Thư bạn đọc tuần qua (15-21.5)

21/05/2007 16:06 GMT+7

215.632.437 đồng là số tiền mà ông Lưu Việt Hồng - ông già 17 năm đi tìm công lý - sẽ được nhận từ Viện KSND tỉnh Bến Tre, theo bản án sơ thẩm của TAND thị xã Bến Tre. Đây là số tiền ông Hồng bị thiệt hại trong hợp đồng thi công chợ rau quả cho thị xã Bến Tre và thiệt hại do thu nhập bị mất trong thời gian bị giam giữ. Kết luận này của cơ quan chức năng không giải tỏa được nỗi bức xúc của bạn đọc về những oan ức và thiệt hại mà ông Lưu Việt Hồng phải chịu trong 17 năm qua:

"Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì mọi người phải được bình đẳng trước pháp luật. Dân sai thì dân chịu; chính quyền, tổ chức sai thì cũng phải xử lý thật nghiêm khắc. Không những ông Hồng đã quá bị thiệt thòi cả về kinh tế, chính trị, thể xác mà còn liên quan đến toàn bộ gia đình và cả bộ máy (công nhân, khách hàng...) ăn theo nữa. Phải xử lý nghiêm khắc đối với những người làm sai" (Hoang Ba Nam - nhungtgpl).

Đó cũng là mong muốn của các bạn đọc gửi từ các địa chỉ sau: Cuongdoan <cuongdoan142@gamail.com>; Chu Quynh Nga  <hen19832003@yahoo.com>; nguoikhonggian <nguoikhonggian07@yahoo.com.vn>; Hoang Phuong <hoangphuong@yahoo.com>; Duong Hong Duc <ngayxua410@yahoo.com.vn>; thuc <thuc@itims.edu.vn>; thuc nguyen anh tuan <tuan1143@yahoo.com>; hoanghai <hoanghai.thuduc@yahoo.com>...


Phản hồi về việc thu tiền xử phạt vi phạm giao thông
 
Theo tôi vẫn cứ giữ cách thức như hiện nay. Mục đích của việc xử phạt là để người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc di chuyển của mình, chứ không phải là làm kinh tế - làm sao cho có lời, thu nhiếu tiền. Ở nước ngoài, việc vi phạm giao thông được xử phạt rất nghiêm và rất phiền hà, tốn kém cho người vi phạm. (thanhbinh -y98binh@yahoo.com)

Mong Chin-su đừng đánh đố!
 
Thật không thể nào hiểu nổi tại sao lãnh đạo của Vitecfood lại treo thưởng 1 tỉ đồng cho ai tìm được bất kỳ chai nước tương nào của chính hãng sản xuất có chất gây ung thư đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một việc không tưởng, nói cách khác là một kiểu đánh đố giống như "nếu anh tìm được lá diêu bông thì em xin lấy làm chồng", bởi vì người tiêu dùng làm gì có được khả năng, phương tiện, thiết bị để mà tìm. Xin quý hãng đừng dùng biện pháp đánh đố này để chứng minh sự "trong sạch" của mình.  (Ngọc Long -ngoclongha@vnn.vn)

Bài học rút ra từ tai nạn chìm tàu
 
Qua tai nạn này, chúng ta có thể rút ra một bài học về tiêu chuẩn an toàn hàng hải. Đa phần các thuyền viên là người làm việc trên sông nước nên biết bơi là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên tại sao con số thiệt mạng trên tàu lại lớn đến như vậy? Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc con tàu đã lật nghiêng và chìm quá nhanh. Khi con tàu lật nghiêng, mọi lối ra bình thường xem như không còn hiệu quả vì trọng lực, lòng tàu vòng cung và đồng thời nước cũng tràn vào quá nhanh. Câu hỏi đặt ra là tại sao trên các tàu không thiết kế bố trí những bình dưỡng khí ở khắp nơi như các bình chữa cháy để khi tàu gặp sự cố thì những người chưa kịp thoát ra ngoài vẫn có thể sống sót để lặn ra ngoài? Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề này để góp phần giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc. (Trương Quốc Hùng -hungquoctruong@gmail.com)

Phim "Sài Gòn nhật thực" quá vô lý!

Tôi vừa cùng gia đình xem bộ phim Sài Gòn nhật thực tối 18.5. Thú thật bộ phim đã gây thất vọng cho tôi bởi lẽ nội dung phim quá hư cấu và không sát với thực tế ở Việt Nam. Không thể phủ nhận hiện nay có rất nhiều cô gái Việt Nam từ thành thị đến nông thôn đều rủ nhau kết hôn với người nước ngoài nhằm thực hiện nhiều hoài bão khác nhau như trả tiền nợ cho cha mẹ, giúp cho gia đình một căn nhà với đầy đủ tiện nghi, giúp cha mẹ có một số tiền lo cho các em ăn học, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn cho bằng chị bằng em hoặc nhằm thỏa mãn lối sống hướng ngoại cá nhân. Một số ít trong đó sau khi ra nước ngoài đã thành công vì gặp được người chồng hoặc gia đình chồng tốt; một số khác thì thất vọng vì những gì mơ tưởng theo sách báo, phim ảnh lại trái với hiện thực nên đành cam phận; nhưng không ít trong số đó đã bị lừa đem bán ra nước ngoài để làm gái lầu xanh... Tóm lại, những cô gái đó theo tôi hoàn toàn không đáng thương bởi lẽ tất cả họ đều đã trưởng thành về nhận thức, cá nhân họ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trước và sau khi kết hôn, họ đã được chính quyền và đoàn thể nơi cư trú tại địa phương động viên và giải thích nhằm đưa ra những cảnh báo có thể xảy ra cho họ trong tương lai nhưng có mấy ai chịu nghe những lời khuyên đó.

Trở lại bộ phim "Sài Gòn nhật thực", bối cảnh phim cho thấy Việt Nam đang mở cửa chào đón nước ngoài đến đầu tư, làm ăn. Nhưng bên cạnh đó lại an ninh của ta lại quá lỏng lẻo để cho những Henry, Chen, Long và nhiều người ngoài khác mở sòng bạc sát phạt nhau, với cảnh nhiều vệ sĩ đứng kề bên ông chủ giống như cảnh trong phim Hồng Kông. Cảnh họ tuyển con gái Việt Nam một cách dễ dàng và công khai là một điều vô lý trong khi thực tế các hoạt động này diễn ra rất bí mật nhưng vẫn bị nhà chức trách của ta phát hiện được. Vai trò của cảnh sát Hải lại không thật một tí nào, cho dù là một trinh sát cải trang hay là một trinh sát ngoại tuyến thì một trong nhưng nguyên tắc là phải tuyệt đối giữ bí mật công việc cho đến khi phá án, ngay cả đối với đồng đội của mình. Vậy mà trong phim, anh ấy lại kể cho một Việt kiều biết rằng mình là công an (!). Trong phim, các cô gái bị "lùa" xuống tàu để đưa ra nước ngoài là một chuyện không thể có trong thực tế hiện nay. Đạo diễn bộ phim không nghiên cứu kỹ về đề tài này mà chỉ mới mơ hồ về nó nhưng lại làm thành phim, một kịch bản quá vụng về! (Khang Thinh -meocon@hcm.vnn.vn)

Chuyện "Giáo viên đứng nhầm lớp", nói ra mới biết đây chẳng phải hiện tượng cá biệt:

"Sau khi xem bài viết của bạn Bạch Lê Quang về hiện tượng giáo viên "đứng nhầm lớp" tôi thấy sao mà nó giống tình trạng ở trường tôi đến thế. Thực ra hiện tượng này có lẽ đã tồn tại ở nhiều trường trong cả nước từ lâu rồi. Việc này, trước tiên là do ở những người có trách nhiệm bố trí nhân sự. Bên cạnh đó, phải nhắc đến lòng tự trọng của những "người trong cuộc". Đã biết mình chưa đủ tiêu chuẩn, khả năng nhưng vẫn tìm cách để được bố trí đứng lớp. Hậu quả của tình trạng này, người gánh gánh chịu chắc chắn là chính các em hoc sinh. Tôi mong rằng Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục, Sở Lao động cần quan tâm hơn nữa khi tiến hành thanh tra thường xuyên các trường, nhất là khối các trường trung học nghề và đối chiếu danh sách giáo viên, bằng cấp thực lực với tên giáo viên trong sổ lên lớp để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh ngay hiện tượng "đứng nhầm lớp" đã âm thầm gây mất uy tín và làm giảm chất lượng đào tạo từ trước đến nay" (Một GV trường Trung học Xây dựng TP.HCM - Hugo_doremon@yahoo.com.vn)

"Tôi cũng là 1 giáo viên ở trường THPT. Tôi thật sự đồng tình với những gì mà bài báo đã viết. Cụ thể ngay trường tôi, có những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, nhưng do nhập cấp 2-3 thành cấp 3, nên đã đưa những người này đi bồi dưỡng thêm tại chức, và cứ thế thì họ tự nhiên được dạy được ngay các lớp 10, 11, thậm chí cả lớp 12. Chúng ta đang cải cách giáo dục, và cần nâng cao chất lượng giáo dục, thiết nghĩ ngay từ bây giờ ngành giáo dục hãy mạnh dạn đưa những giáo viên này về dạy đúng chỗ của mình. Cuối cùng tôi xin nói như thế này: thà chúng ta thiếu giáo viên, chứ đừng chắp vá trình độ giáo viên, rồi tạo ra những thế hệ học sinh trình độ kém" (Thuần - thuanabc@gmail.com)

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: thuc <congthuc78@yahoo.com>; Nguyen Tuan <natqs@vnn.vn>; Tran Ho Le Nguyen <gumbon2006@gmail.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.