Căn nhà 2m2
Chúng tôi trở lại đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú), nơi Hội từng sống. Cuối con hẻm nhỏ không đủ cho một chiếc xe máy lưu thông là căn phòng chỉ hơn 2m2, ẩm thấp, tối tăm - nơi gia đình Hội trú ngụ. Để có thể bước vào căn phòng này, chúng tôi phải bước qua một “sảnh” nhỏ, cũng là nơi sinh sống của một hộ gia đình khác. Thấy chúng tôi ngập ngừng không dám bước qua chỗ mọi người đang nằm ngủ, bé Xuân (hàng xóm nhà Hội) cởi mở: “Đây là một căn nhà, chia cho ba gia đình ở. Khu lao động nghèo mà chị, mỗi người một khúm như vậy, chia nhau mà sống”. Những căn phòng không ra phòng này chẳng có chút đồ đạc giá trị gì nên đều thông nhau, không khóa.
Bước vào nhà Hội, chúng tôi phải đứng suốt vì không có chỗ để ngồi. Dưới nền là vài bộ quần áo cũ, một hai cái nồi, cái chảo, lu nước... Bé Lùn (13 tuổi, em của Hội) co ro ngủ trên mấy tấm ván gác trên đống đồ. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể xoay xở trong khoảng không chật hẹp, nhưng cũng không thể trèo được lên “gác”, nơi bé Lùn đang ngủ.
Viện KSND sẽ kháng nghị Trao đổi với báo chí chiều qua 26.3, ông Trần Thật, Chánh văn phòng Viện KSND TP.HCM, cho rằng mức án 8 năm tù là chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn và nhẹ hơn so với đề nghị của công tố viên tại tòa sơ thẩm (Viện đề nghị 11 đến 12 năm tù). Do đó, Viện KSND TP.HCM sẽ kháng nghị bản án để xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. (L.Nga) |
Tiền ma chay còn nợ đầm đìa
Thấy chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi, bà ngoại của Hội) dừng đọc bài viết về vụ án đăng trên Báo Thanh Niên mà cháu bà là nạn nhân, kể: “Tui và bé Lùn mới đi Z30D thăm mẹ nó về. Vì quá nghèo mà mẹ nó nghe lời người ta đi bán ma túy để rồi phải lãnh án 15 năm tù. Được Nhà nước khoan hồng, 19.4 này mẹ nó về nè”. Bất chợt, giọng bà Mai lạc đi: “10 tháng kể từ ngày xe cán chết con Hội, giờ bà cháu tui mới đi thăm được mẹ nó. Lúc trước cứ hai tháng bà cháu tui lại lên thăm nom mẹ nó một lần. Nhưng từ khi con Hội chết, nợ tứ bề không có tiền mua vé xe để đi. Hôm qua, bên phía bị cáo bồi thường thêm được 10 triệu đồng, nhín ra chút để đưa bé Lùn đi thăm mẹ, còn lại trả nợ hết. Thương mẹ nó đứt ruột, mẹ nó hỏi sao không thấy con Hội lên thăm, tui nói nó đi làm xa. Con nó chết thảm thương như vậy nhưng mà phải giấu để cho nó tập trung cải tạo thành người tốt, sớm được về”.
Một số người hàng xóm cho biết lúc nhỏ, hai chị em Hội thường đi bán tờ dò vé số để kiếm tiền phụ bà trong sinh hoạt: “Cứ đến chiều, hai chị em nó lại sang hàng xóm mượn mấy ngàn đi mua tờ dò đi bán, được đồng nào về phụ bà”. Khoảng 1 năm trước khi chết, Hội xin được chân phụ bán cà phê, từ đó mới có thêm đồng ra đồng vào phụ nuôi em và có tiền đi thăm mẹ ở trại cải tạo. Nhưng rồi... “Ngày con Hội chết, cả xóm không ai cầm được nước mắt. Cái phòng ấy ngồi còn không được, chỗ đâu đặt quan tài. Vậy là bà cháu phải xin địa phương cho mang quan tài ra vỉa hè, ngay trước đầu hẻm chỗ chốt dân phòng, để đặt, làm nơi phúng viếng. Có chút an ủi là đám tang nó hàng xóm đến đưa đông lắm”, một bà hàng xóm khác kể.
Hỏi chuyện, bà Mai cho biết đám tang chi phí hết hơn 60 triệu, toàn tiền đi vay nóng. Bà bảo đến nay, phía gia đình bị cáo mới hỗ trợ tổng cộng 20 triệu đồng, kể cả 10 triệu sau phiên tòa hôm trước. Số tiền này bà đem gần hết trả nợ, nên giờ vẫn còn nợ hơn 40 triệu đồng tiền ma chay... Trong cảnh khốn khó như của bà, nhặt ve chai nuôi cháu, đến già vẫn chưa có ngày thảnh thơi, nên không khó hiểu khi suốt nhiều giờ đồng hồ trò chuyện, chúng tôi chỉ nghe bà đề cập đến đứa cháu ngoan hiền chết thảm và chuyện tiền nong, chứ không nghe nhắc đến mức án....
Chiều Tân Phú bất chợt đổ mưa. Vuốt những giọt mưa hất vào mặt, giọng bà trĩu nặng: “Con Hội chết không phải vì tai nạn giao thông mà chết vì nhẫn tâm của một con người. Chẳng thà bị tai nạn gãy chân đem về tui cày nuôi cháu mà còn nhìn thấy mặt nó. Tui không phải người bán xương, bán thịt cháu tui ăn. Tui ít chữ, không biết án thế nào là nặng nhẹ. Tui cũng không mong bị cáo phải ở tù thêm 1-2 năm để làm gì mà tôi chỉ mong vụ án này sớm thi hành, có tiền trả nợ cho xong nên sẽ không kháng cáo”.
Giới tài xế bất bình * Tôi cũng là tài xế, từng lái xe nhiều năm, cũng từng có những tai nạn giao thông. Sau khi gây tai nạn, thay vì phải giữ nguyên hiện trường hoặc gọi taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu, tôi đã dùng chính chiếc xe đó để đưa nạn nhân đi bệnh viện vì nếu chờ taxi thì có thể tính mạng nạn nhân không còn an toàn. Sau khi đọc bài báo trên Thanh Niên, tôi thấy tư cách đạo đức của tài xế Tuấn không có. Tôi nghĩ án phạt 8 năm tù đối với tài xế này là quá nhẹ. (Luu Thien Vu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM; luuthienvu... @yahoo.com.vn) |
Lê Nga
Bình luận (0)