối xóm.

Nhà nghèo, ông N. phải chạy vạy vay hỏi để nộp phạt cho "làng". Cái "lệ" (được gọi là "quy ước") này có từ mấy năm nay, ai trong ấp cũng phải thực hiện. Trước khi nhập tiệc, ông N. đứng lên xin lỗi ông P. và bà con lối xóm về hành vi trộm cắp của mình; cam kết không bao giờ tái phạm nữa. Bà con mỗi người góp một lời, tha thứ rồi... nâng ly! Bữa tiệc rôm rả như ngày hội làng, người bị phạt, kẻ được phạt và bà con lối xóm hòa hợp trong tiếng cười, câu hát... Để rồi sau đó, xóm làng trở về với cái vẻ tĩnh lặng vốn có, như chưa hề có vụ mất trộm và cũng không có ai là kẻ trộm.

Theo người dân, sở dĩ phải ban hành quy ước này là do trong những năm gần đây, tình trạng trộm cắp tôm ở địa phương diễn ra thường xuyên, các chủ vuông tôm không đủ sức tự bảo vệ. Trước đây, mỗi lần bắt được trộm tôm, cua, cá... giải lên, xã chỉ phạt vi phạm hành chính, viết cam kết rồi cho về vì các vụ trộm tôm thường có giá trị rất nhỏ. Nhưng cam kết thì cam kết, trở về họ lại tiếp tục tái phạm.


Quy ước ấp Hoàng Minh, xã An Trạch, H.Đông Hải, Bạc Liêu

"Nội dung quy ước được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dân. Sau khi bàn bạc thống nhất, ấp họp dân và tất cả các hộ ký tên đồng thuận, cam kết thực hiện nghiêm túc các điều, khoản trong đó" - một người dân ở ấp Hoàng Minh A nói.

Những vụ trộm xử theo... lệ làng

Thời gian qua, có khá nhiều vụ trộm tôm ở huyện Đông Hải được "xử" theo quy ước của các ấp. Ông Huỳnh Nghị Quyết (Trưởng ấp Hoàng Minh, xã An Phúc) cho biết ông đã từng chứng kiến nhiều vụ xử phạt trộm tôm theo quy ước của ấp, như vụ ông Võ Văn V. bị bắt quả tang trộm 12 con tôm của ông Hà Văn T. Sau khi nộp phạt 5 triệu đồng và bị đưa ra "công khai cảm hóa" trước dân, ông V. bắt đầu chí thú làm ăn, bỏ hẳn trộm cắp. "Trộm có 12 con tôm mà bị phạt tới 5 triệu đồng, đau lắm. Do vậy, ai lỡ phạm một lần là tởn tới già, không bao giờ dám tái phạm" - ông V. nói.

Cũng ở ấp Hoàng Minh, còn nhiều vụ trộm tôm khác bị bắt quả tang như vụ Tô Văn S. trộm hơn 1 kg tôm của ông Phạm Phương Đ.; vụ Nguyễn Thị C. đặt lú trong vuông tôm của ông Lê Minh Ph.; vụ Nguyễn Văn Ch. lấy trộm 2 cái lú và 14 con tôm của ông Tô Minh Ng... Các vụ này đều được xử theo quy ước, mỗi người vi phạm đều bị phạt 5 triệu đồng và đưa ra cảm hóa, cam kết không tái phạm trước dân.

Còn ở ấp Hoàng Minh A từ khi có quy ước, người dân trong ấp đã được ăn 3 con heo phạt. Ông Phan Văn Kiệt, Trưởng ấp Hoàng Minh A cho biết thêm, số tiền kẻ trộm nộp phạt một phần dành cho chủ vuông tôm mua con giống tiếp tục thả nuôi, phần còn lại và con heo phạt sẽ làm tiệc đãi bà con hàng xóm.

Từ khi có quy ước với mức xử phạt khá nặng nên nạn trộm cắp ở đây giảm hẳn. Các tệ nạn khác như cờ bạc, số đề, đánh lộn... cũng giảm theo. Làng xóm yên bình, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.

"Lệ làng" ở ấp Hoàng Minh A (xã An Trạch) quy định ai vi phạm thì bị phạt 5 triệu đồng (bồi thường con giống) và một con heo (từ 40 kg trở lên) để đãi cả làng. Nếu một năm bị phát hiện trộm cắp 2 lần thì mức phạt nhân đôi.

Quy ước của ấp Lung Xình (xã Định Thành) thì chỉ phạt một con heo và trọng lượng của heo phạt tùy thuộc vào số lượng tôm, cá bị mất trộm; còn ở ấp Hoàng Minh (xã An Phúc) thì kẻ trộm không bị phạt heo, nhưng dù lượng tôm trộm nhiều hay ít vẫn bị phạt 5 triệu đồng.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.