Thư bạn đọc tuần qua (17/1 - 23/1)

23/01/2006 17:43 GMT+7

Những ngày cuối năm đang qua đi rất nhanh, có rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị đón Tết sao cho thật vui, nhưng đám mây xám giữa bầu trời xuân - vụ án "con bạc triệu đô" vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Bức xúc, phẫn nộ, đau lòng và mong muốn một sự công bằng, nghiêm minh từ cơ quan chức năng là tâm trạng chung của nhiều người khi gửi thư tới Thanh Niên:

"Là một công chức nhà nước tôi thực sự buồn khi nghe tin có một cán bộ và chắc cũng là đảng viên đã dùng số tiền quá lớn như thế để đánh bạc. Tôi cũng không hiểu làm sao những cán bộ với phẩm chất đạo đức kém như vậy lại có thể lên nắm một cương vị lớn như thế. Chúng ta luôn kêu gọi phải chống tham nhũng, nhưng chống ai, chống như thế nào? Không thể nói chống tham nhũng chung chung như thế được. Niềm tin của dân vào Đảng, vào chế độ của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những kẻ sâu mọt đó. Vì sao những phần tử xấu đó có thể tham nhũng của công lớn như vậy ? Phải chăng vì cơ chế xin - cho không minh bạch của chúng ta. Chúng ta kêu gọi đồng bào trong một chương trình truyền hình cuối năm để quyên góp cho quỹ vì người nghèo cả nước mới được có hơn 8 tỉ đồng, trong khi đó một công chức đánh bạc trong vòng 1 tháng hơn 30 tỉ đồng ? Làm sao dân có thể chấp nhận điều ngang trái thế được? Phải làm mạnh hơn nữa để dân thấy rằng chúng ta dám làm, dám tuyên chiến với những kẻ tham nhũng dù chúng có ở cương vị nào, không thể để những đồng tiền chúng ta đi vay (mai này con cháu trả nợ), những đồng tiền dân đóng thuế, dân mua công trái chui vào túi những kẻ như thế". (Le Hoang Thanh - huynt2005@yahoo.com)

Chưa bao giờ sự tương phản lại rõ nét như hiện nay trong xã hội: Một ông giám đốc của một công ty nhà nước đem 1,8 triệu USD tham gia cá độ bóng đá. Một người dân bình thường thì còng lưng làm việc cả ngày lẫn đêm để kiếm bạc cắc, trang trải cho nhu cầu và đóng thuế. Tiền thuế của hàng triệu người dân Việt Nam được nhà nước sử dụng để xây dựng các công trình công cộng cho nhân dân. Và tiền từ các công trình đó lại chảy vào túi của vô số cán bộ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất. Ai ai cũng biết quy trình đó nhưng hiện nay chưa có ai mạnh tay đập phá cái quy trình luôn đem lại sự giàu có cho cán bộ và sự nghèo khổ cho dân chúng. Có thể nói dân chúng luôn là và sẽ mãi mãi là những người thiệt thòi và chịu nhiều khổ đau nhất trong cách làm giàu bất chính kiểu này của cán bộ ta". (Le Hoang Thanh - huynt2005@yahoo.com)

"Là một độc giả đã theo dõi diến biến của nghi án TGĐ Bộ GTVT đánh bạc 1.8 triệu đô la. Tôi đã rất buồn về tư cách của một người đảng viên, một lãnh đạo của một đơn vị đầu ngành của ngành GTVT. Nếu sự vụ được chứng minh, cá nhân này rất xứng đáng chịu một hình phạt thật nghiêm khắc trước pháp luật. Theo tôi, để vụ việc xảy ra, nguời phải chịu trách nhiệm trước tiên là lãnh đạo cao nhất của Bộ, của Bí thư ban cán sự, của Bộ trưởng vì đây là những người phải có trách nhiệm đối với đời sống văn hóa, tinh thần đối với cán bộ công nhân viên dưới quyền. Hơn nữa khi quyết định đề bạt cán bộ, chính cá nhân bộ trưởng là người có tiếng nói cuối cùng". (Lê Văn Tuấn - lvtuan58@yahoo.com)
 
"Thời gian qua, kể từ khi chuyên án bán độ của các cầu thủ U.23 bị phát giác, ban đầu những kẻ tội đồ thường rất ngoan cố, không chịu khai báo những gì mà cơ quan điều tra chưa gọi hỏi, nên đã gây không ít khó khăn cho việc tìm ra những kẻ cầm đầu. Chỉ khi nào không thể quanh co được mới bắt đầu khai nhỏ giọt. Ở trường hợp này, vị TGĐ cờ bạc "đô" cũng tương tự. Vì vậy chúng tôi nghĩ một khi cơ quan điều tra đã làm sáng tỏ mọi vấn đề thì cần phải xử lý thật nặng những kẻ ngoan cố này, phải cho đây là tình tiết tăng nặng, có như vậy mới làm gương được cho kẻ khác". (MinhThanh - minhthanh@haugiang.gov.vn)

"Nếu nhìn lại vụ án săn bò tót, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM Võ Thành Long - đã bị tuyên phạt tù giam và tước bỏ mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền, vụ cá độ bóng đá của tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng nghiêm trọng hơn nhiều về mức độ phạm tội cũng như sự suy đồi đạo đức gấp bội phần (nếu cơ quan điều tra có đủ chứng cứ). Mong rằng luật pháp sẽ phân minh và không có "khoảng tối" nào trong vụ án này". (Trần Văn - congdantphcm@yahoo.com)

"Mấy ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ông Bùi Tiến Dũng - TGĐ một cơ quan nhà nước đánh bạc tới bạc triệu đô, nghe sao mà kinh hoàng quá, không biết tiền ở đâu ra mà nhiều thế. Cùng thời điểm trên TVT4 phát chương trình Người xây tổ ấm xem mà thấy chảy nước mắt, thương cho các ông bố, bà mẹ và các đứa con lỡ sinh ra ở chốn quê nghèo, nhưng lại có một tấm lòng, một nhân cách tuyệt vời và trên cả tuyệt vời đến thế. Nếu quả thực ông Dũng mà có tội khi có kết luận chính thức của cơ quan pháp luật, tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là tòa xử cho kẻ phạm tội đó đi nấu cơm, giặt giũ quần áo cho các em sinh viên nghèo hiếu học như một em sinh viên trường ĐH dược năm thứ nhất TVT4 đã nêu với mức sống 200.000đ/tháng ở đất Hà thành để ông ta biết được thế nào là dân thường. Còn nếu xét xử như thông thường tôi nghĩ tính giáo dục sẽ không cao và sẽ còn nhiều kẻ khác tiếp tục làm như ông ta". (Nguyễn Trọng Hiến  -Ng_Hs8979@Yahoo.com)

"Tôi là một nông dân, dốt tính toán, không biết 1,8 triệu đô xóa được bao nhiêu cầu khỉ, làm được bao nhiêu km đường nông thôn. Quê tôi có một con đường, nắng thì bụi mù trời, mưa thì bùn đầy chân, mà có chuyện phải đi ô tô thì như đi ngựa! Giá như mà có 1,8 triệu đô!". (Nguyễn Duy Sỹ - duysy@vnn.vn)

"Nếu sự thật là ông Dũng đốt gần 30 tỉ vào cá độ bóng đá chỉ trong 1 tháng thì liệu ông còn bao nhiêu 30 tỉ? Ông Dũng là người nắm trọng trách suốt từng ấy năm. Chỉ có tham ô mới có nhiều tiền như thế. Tiền của nhà nước và của nhân dân đóng góp, chưa nói là vốn đi vay ODA, nước ngoài... nhưng sau này người dân è cổ ra mà đóng thuế, trả nợ. Vậy thì đất nước ta sẽ đi đến đâu? Đau lòng quá!". (Van Lang - tanhonghajsc@vnn.vn)

"Tôi đã đọc bài báo của Thanh Thảo và nhất trí quan điểm vấn đề là cấp trên có thực lòng muốn chống tham nhũng hay không chứ không thiếu gì cách. Chúng ta rất đau lòng khi mà hàng triệu người dân còn nghèo khổ, một nhóm người có quyền chức đã rút ruột các công trình để ăn chơi, mưu lợi cá nhân. Tiền đó là mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động trên mọi miền Tổ quốc đóng góp". (Nguyen Văn Quy - vanquy@dgmv.gov.vn)

"Tôi nhớ có em chăn vịt, vì đói và không biết, đã lấy khoanh chống sét của đường dây 500KV xuyên việt về làm khóa xe đạp, và tòa đã xử mấy năm tù ! Thế thì, những ông như Bùi Tiến Dũng - kẻ đã tự hào nói và viết bản tường trình để khẳng định mình vô tội - phải chịu tội gì?". (Truong Tien - paultruongtien@yahoo.com)

"Việc rút hoặc chuyển tiền từ nhà băng này sang nhà băng khác đều phải thực hiện trên giấy tờ. Vậy mà không ai hay biết gì? Đứng đằng sau phải là cả một tổ chức bao che rất có hệ thống mới không bị phát giác. Có biết bao triệu người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ đang chỉ ao ước kiếm được vài chục ngàn đồng một ngày để trang trải cuộc sống.  Thật đau lòng!". (Viet Nam -tongnguyen7515@hotmail.com)

"Nếu ông ta không đi đánh bạc mà gửi tại một ngân hàng nước ngoài nào đó thì có lẽ bây giờ ông ta vẫn ung dung là một con sâu mọt với chức vụ tổng giám đốc, tiếp tục đục khoét của nhà nước?". (Minh Nguyệt - ngao1810@yahoo.com)

TNO vẫn tiếp tục nhận được thư phản hồi sau thông tin về chủ trương không cho xe đạp đôi lưu thông trên đường phố của chính quyền TP Đà Nẵng. Đó là bức thư của bạn Ngô Đức Duy ở đường Đồng Đen, P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM: "Xe đạp đôi có một số ưu điểm:
- Bảo vệ môi trường trong lành.
- Tiết kiệm cho người sử dụng và gia đình.
- Tiết kiệm xăng cho quốc gia.
- Phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người.
- Nét đẹp văn hóa du lịch.
- Xây dựng tính đồng đội, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau mà hiện nay đang mất dần ở thiếu niên thành thị.
- Hiện nay ở độ tuổi thanh thiếu niên thành thị có một tâm lý chung: tự hào khi được đi lại bằng xe gắn máy, đồng thời mặc cảm khi đi xe đap. Tâm lý này tạo nên sức ép lớn cho các bậc phụ huynh, họ không dám mua xe máy cho con em vì khả năng tài chính của mình hoặc tính nguy hiểm của xe gắn máy. Lúc này nếu như xe đạp đôi trở thành sở thích của thanh thiếu niên thì đây là lối giải thoát tốt nhất cho những khó khăn của các bậc phụ huynh. Về mức độ nguy hiểm thì không thể bằng xe gắn máy được vì tốc độ, trọng lượng của nó thấp hơn nhiều. Nếu như loại xe này khá dài khó qua được những khúc cua nhỏ thì tôi nghĩ còn nhiều loại xe lưu thông trên đường dài hơn nó nữa. Tôi thấy thời gian gần đây thanh thiếu niên thành thị bắt đầu chấp nhận xe đạp đôi là một tín hiệu đáng mừng, mặc dù nó không phải là xe đạp như trước đây nhưng rõ ràng không phải là xe gắn máy. Nếu phong trào nhân rộng thì có thể có lúc người lớn tới công sở bằng xe đạp thay cho xe gắn máy. Cần phải nâng niu phong trào này hơn là dập tắt nó, hạn chế xe đạp đôi tức là khuyến khích xe gắn máy".

Bạn Nguyen Chanh Nguyen ở Tân Hương, Châu Thành (Tiền Giang) có thư phản ảnh việc thực hiện chưa đúng quy trình trong tiêm chủng cho trẻ ở cơ sở y tế địa phương: "Ở tuyến cơ sở, khi thực hiện chích ngừa cho trẻ, nhân viên y tế bỏ qua khâu quan trọng đó là khám cho trẻ trước khi tiêm ngừa để kiểm tra xem trẻ có đầy đủ sức khỏe hay đã được tiêm ngừa hay chưa. Có trường hợp ghi vào phiếu tiêm ngừa không chính xác. Điều này làm cho người dân không yên tâm đối với chương trình như vậy của Bộ Y tế".

Xung quanh vấn đề thi hay xét tuyển vào lớp 10, bộ chủ quản chưa đưa ra quyết định cuối cùng, phụ huynh rất băn khoăn. Nhiều bạn đọc đã gửi thư bày tỏ với Thanh Niên:
Thư bạn Lê Phương Dung (dungopi@yahoo.com): "Tôi là một phụ huynh có con chuẩn bị thi lớp 10 trong năm nay. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến "dùng kết quả học tập ở cấp THCS làm căn cứ để xét tuyển sẽ không công bằng và chính xác... Nếu dùng kết quả 4 năm học tập THCS và năm cuối cấp để xét tuyển thì tình trạng xin cho điểm sẽ gia tăng để có những cuốn học bạ đẹp". Vì thực tế trong tình hình hiện nay, khi nạn học thêm tràn lan, nhiều giáo viên, dù đã có quy định cấm dạy thêm tại nhà nhưng vẫn muốn kéo học sinh về dạy riêng, nên không loại trừ khả năng có những giáo viên không công bằng đối với những học sinh không theo học mình. Như vậy vô hình chung, các quy định đã tạo cho giáo viên một quyền lực quá lớn trong việc đánh giá học sinh theo cảm tính, học thêm thì cho điểm tốt để cuối năm có một học bạ đẹp, còn không học thêm thì chỉ cần một lỗi nhỏ cũng sẽ được điểm 2, điểm 3 mà không thể gỡ nổi. Vì vậy tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục cần cân nhắc để có một phương thức xét tuyển, thi tuyển sao cho phù hợp nhất để không ai có thể lợi dụng vào đó để gây áp lực cho học sinh, không thể ép học sinh phải đi học thêm để có một học bạ đẹp".

Thư bạn Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa (rongvang0504@yahoo.com): "Trước hết tôi xác nhận là mình không thuộc Ban nghiên cứu Giáo dục quốc gia hay một nhà sư phạm. Tôi chưa có con, em phải dự kỳ thi đại học trong vòng 3-5 năm tới. Nên tôi chỉ nêu lên nhưng băn khoăn của mình đến các nhà nghiên cứu giáo dục nhằm có cơ sở tham khảo về đánh giá học sinh giỏi. Thi vào Đại học tất cả phải có cùng vạch xuất phát (!?!). Như thế xã hội chưa thừa nhận rằng có một tỷ lệ không nhỏ hoàn toàn xứng đáng với xếp loại học tập của các em. Tại sao thế? Hiện nay nhiều trường có tư tưởng cục bộ, chạy theo thành tích; đánh giá học sinh nhằm tạo điều kiện để các em được hưởng điểm ưu tiên khi tuyển sinh đại học. Nhưng những đánh giá này không phản ánh đúng thực chất về số đông khả năng học tập của các em. Những học sinh giỏi có kết quả thi đại học thấp có thể giải thích do các trường chạy theo thành tích, đánh giá không chính xác, khách quan. Hơn nữa một số học sinh dù học giỏi ở trung học nhưng môi trường đại học lại khác. Họ xa gia đình chưa đủ tự tin để tránh khỏi cám dỗ của xã hội. Họ không xứng đáng được điểm thưởng. Nhưng số đông thì sao? Khi bỏ chế độ ưu tiên về cộng điểm này thì chúng ta lại vô tình khuyến khích cho các em chỉ tập trung vào học những môn thi đại học. Có thể các em sẽ học rất giỏi những môn này nhưng những môn khác thì sao. Họ chỉ cố gắng để hoàn thành môn học. Cuộc sống của họ có cân bằng? Học tập là cả một quá trình, họ đã cố gắng rất nhiều để có một kết quả tốt đẹp. Không chỉ một hoặc hai môn học tốt mà họ phải học đều các môn sao cho không có điểm trung bình môn nào phải dưới 6,5. Một con người có triển vọng phát triển như thế, vậy tại sao chúng ta không mở rộng cửa giảng đường để đào tạo họ thành những con người ưu tú nhằm góp sức cho công cuộc "công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước?".

SV trường ĐHBK TPHCM (sinhvienxanha@hopthu.com): "Thiết nghĩ việc cộng điểm thưởng đối với HS tốt nghiệp đạt loại giỏi trong kỳ thi ĐH là việc nên duy trì. Đó là một quy chế nhằm khích lệ tinh thần học tập của HS. Còn việc tiêu cực như chạy chọt, xin điểm để cho con mình đạt loại giỏi của một số phụ huynh chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" mà thôi. Tại sao các cấp quản lý giáo dục không chấn chỉnh ngay từ khâu đầu tiên là khâu chấm điểm của giáo viên? Phải chăng vì không quản lý được? Tôi thấy hiện nay có một xu hướng có thể trở thành một tiền lệ xấu trong cách quản lý hành chính của chúng ta, đó là : không quản lý được thì cấm! phải chăng nghành GD cũng theo xu hướng này ? Bỏ điểm thưởng sẽ là một hụt hẫng đối với những HS thật sự giỏi. Nên chăng phải quản lý cách chấm điểm của GV, tăng cường GD ý thức nghề nghiệp của họ".

Biện pháp giải quyết nạn kẹt xe hiện nay, bạn Huynh Tien Viet (huynhtienviet@gamail.com) có ý kiến: "Tôi thấy rằng đời sống của người dân Việt Nam ngày càng nâng cao, chính quyền sẽ phải có những hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước của nhân dân, không thể dùng các biện pháp hạn chế, ngăn chặn xu hướng phát triển. Không nên thấy nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao, họ mua xe nhiều gây nên kẹt xe mà cấm, hạn chế, mà thay vào đó, chính quyền nên có những biện pháp khác như quy hoạch giao thông hợp lý, nâng cấp hệ thống giao thông...".

Góp ý về biểu trưng TP.HCM là nội dung thư của bạn Lê Hồng Sơn (sonlehongocb@yahoo.com). Bạn viết: "Nhân một đêm đi ngang qua đường Trường Sơn, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy biểu trưng đã xây dựng xong, nhìn kỹ thì rất đẹp và có ấn tượng, nhưng tôi cảm thấy hơi thiếu một cái gì đó, có lẽ sẽ đẹp hơn nếu bố trí thêm trang trí vào các góc cạnh của biểu tượng. Tôi nghĩ Việt kiều về nước, du khách đến Việt Nam du lịch rất nhiều, nhất là thời điểm giáp Tết, và du khách không chỉ đi vào ban ngày, vì các chuyến bay hoạt động liên lục 24/24, và nếu chúng ta là nổi bật biểu tượng này (và các biểu trưng khác) về đêm sẽ để lại ấn tượng đối với du khách, khi về nước họ sẽ không quên được đất nước Việt Nam".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.