Tiền tỉ rơi vào túi nhà tư vấn nước ngoài một cách vô ích!

08/10/2005 00:25 GMT+7

Sau khi Thanh Niên số ra ngày 19.9 đăng bài Giải quyết ngập lụt ở TP.HCM: Tiền tỉ vào túi nhà tư vấn nước ngoài một cách vô ích của nhà báo Thục Minh, Ban Quản lý dự án 415 đã có công văn gửi đến tòa soạn phản hồi. Thanh Niên xin đăng nội dung phản hồi trên và ý kiến của tác giả bài báo.

Ban Quản lý dự án 415 nói gì?

Trước hết, chúng tôi xin nói về các nội dung kỹ thuật mà bài báo đã đề cập. Đề xuất lấp phần thượng nguồn của kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TH-LG) thay bằng 3,085 km cống hộp với kích thước 2,5mx4m đến 3mx10m và đường giao thông trên cống hộp rộng từ 13 - 30m, được bố trí từ khu Bàu cát (Q.Tân Bình) tại lý trình 7,45 km đến quá cầu Hòa Bình tại lý trình 4,365 km, xuất phát từ việc xem xét rất kỹ đến các yếu tố hệ thống cống thoát nước, giao thông khu vực, môi trường, cảnh quan, sử dụng đất, kinh tế - xã hội, và đặc biệt là giải tỏa đền bù, tái định cư. Hiện nay, do đoạn kênh thượng nguồn này có độ dốc rất lớn và nằm trên phần giới hạn của thủy triều nên trong suốt 6 tháng mùa khô phần thượng lưu này hoàn toàn không chứa nước mưa mà chỉ có rác thải và nước thải sinh hoạt từ phần thượng nguồn này chảy về trung lưu và hạ lưu. Trong suốt 6 tháng mùa mưa còn lại thì phần thượng nguồn này cũng chỉ chứa nước ngay thời điểm mưa xảy ra. Vì vậy, khi thu gom toàn bộ nước thải hiện hữu vào hệ thống cống bao đưa về nhà máy xử lý nước thải ở hạ nguồn, đáy kênh sẽ bị cạn trong mùa khô và sau khi mưa, phơi bày đáy kênh với đầy rác và bùn gây mất mỹ quan đô thị. Việc xây dựng cống hộp có lợi thế là ngăn ngừa được việc xả rác trực tiếp xuống lòng kênh và giải quyết được giao thông khu vực theo yêu cầu quy hoạch giao thông đô thị của Sở Giao thông - Công chính và Sở Quy hoạch - kiến trúc đồng thời giảm thiểu rất lớn việc di dời giải tỏa nhiều nhà kiên cố dọc kênh, hạn chế tối đa đến mức có thể các tác động lớn đến đời sống xã hội và kinh tế của người dân trong khu vực dự án, và vẫn giải quyết tốt được việc thoát nước. Việc so sánh kênh Hàng bàng với phần thượng lưu kênh TH-LG là không đúng, do độ dốc kênh Hàng bàng tương đối nhỏ và địa hình bằng phẳng, hoàn toàn trái ngược với thượng nguồn kênh TH-LG.

Tác giả bài viết có đề cập đến “nhiều nghiên cứu đề xuất chuyển một phần nước mưa ở thượng nguồn lưu vực sang các vùng trũng và đất nông nghiệp của Bình Chánh để giảm áp lực lên đoạn hạ nguồn” đã được tư vấn xem xét và cân nhắc. tuy nhiên đề xuất này không phù hợp với quy hoạch thoát nước tổng thể TP.HCM, trong đó hệ thống thoát nước của toàn thành phố được chia ra thành 5 lưu vực thoát nước chính, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện năm 1999 và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2000 (vùng Bình Chánh thuộc lưu vực của kênh Tham Lương - Bến Cát, hiện chưa được cải tạo). Việc đề xuất áp dụng giải pháp của Hà Lan, một quốc gia mà toàn bộ lãnh thổ có cao độ địa hình dưới mực nước biển, cho thành phố Hồ Chí Minh với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội hoàn toàn khác Hà Lan, là chưa có cơ sở thuyết phục về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Hiện nay, khi trời mưa cùng lúc triều cường dâng, tại các vị trí cửa xả ra kênh bị ảnh hưởng của dòng chảy dội ngược vào gây ra từ việc triều dâng. Vì vậy, tại vị trí các cửa xả đã đề xuất trang bị các cửa van tự hành, là một phần của hệ thống cống xả tràn chung, có chức năng chỉ cho nước chảy theo một chiều từ ống cống, qua cửa xả và đổ ra kênh chứ không phải là “dùng cửa phay chặn ngay miệng cống xả và dùng máy bơm nước từ cống ra kênh” - một giải pháp nêu trong các bài báo hoàn toàn không có trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Để tăng khả năng chuyển tải nước của kênh, đề xuất mở rộng, nạo vét lòng kênh và việc nâng cao bờ kênh cũng đã được phân tích, cân nhắc đến hiệu quả kỹ thuật - kinh tế - xã hội, để đi đến phương án chọn lựa là kết hợp cả hai phương án, tức vừa nâng bờ kênh ở mức không vượt quá 1m, vừa mở rộng kênh ở mức tối thiểu, nhằm giảm thiểu xáo trộn xã hội do việc thu hồi đất dọc kênh, hoàn toàn không che chắn bề mặt kênh và phá vỡ cảnh quan đô thị như nêu trong bài báo. Để giải quyết việc có thể xuất hiện các khu vực đọng nước mưa nhỏ dọc theo bờ kênh do lượng nước mặt của mưa gây ra ở gần bờ kênh và tường ngăn lũ, các cửa thu nước (mà trong bài báo gọi là “những cái lỗ dọc bờ kè”) sẽ được xây dựng tại các vị trí trọng yếu và kết nối với mạng lưới cống thoát nước hiện hữu hoặc mạng lưới mới.

Riêng về ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, hiện nay không thể dự đoán được mực nước của kênh TH-LG sẽ tăng lên bao nhiêu do hiệu ứng này, vì hệ thống kênh TH-LG gắn liền với toàn bộ hệ thống thoát nước khác ở thành phố (Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tham Lương - Bến Cát). Mực nước thiết kế trong các lưu vực kênh này, bao gồm kênh TH-LG, đều đã được tính toán đồng bộ để đảm bảo khả năng thoát nước chung của toàn thành phố và phù hợp với quy hoạch thoát nước tổng thể của thành phố đã được phê duyệt.

Vấn đề tiếp theo mà bài báo đề cập đến là “Việt Nam cần có những người có năng lực kiểm soát và làm việc với tư vấn nước ngoài ở trình độ ngang bằng”, chúng tôi hoàn toàn đồng ý vì đây là điều Việt nam đang cố gắng nỗ lực để đạt được. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 415 đã không làm việc một mình với tư vấn và tự quyết định về tính khả thi của các giải pháp đề xuất. Trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu khả thi này, các bộ, sở, ban ngành liên quan, cộng đồng dân cư trong lưu vực, cùng các chuyên gia đầu ngành trong nước, các chuyên gia phản biện độc lập nước ngoài, đã tham gia đóng góp ý kiến tại các buổi hội thảo đầu kỳ, giữa kỳ, và cuối kỳ, cũng như trong các buổi thảo luận về các vấn đề chuyên ngành thoát nước, xã hội, quy hoạch đô thị, giao thông của nghiên cứu này. Các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý ngành, các bên liên quan, cũng như những ý kiến tiếp thu, phản hồi của tư vấn hiện vẫn đang được lưu giữ tại Ban Quản lý dự án 415. Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đã được tổ chức lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố. Cũng cần nói thêm rằng 3 trong số 4 cấu phần của dự án đã được chính phủ ủy quyền cho thành phố phê duyệt và đã được Ngân hàng thế giới tài trợ vốn, hiện đang được thực hiện trong khuôn khổ dự án nâng cấp đô thị. Cấu phần hệ thống thu gom, chuyển tải và xử lý nước thải lưu vực kênh TH-LG đang được thành phố tiếp tục kêu gọi vốn ODA.

Là những người thực hiện một dự án ODA có phương pháp tiếp cận với sự tham gia của cộng đồng và của các bên có liên quan, chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp xây dựng cho dự án để có thể đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, cách mà những vấn đề nêu lên trong bài báo cho thấy rằng tác giả bài báo chưa hiểu hết toàn bộ nội dung của dự án do những tài liệu tác giả có chỉ là một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi mà chúng tôi đã gửi cho tác giả từ cuối tháng 3 đến tháng 7.2005 để giúp làm luận văn thạc sĩ về giải quyết ngập lụt (thư điện tử ngày 23.4.2005) tại Trường đại học Tự do Brussels (chúng tôi xin gửi kèm những thư điện tử của tác giả, tên thật là Nguyễn Thị Thục, nhờ dự án chúng tôi gửi tài liệu). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, với tài liệu có trong tay chỉ là một phần nội dung của dự án, tác giả chưa hề có lần nào trao đổi với chúng tôi về các vấn đề như đã nêu trong bài báo để được chúng tôi giải thích và làm rõ. Dự án chúng tôi luôn cung cấp, chia sẻ thông tin cho các dự án liên quan, các cơ quan, tổ chức, sinh viên và giáo sư ở trong nước và quốc tế. Rất nhiều sinh viên đại học và cao học trong và ngoài nước đã viết luận văn thực tập và tốt nghiệp về phương pháp tiếp cận và các giải pháp của dự án. Chúng tôi cũng mong rằng trước khi đăng những bài báo có nội dung chuyên môn chuyên sâu như bài báo đang đề cập, tòa soạn báo nên có trao đổi với chúng tôi để kiểm tra các nội dung nêu ra là chính xác, tránh việc hiểu sai nội dung dự án trong cộng đồng dân cư, cộng đồng các nhà tài trợ, có thể dẫn đến những trở ngại khi thành phố kêu gọi vốn ODA khi triển khai thực hiện dự án cũng như phản ứng của nhà tài trợ trực tiếp của dự án này là Chính phủ Bỉ (hiện nay phía Bỉ thông báo họ rất quan tâm về việc này do việc chọn thầu và ký hợp đồng là thực hiện theo thủ tục đấu thầu dành cho vốn viện trợ không ràng buộc của Vương quốc Bỉ - Belgian Bidding procedures for untied aid). Vì vậy, đề nghị ông cho đăng lại ý kiến phản hồi của chúng tôi về các nội dung kỹ thuật (từ đoạn 2 đến đoạn 6 trên đây) để độc giả và công chúng quan tâm được thông tin đầy đủ hơn. Về phía dự án, chúng tôi cũng sẽ liên hệ với Giáo sư Bauwens để biết được ý kiến đóng góp cụ thể của ông đối với các giải pháp giải quyết ngập lụt trên lưu vực kênh TH - LG.

Ý kiến của tác giả

Là một người đã đọc khá nhiều và kỹ những báo cáo nghiên cứu về lưu vực kênh TH-LG được thực hiện từ năm 1994 đến năm 2003, tôi đồng tình với một số lập luận của Ban Quản lý dự án TH-LG (PMU415) về các giải pháp mà nhà tư vấn (BBV) đề xuất. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn rộng hơn ở các khía cạnh khác.

Trước hết là chuyện lấp rạch Tân Hóa. Theo những lập luận của PMU415, việc lấp rạch chủ yếu chỉ có tác dụng giải quyết vấn đề ô nhiễm. Tôi cho rằng để giải quyết ô nhiễm chúng ta không cần lấp rạch. Nếu rạch này được nạo vét và chỉnh trang, cộng với các chiến lược nâng cao nhận thức môi trường, ý thức thải bỏ rác của người dân sẽ được cải thiện. Và khi chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp ven kênh TH-LG ra ngoại thành được thực hiện một cách triệt để thì sẽ không còn chất thải công nghiệp đổ vào đoạn kênh này nữa. 

PMU415 cho rằng việc lấp rạch thay bằng cống hộp hạn chế sự di dời và các tác động về mặt xã hội. Tuy nhiên, theo bản đồ “định hướng phát triển không gian” của lưu vực TH-LG trong CD tư liệu dự án của PMU415, sau này hai bên bờ rạch sẽ là một dải vùng đệm không dân cư, không nhà cửa. Như vậy, việc giải tỏa và di dời những hộ dân sống ven rạch này là điều hiển nhiên phải làm. Hơn nữa, chúng ta nạo vét và nới rộng rạch ở một chừng mực nhất định thì việc di dời giải tỏa cũng không gây tác động xã hội nhiều hơn việc lấp rạch và đặt cống hộp.

Mặt khác, chúng ta đặt cống lớn để chuyển tải một lượng nước thải quá nhỏ vào mùa khô thì kinh phí quá lớn mà e rằng không hiệu quả, dễ gây lắng tụ các chất cặn của nước thải trong lòng cống. Khi đó, việc bảo trì, bảo dưỡng cống là rất lớn. 

Thứ hai, tôi tin chúng ta sẽ phải chuyển hướng nước mưa vùng thượng lưu kênh TH-LG, vì phần trung lưu và hạ lưu kênh TH-LG hiện nay đã được giáo sư Nguyễn Sinh Huy (1994) và giáo sư Bauwens (1999) chứng minh là không đủ sức chứa và chuyển tải nước mưa của một trận mưa có chu kỳ 5 năm dù được mở rộng đến đâu, đặc biệt khi gặp mức triều cao. Các van tự hành mà PMU415 đề cập sẽ ngăn nước trong kênh đi vào cống nhưng nước mưa trong cống sẽ thoát đi đâu nếu chúng ta không dùng bơm để bơm nó ra kênh? Cùng mục tiêu thoát nước của thành phố, tôi nghĩ chúng ta không cần phải tách bạch Bình Chánh thuộc lưu vực Tham Lương - Bến Cát, không thuộc TH-LG.

Chiến lược “sống chung với lũ” của Hà Lan là một kinh nghiệm mà chúng ta cần học hỏi. Lẽ ra, trong những năm qua chúng ta không nên cho phép san lấp các hồ chứa tự nhiên, các vùng đất thấp ven kênh rạch để xây dựng. Tình trạng ngập lụt như hiện nay trên toàn thành phố có sự đóng góp đáng kể của nguyên nhân này. Việc chúng ta chuẩn bị tinh thần để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai thiết nghĩ cũng là hết sức bức bách hiện nay. 

Riêng việc PMU415 kết luận rằng tôi chỉ tiếp cận một phần báo cáo của BBV trong một thời gian ngắn nên không hiểu hết các vấn đề là không thỏa đáng. Tôi đã đọc toàn bộ phần báo cáo liên quan đến giải quyết ô nhiễm và ngập lụt và kết hợp rất nhiều tài liệu về lưu vực TH-LG mà tôi đã tham khảo từ giữa năm 2003. Mọi kết luận và đề xuất trong luận văn thạc sĩ của tôi (cũng như trong bài báo) đều dựa trên những số liệu xác đáng, các thảo luận, đánh giá hợp lý được giáo sư Bauwens (là thầy hướng dẫn) chấp thuận và 2 giáo sư phản biện đánh giá rất cao. Trước khi viết bài báo nói trên, tôi đã xin ý kiến thầy Bauwens và chính thầy cung cấp cho tôi những thông tin như tôi đã trích dịch nguyên văn trong bài báo.

Tôi đã tiếp cận với dự án TH-LG từ năm 2001 và đánh giá rất cao lợi ích mà dự án mang lại. Dự án này (giai đoạn 1) đã được Trung tâm Định cư  Liên hiệp quốc đưa vào Cơ sở dữ liệu các thông lệ xuất sắc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và cấp vùng, quản lý môi trường và nhà ở. Trong những năm qua, cộng đồng dân cư trong khu vực này, nhất là những khu dân cư có thu nhập thấp, đã được hưởng lợi đáng kể về mặt cải thiện môi trường sống, thu gom rác thải, tái định cư và vay vốn tín dụng từ dự án. Giai đoạn mở rộng của dự án với 2 cấu phần nâng cấp đô thị và thu gom xử lý nước thải bằng hồ sinh học cũng rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, những giải pháp để giải quyết ô nhiễm và ngập lụt mà BBV đưa ra thì tôi tin là chúng ta phải bàn lại nếu muốn kêu gọi được vốn ODA, và còn để đảm bảo rằng công việc chúng ta làm có tính hiệu quả cao nhất, sinh lợi nhiều nhất để có thể hoàn trả vốn.

Thục Minh

Ban QLDA

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.