Phản hồi của người đọc về "chuyện NS Phạm Duy"

20/03/2006 22:22 GMT+7

Với việc đăng lại bài báo "Không thể tung hô" của tác giả Nguyễn Lưu (đăng trên Báo Đầu Tư) và văn bản của Công ty Văn hóa Phương Nam bày tỏ ý kiến của mình xung quanh bài báo này, Thanh Niên đã tạo điều kiện cho bạn đọc có thông tin 2 chiều để đánh giá sự việc. Rất nhiều bạn đọc đã có thư bày tỏ ý kiến của mình, Thanh Niên xin đăng lại đây một số bức thư này:

Bạn đọc gửi từ địa chỉ email: nuoc_vina2004@yahoo.com: “Gửi nhạc sĩ Nguyễn Lưu! Sáng nay tôi đọc báo Thanh Niên Online có một bài viết của NS nói về NS Phạm Duy. Khi đọc xong tôi rất buồn và do dự, vì tôi cũng là một người Việt sống xa quê hương, tôi đã có ý định trở về nước để làm ăn sinh sống.Từ khi tôi được biết quê nhà có "chủ trương đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị" tôi và tất cả bạn bè tôi rất mừng, mong một ngày gần nhất sẽ được trở về nơi mình đã sinh ra. Cho đến hôm nay tâm trạng vui ấy đã không, còn xen vào đó là sự lo âu, không biết là khi về đến quê nhà mình có bị lâm vào hoàn cảnh giống NS Phạm Duy hay không ? Thưa NS Nguyễn Lưu ! Đất nước mình ngày càng đổi mới, ngày càng giàu mạnh có được như vậy là nhờ những đường lối đúng đắn của Đảng. Vậy theo NS "chủ trương đại đoàn kết dân tộc" của Đảng ta là không đúng hay sao ? Nếu tất cả mọi công dân đều có ý nghĩ như NS thì bây giờ đất nước chúng ta có được như hôm nay không ? Tôi muốn gửi những suy nghĩ của mình đến NS và rất mong NS sẽ thay đổi cách nhìn đối với những người như chúng tôi.

Trần Quý Hiệp - quyhiep@hcm.fpt.vn: “Sau khi đọc bài "Phản ứng của Công ty Văn hóa Phương Nam" đăng trên báo Thanh Niên, tôi thật sự hụt hẫng đối với bài báo "Không thể tung hô " của "nhạc sĩ" Nguyễn Lưu nên có vài ý kiến gửi đến báo Thanh Niên như sau:

1. Ai tung hô ? Tung hô ai ?

Tôi hân hạnh được đạo diễn Tất My Loan tặng vé tham dự đêm nhạc "Ngày trở về" của NS Phạm Duy tại rạp hát Hòa Bình (sau hơn 10 năm tôi chưa đi nghe chương trình ca nhạc nào tại các tụ điểm hay rạp hát). Trong suốt chương trình (không nghỉ giải lao) tôi chẳng thấy ai tung hô NS Phạm Duy mà chỉ đọng lại trong tôi những bài nhạc mang đậm nét hồn dân tộc Việt Nam do NS Phạm Duy sáng tác với sự phối âm phối khí tuyệt hảo. Theo tôi việc Phạm Duy tổ chức chương trình "Ngày trở về" chỉ để đánh dấu kỷ niệm những nhạc phẩm của ông như một người đi xa sau bao năm nay chính thức được trở về hòa hợp cùng các dòng nhạc quê hương.

2. Nhạc sĩ hãy viết về nhạc

Về nhạc sĩ Phạm Duy tôi xin nêu nhận xét chung của Eric Henry, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học North Carolina: Phạm Duy là người trung dung, trong nhiều năm, là đối tượng bị chỉ trích của cả một số người trong nước và người Việt hải ngọai (trích dẫn từ BBC news - 13/03/2006 có sửa đổi cho phù hợp). Ai cũng có những lúc suy nghĩ lệch lạc riêng nên khi viết hay nói về nhạc sĩ chúng ta nên nghĩ đến cái tổng thể, những cảm nhận hay phân tích những tác phẩm của nhạc sĩ đó, đừng đem những chính kiến riêng của mình làm méo mó ý nghĩa, méo mó cảm nhận đối với những tác phẩm của họ. Ví dụ như bài "Bà mẹ Gio Linh" của Phạm Duy có mấy ai làm phóng sự bằng một bài nhạc hay như vậy nếu không xuất phát từ lòng yêu con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoặc bài "Tình ca" Phạm Duy đã tự sự rằng: "Bài hát muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.

3. Kết luận: Hòa giải

Với tư cách là người thụ hưởng (được thưởng thức) tôi hoan nghênh (không tung hô) sự trở về của dòng nhạc Phạm Duy để làm phong phú thêm dòng nhạc chung Việt Nam. Và tôi nghĩ với tinh thần hòa giải, giới văn nghệ sĩ cũng như tất cả những người yêu âm nhạc Việt Nam sẽ ủng hộ sự trở về ấy”.

Vũ thị Uyên - uyenvuthi@yahoo.com: “Sau khi đọc bài báo của Nguyễn Lưu tôi thật bất bình và xin được bày tỏ một ý kiến nhỏ sau: Trong khi tất cả mọi người từ trong nước đến ngoài nước đều có thành tâm khép lại quá khứ, kêu gọi đoàn kết một lòng chung tay xây dựng đất nước thì bên cạnh đó vẫn còn có những kẻ phá bĩnh. Tôi chưa từng biết Phạm Duy là ai, ở đâu và làm gì nhưng ngay từ khi còn bé miệng tôi vẫn nghêu ngao câu hát "À ơi, áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh chềt sớm mẹ già chưa khâu" hoặc "Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày"... Tôi biết những câu hát đó qua truyền miệng. Tôi hát chỉ vì cảm nhận được cái chất trong từng nét nhạc và lời hát và tôi hát thật tha thiết nhưng chưa bao giờ tôi tìm hiểu xem bài hát đó là của ai cho đến khi mới đây tôi mới được biết NS Phạm Duy. Cho phép tôi được nói với Nguyễn Lưu một câu là chúng tôi không vì những chuyện không hay của NS Phạm Duy mà bỏ qua những tác phẩm để đời của người NS này được”.

Tạ Minh Chánh - chanhtaminh@yahoo.co.uk: “Người tài trong bà con Việt kiều sẽ bất mãn ra sao khi đọc những dòng thông tin như thế, trong khi lãnh đạo Đảng nhà nước ta đang chủ trương thu hút nhân tài, chất xám từ bà con kiều bào”.

Hoang Viet nhannguyen97007@yahoo.com: “Tôi quý cái tài âm nhạc của Phạm Duy. Còn về đạo đức của ông, tôi nghĩ hãy để cho con cháu chúng ta mai sau đánh giá. Riêng về Nguyễn Lưu, ông đã quá "hăng hái" để tỏ rõ mình là người CS chân chính. Nhưng rất tiếc, đọc xong bài viết của ông lại thấy ông quá tệ! Thiếu kiến thức, có lối nhìn một chiều, chụp mũ, phê phán mà thiếu vô tư thì thuyết phục được ai?“.

Trần Xuân Hùng – vietnoodle24@yahoo.com: “Tôi là người Việt Nam sống ở nước ngoài, mang quốc tịch Việt Nam. Đất nước tôi đã và đang từng ngày đổi mới. Người Việt Nam chúng tôi đã và đang thành công trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Tôi không đồng ý với bài viết của tác giả Nguyễn Lưu vì nó chẳng giúp được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước”.

Võ Nguyễn Huy - huytamhoang@yahoo.com: “Đọc bài phản hồi của Công ty Văn hóa Phương Nam tôi thấy tâm phục khẩu phục quá. Cảm ơn Phương Nam đã mạnh mẽ nói hộ cho NS Phạm Duy, những người yêu mến tác phẩm của NS Phạm Duy và cho cả những người Việt Nam tiên tiến trong thời đại đổi mới. Tôi rất không đồng tình với báo Đầu tư đã cho đăng một bài viết mang ý kiến cá nhân của một nhạc sĩ với luận cứ không chính xác và mang nặng ý tưởng ghanh ghét cá nhân".

Bạn đọc - hnaugust@yahoo.com: “Chính sách đại đoàn kết dân tộc đã và đang được phát huy một cách có hiệu quả. Bằng chứng là đã có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang trở về làm ăn, góp phần xây dựng đất nước. Ngay như ông cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cũng quay trở về và được các cấp chính quyền từ các cấp đón. Điều đó đã động viên rất nhiều người Việt cảm thấy yên tâm khi trở về làm ăn, góp phần xây dựng đất nước. Điều đó minh chứng cho chính sách đại đoàn kết dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của Nhà nước Việt Nam. Ngay cả với những cựu thù đã gây bao nhiêu đau thương cho dân tộc như Pháp, Mỹ, Nhật và xa hơn nữa là người phương Bắc với hàng nghìn năm đô hộ nước ta, chúng ta cũng vẫn khép lại được những trang lịch sử đau thương đó để hướng tới tương lai, thiết lập mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước đó để cùng tồn tại và phát triển. Vậy hà cớ gì ông Nguyễn Lưu lại bới móc những chuyện trong quá khứ để khơi dậy những vết thương đang được lên da non? Các cụ có câu: "Oán thù nên cởi chứ không nên buộc", "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại".... thì những điều ông Nguyễn Lưu nói ra ở trong bài báo ấy có nên nói lại hay không?“.

Pham Duc - ducdinh@hotmail.com: “Khán giả đến đêm nhạc của Phạm Duy là để tỏ lòng quý mến một nhạc sĩ tài năng, để nghe lại những ca khúc bất hủ của ông chứ đâu có vấn đề chính trị gì mà Nguyễn Lưu phải hằn học như thế? Thêm nữa, theo lập luận của Nguyễn Lưu, không lẽ hễ cứ không theo cộng sản thì đều phải là những người phản bội dân tộc hay sao?”.

Nguyễn Hoàng Hiếu - nguyenhoanghieu@aim.com: “Tôi không đồng ý về cách lập luận của tác giả Nguyễn Lưu. "Nhân vô thập toàn" nếu không phải là như vậy thì cuộc đời này đẹp biết bao. NS Phạm Duy đã trở về Việt Nam thì ta hãy đón nhận như bao cuộc trở về khác, đừng lấy quá khứ mà nói chuyện, thế thì nhỏ nhen quá, đó đây phải là tính cách của người Việt Nam!”.

Lê Bình Nguyên - lebinhnguyen@googlemail.com: “Trước tiên xin nói rõ tôi là người không rành về âm nhạc, tôi chỉ là một trong rất nhiều công chúng Việt Nam bình thường cho nên lá thư này không dám lạm bàn đến các vấn đề học thuật. Nhưng ở góc độ của một người Việt Nam, một công chúng Việt nam tôi thật sự không thể không bàng hoàng khi đọc được bài báo của tác giả Nguyễn Lưu. Tôi đã cố bình tâm để xem mình có mang nặng thành kiến khi đánh giá ý kiến của người khác hay không bởi những ý kiến ngược chiều nhau về một nghệ sĩ cũng là điều rất ư bình thường. Thế nhưng tôi có thể nói rằng tác giả Nguyễn Lưu quá ư hằn học. Và chính sự hằn học này đã làm ông không còn đủ tỉnh táo nên đã mắc phải những sai lầm quá ư ngớ ngẩn trong khi viện dẫn sự kiện. Tất cả những sai lầm của ông Lưu đã được giám đốc Công ty văn hóa Phương Nam chỉ rõ. Nhưng tôi không thể không buồn khi nghe câu nói "Nay thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về". Cho dù đó là câu nói của ai đi chăng nữa thì nó cũng phản ánh một tầm nhìn hạn hẹp, của những người tự cao tự đại. Không thể phủ nhận sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhưng khách quan mà nói thì Việt Nam vẫn còn nằm trong những nước nghèo nhất của thế giới…Nghệ sĩ có một thiên chức cao cả đó là định hình và dẫn dắt năng lực thẩm mỹ của công chúng. Tôi không biết ông Nguyễn Lưu đã có những tác phẩm nào đi vào lòng công chúng hay không nhưng sự phản cảm từ bài viết của ông thì thấy rất rõ. Lịch sử sẽ phán xét công bằng, ai đúng, ai sai. Người nghệ sĩ trước hết phải lấy cái tâm trong sáng của mình để xử thế, để đi qua những nhũng nhiễu của cuộc đời”.

Nguyễn Hải Sơn - hien31576@yahoo.com: “Hôm nay tình cờ được đọc qua bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Lưu đăng trên báo Đầu Tư và phản hồi của Công ty Phương Nam, là một độc giả trẻ, cũng có cơ hội theo dõi quá trình trở về đất nước của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi xin có một số suy nghĩ của riêng mình nhân sự việc này:

- Trước tiên có thể nói rằng, việc trở về của nhạc sĩ Phạm Duy là một việc hết sức bình thường. Ông cũng như bao nhiêu triệu Việt kiều xa xứ đều là người Việt Nam và cũng đều mong muốn trở về quê cha đất tổ. Đó là một tín hiệu rất tốt, rất tích cực. Nó cũng chứng tỏ chính sách đổi mới cởi mở, khép lại quá khứ của Đảng và Nhà nước và cũng là xu thế chung của toàn xã hội ngày nay. Xét về phương diện nghệ thuật, thì đây lại là một sự việc rất đáng đề cao. Bởi vì bất kỳ ai trong chúng ta cũng không thể phủ nhận tài năng và những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Do đó, là một người trẻ tuổi tôi cảm thấy vui mừng vì nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về, và cảm thấy hạnh phúc vì những quan điểm đúng đắn của Đảng và nhà nước ta đã được cụ thể hóa và phát huy tác dụng một cách cao nhất.

- Đọc bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Lưu, tôi cảm thấy đây là một bài báo hoàn toàn đi ngược lại những gì đất nước chúng ta đang làm. Một cách viết mang đầy sự cay độc, kiêu ngạo, vô trách nhiệm và mang đầy tính kỳ thị, một cách viết đáng lẽ ra chỉ tồn tại cách nay 30 năm.

- Là một người trẻ tuổi tôi không biết được những dẫn giải, chứng cứ mà nhạc sĩ Nguyễn Lưu nêu ra có đúng hay không (mặc dù một số dẫn chứng mà theo tôi là hoàn toàn sai, VD: "Phạm Duy có những tác phẩm làm say đắm lòng người như: Thiên Thai, Trương Chi,..." ai trong chúng ta cũng biết rằng: Thiên Thai, Trương Chi là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao mà), nhưng tôi chỉ cảm nhận ở khía cạnh nghệ thuật của những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy và sự đúng đắn cũng như những ảnh hưởng tích cực của sự trở về của nhạc sĩ Phạm Duy mà thôi.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với những lập luận của Công ty Phương Nam về vấn đề này. Và xin một lần nữa nhấn mạnh rằng bài báo của nhạc sĩ Nguyễn Lưu là hết sức vô trách nhiệm, mang đầy tính kỳ thị, vô trách nhiệm, đi ngược lại tất cả những nỗ lực của cả đât nước và rất không nên một chút nào hết.

Cuối cùng xin mượn cách kết thúc bài viết nhạc sĩ Nguyễn Lưu để kết thúc những dòng viết của mình: Ai muốn nói gì tùy ý, nhưng với tôi khi được nghe câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời..." thì máu trong người tôi như nóng lên, cảm xúc như dâng trào một cảm giác như thôi thúc tôi yêu đất nước mình hơn, yêu quê hương mình hơn và tôi cảm thấy thật tự hào vì mình là người Việt Nam”.

TNO (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.