Ý kiến của bạn đọc về chuyện "sến" và nhạc "sến"

23/08/2005 11:45 GMT+7

Sau hai bài viết trên báo Thanh Niên đề cập đến dòng nhạc "sến", rất nhiều độc giả đã gửi thư đóng góp ý kiến. Chúng tôi xin trích đăng:

Quan tâm nhạc hay-dở chứ không phải "sến"-"sang"

Thông thường âm nhạc phản ảnh nét đặc thù của một nền văn hóa hay xã hội nào đó ở một thời điểm nhất định. Tôi không để ý lắm nhạc nào là "sến" và nhạc nào là "sang" (tôi không sành điệu lắm về âm nhạc). Tôi chỉ biết chắc chắn một điều là có một dòng nhạc mà ở đó âm hưởng lẫn ca từ của nó đã thật sự đi vào lòng người, thể hiện được cái "hồn" của âm nhạc. Chính thế mà nó cứ ngấm thật sâu vào lòng người ta, và được người ta hát từ thập niên này sang thập niên khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tôi dám chắc rằng dòng nhạc ấy sẽ còn được người ta hát mãi đến dài lâu sau này.

Không biết các nhạc sĩ và các ca sĩ chân chính có suy nghĩ gì không, còn riêng tôi thấy rất buồn và đau lòng nữa khi nghe những lời nhạc đại loại như "con trai yêu ai yêu chỉ vài ngày...". Còn những người làm văn hóa thì đã suy nghĩ gì nhỉ, khi những sản phẩm văn hóa rất chi là kém văn hóa cứ vô tư phát hành, ở các quán café hay ra rả trên môi các bạn trẻ... Cứ phải nghe hoài những bài nhạc kiểu "hiểu nói gì chết liền" đó thật không biết có ai buồn như tôi?

Nga

Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan về xuất xứ của từ "sến" và đặc biệt là "Mary Sến" hết sức thuyết phục.

Trước 1975, nghệ sĩ hài Tùng Lâm trong một tác phẩm hài phê phán trào lưu thêm tên tây trước tên Việt như Philip, Cathy... ông giới thiệu 2 nghệ sĩ là kép Hoàng Núi và đào Mary Sến. Theo tôi, ông muốn nhấn mạnh sự kệch kỡm: Mary - nói tắt của Marilyn Monroe chăng rồi kèm thêm Sến. Vậy có phải ông là người tiên phong dùng từ Mary Sến?

Thanh Lê

Tôi đồng tình với ý kiến của ông Hoàng Phủ Ngọc Phan. Khi chưa đọc bài viết của ông, nhận thức mang tính cảm tính của tôi về nhạc "sến" là những bài hát có nội dung đơn giản, hơi dung tục, và có vẻ yếu đuối, các ca sĩ khi hát những bài này thường cố thể hiện sự bi thương, đau khổ... Nói chung, tôi nghĩ rằng đó là những bài hát dành cho những thị hiếu dưới trung bình.

Cat Hanh
(TP.HCM)

Tôi tán đồng quan điểm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (H.P.N.P.) nhưng xin mạn phép làm rõ thêm vài điểm:

1- Đã từng sống trọn thời thơ ấu ở Sài Gòn (SG), tôi chia sẻ với nhà văn H.P.N.P. về xuất xứ của nhạc "sến". Luận điểm của ông rất có lý và có bằng chứng cho thấy là các nhạc Mambo đó đã từng là cơn "sốc" cho dân SG vào thập niên 60 (Hãy nghe bài vọng cổ "Tư Ếch đi Sài Gòn" của soạn giả Viễn Châu để thấy cái nổi đình nổi đám của loại nhạc này vào thời đó).

2- Vì vậy, "sến" xuất phát từ nhạc hải ngoại và lai căng chứ không phải của sáng tác trong nước. Thế nên chẳng có lý do gì mà cho "bolero hay rumba" là "sến".

3- Cho dù anh Vinh Sử có tự nhận mình là tác giả của nhạc "sến" thì nhạc anh cũng không phải là "sến" theo luận cứ nói trên.

4- Và như vậy, tôi xin định nghĩa "sến" nên hiểu là một thị hiếu thẩm mỹ của một tầng lớp người nào đó thích nhạc hải ngoại và lai căng và nó là thể hiện của một xu hướng "muốn học làm sang". Như vậy, "sến" không phải là chủng loại nhạc, cũng không phải là giai điệu, càng không phải là nhạc sáng tác trong nước, nhạc của người Việt, cho dù phong cách sáng tác có khác nhau.

Như vậy, hãy xem quan niệm về "sến" trong âm nhạc của ta hiện nay có đúng chưa?

Trần Thanh Phong

Đọc bài Nhạc "sến" là nhạc gì? tôi thấy có nhiều tâm đắc vì cá nhân tôi rất thích dòng nhạc này mặc dù tôi cũng thích những dòng nhạc khác nữa.

Trần Văn Hùng
(TX Châu Đốc)

Trong thực tế không chỉ khi nghe một bài nhạc được viết với những điệu nhẹ nhàng như bolero, ballad ... thì mọi người đều qui đồng đó là "sến" hay nghèo hèn, hay chỉ thích hợp với tầng lớp nào đó trong xã hội. Thật ra, trong cuộc sống đôi khi chúng ta bắt gặp những tình huống không liên quan gì đến âm nhạc cũng bị cho là "sến" như cách ăn mặc, giọng nói, cử chỉ, hành động hay đơn giản chỉ là một sở thích nào đó hơi khác người một chút... Chính vì lẽ đó, theo tôi từ "sến" mà mọi người dùng ở đây có thể tóm lượt là để mô tả:

1. Trong âm nhạc: những bài hát có tính chất tự sự, than vãn cho một cuộc tình hay tình huống nào đó trong cuộc sống có đoạn kết thường bế tắc, không lối thoát. Hầu hết những bài nhạc này thường tương tự nhau (Nhẫn cỏ cho em, Áo em chưa mặc một lần, Vùng ngoại ô, Chuyện tình Lan và Điệp...)
2. Trong xã hội: Đơn giản chỉ là những điều không thích hợp hoặc lập dị.

Đặng Hoàn Khải
(Gò Vấp, TP.HCM)

Nhạc sến hay nhạc rầu rĩ
 
Theo ý kiến của riêng tôi, không có loại nhạc nào là sến cả. Tuy nhiên, trình độ và sở thích nghe nhạc của mỗi người là khác nhau nên những bài hát có giai điệu dễ nghe dễ hiểu, dễ hát theo như bolero, slow..., được nhiều người ưa thích. Cái quan trọng là lời của bài hát có lành mạnh hay không, có rầu rĩ, bi quan quá hay không. Đa số các bài hát bị gọi là nhạc sến vì nó có lời lẽ buồn quá, qụy luỵ quá khiến cho đôi lúc nghe cũng phải nổi gai ốc. Hồi nhỏ, tôi cũng hay nghe loại nhạc bị coi là sến này và chị tôi đã không cho, vứt hết băng nhạc của tôi và bắt tôi nghe loại nhạc khác để cho "vui vẻ" hơn. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy ấm ức, mỗi lần đi qua quán café nghe lại những bài nhạc cũ vẫn thấy hay. Nhưng tôi vẫn cảm ơn chị tôi vì nhờ vậy mà tôi biết thêm được những bài hát mới vui nhộn.

Nguyễn Đức Tâm

"Sến" - từ ngữ dùng để miệt thị
 
"Và nói cho cùng, sến là gì? Theo tôi, sến là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới trung bình. Tiếng Pháp không có từ sến nhưng có từ tương đương: sous - culture (dưới văn hóa)" - Hoàng Phủ Ngọc Phan.

Theo tôi, ông Hoàng Phủ Ngọc Phan không nên so sánh "sến" tương đương với "dưới văn hóa". Một xã hội được tạo nên bởi những con người có những tầng lớp khác nhau, do nhân sinh quan khác nhau nên cùng chung một thị hiếu là điều vô tưởng. Như thế nào gọi là thị hiếu dưới trung bình? Thị hiếu của mỗi người biểu hiện sự cảm nhận riêng của người đó, trong khi văn hóa là những điều mà con người đặt ra để cư xử thích nghi với xã hội đương thời.

Lê Thái Dũng

Tại sao gọi là nhạc "sến"?
 
Làm gì có cái gọi là nhạc "sến"? Và vì thế chẳng có loại nhạc nào gọi là nhạc "sang" cả.

Không rõ từ lý do gì mà có một số người gọi những bài nhạc mà mình không thích là nhạc "sến". Điều đó cũng đồng nghĩa với chê bai và bài bác. Điều này thật bất công vì luận cứ đó tạo một sự ngộ nhận rất lớn trong quần chúng âm nhạc. Rồi từ đó "sến" trở thành cái gì "quê mùa", "lạc hậu", "thấp kém"... trong sinh hoạt và đời sống con người.

Nên chăng Thanh Niên nên tiếp tục mở rộng diễn đàn để cho mọi người hiểu rõ vấn đề hơn. Nếu không trong tương lai, các thế hệ sau sẽ lầm lẫn và có thể vô tình giết chết một dòng nhạc rất hay mà phần lớn xuất phát từ tự tình dân tộc mang đầy màu sắc Việt Nam qua nhiều thời đai.

Trương Tuấn Tú
(Thủ Đức, TP.HCM)

"Sến" thật đáng yêu

Tôi vẫn thường dùng từ "sến" để trêu bạn bè, đồng nghiệp về gu âm nhạc hay thẩm mỹ của họ một cách trìu mến như cái cách người ta vẫn thường dùng để trêu ghẹo nhau, nhưng có lẽ sau khi hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa không lấy gì làm hay ho của từ này có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ dùng đến nó nữa. Bản thân tôi cũng là một người mê nhạc "sến" vì giai điệu nhẹ nhàng, êm ái, dễ nghe, dễ đi vào lòng người của nó. Nếu nói đó là dòng nhạc dành cho giới bình dân thành thị thì lúc này đây tôi lại càng cảm thấy gần gũi với các chị ô-sin và những anh đạp xích lô hơn bao giờ hết. Đó chẳng phải là giá trị nhân văn của dòng nhạc này sao? Thú thật tôi chẳng thể nào bỏ phiếu cho những bài nhạc trẻ với những âm điệu chói tai và ca từ rỗng tuếch vào dòng nhạc "sang" được. Vậy những bài nhạc khó nghe ấy là nhạc gì? Chắc chắn không phải là sang rồi. Còn nhạc "sang" là nhạc như thế nào? Càng kén người nghe thì càng sang à? Theo tôi, công kích và miệt thị sở thích của người khác là điều không nên làm bởi đó là tự do cá nhân của mỗi người. Không thể cho mình là hiểu biết, là hơn người và cái mình thích thì cho là sang, cái mình không thích thì cho là thấp hèn bởi giá trị của một bài hát không phải là ở chỗ nó thuộc thể loại bình dân hay bác học mà là sức sống của nó qua thời gian, và nhạc dân ca mà ca sĩ Hương Lan, Thùy Trang biểu diễn không bao giờ là nhạc "sến" .

Minh Thu

Như thật không phải là thật

Chuyện về chữ Mari Sến của nhà văn nghe rất chi tiết nhưng hình như không đúng. Chữ Mari Sến hình như đã được dùng trong một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, sáng tác trước năm 1960 nhiều. Và như vậy chữ sến có nhiều khả năng xuất phát từ chữ Sen: con Sen, thằng Xe, chị Bếp... chỉ những người làm các việc phục vụ trong các gia đình giàu có quyền quý ngày xưa.

Còn bây giờ người ta lại còn sáng tạo ra chữ Sang để đối lập với chữ Sến - "thật sến hết chỗ nói" - rồi phân loại ca sĩ này chuyên hát nhạc sang, ca sĩ nọ làm mới mình bằng dòng nhạc sang... Mong các nhà ngôn ngữ học chỉ ra sự kệch cỡm của cuộc hôn nhân ngôn từ gượng ép của "tính từ sang bổ nghĩa cho danh từ nhạc" đã làm nên một thứ hơn cả nhạc.

Viet Giao Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.