Tòa tuyên họa sĩ Lê Linh thắng kiện vụ “Thần đồng đất Việt”

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/02/2019 11:17 GMT+7

Sau 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, sáng 18.2 TAND Q.1 (TP.HCM) đã tuyên án sơ thẩm công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của “Thần đồng đất Việt” - một trong những bộ truyện tranh hay nhất Việt Nam.

Đúng theo lịch xét xử, lúc 8 giờ 30 phút, phiên tòa đã thực hiện ngay các thủ tục theo quy định để nghe thẩm phán Nguyễn Quang Huynh tuyên án. Cùng trong Hội đồng xét xử sơ thẩm với ông Huynh có hai hội thẩm nhân dân Đinh Thị Ngọc Châu và Trần Văn Mẫn, còn đại diện Viện KSND Q.1 có bà Trần Lệ Thủy. Phía nguyên đơn có mặt ông Lê Linh và luật sư của phía nguyên đơn là bà Trương Thị Thu Hồng. Còn phía Công ty Phan Thị, đại diện cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh vẫn là GS.TS luật Nguyễn Vân Nam (Công ty Tư vấn Luật Nam Hùng).
Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh tuyên án
Không khí phiên tòa diễn ra hết sức nghiêm túc
HĐXX đưa ra những nhận định thuyết phục
Đại diện Viên Kiểm sát Q.1
Trước tiên, bản án cho rằng: Dù trong quá trình khởi kiện, bên nguyên đơn đã có thay đổi một số yêu cầu trong nội dung đơn nhưng điều này hoàn toàn phù hợp với diễn tiến vụ việc và pháp luật cho phép. Tòa cũng nhắc lại quan điểm của Viện KSND Quận 1 khẳng định: “Trong đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả để xin cấp bản quyền tác giả cho 4 hình tượng các nhân vật "Trạng tí", "Sửu ẹo", "Dần béo", "Cả mẹo" do bà Hạnh và ông Linh cùng ký có nội dung chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật để in trên bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị, không có nội dung nào xác nhận ông Lê Linh là đồng tác giả với bà Hạnh. Trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 Thần đồng đất Việt, ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh. Trong quá trình xuất bản bộ truyện cũng có tập chính Công ty Phan Thị xác định Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này và là tác giả của bộ truyện.
Tòa bác luận cứ của bên bị đơn đưa ra, cho rằng: "Vào ngày 29.3 ông Lê Phong Linh đã tự nguyện ký cam kết, thỏa thuận bằng văn bản với bà Phan Thị Mỹ Hạnh, tự xác nhận mình là đồng tác giả và công nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả của các tác phẩm hình tượng 04 nhân vật “Sửu ẹo”, “Trạng tí”, “Cả mẹo” và “Dần béo”. Trong văn bản do chính ông ký kết này, Lê Linh cũng “cam kết chịu trách nhiệm đối với bất cứ tranh chấp nào xảy ra", nhưng tòa nhận định đây không phải là văn bản từ chối quyền tác giả của ông Linh. Còn “việc nguyên đơn không trực tiếp sáng tạo tác phẩm ngôn ngữ là phần thoại của các nhân vật trong từng tập truyện của Thần đồng đất Việt, mà trước tiên phải nghe bà Hạnh kể lại những lời thoại này, để sau đó phân đoạn, phân ý theo cách thức của bà Hạnh - để sử dụng chúng cho phù hợp với hoạt động của hình vẽ nhân vật theo khung hình. Ở đây, hoạt động chính của ông Linh là sắp xếp các lời thoại của nhân vật vào vị trí thích hợp trong khuôn hình từng trang sách” mà phía bị đơn nêu ra, tòa cho rằng không có cơ sở. Trong khi đó, ông Linh là tác giả được ghi trên bìa sách, ở các tập đã xuất bản từ 1 - 78 ông Linh đều được Công ty Phan Thị trả nhuận bút đầy đủ theo quy định thì quyền tác giả ông đương nhiên được pháp luật bảo vệ.
Mặt khác theo điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006, được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20.9.2011 quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Sở hữu trí (nay được thay thế bởi Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018) quy định rằng: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.
 
Phiên tòa được sự quan tâm rất lớn của dư luận
Luật sư Nguyễn Vân Nam lắng nghe bản án
Ông Lê Linh: "Tôi hài lòng với bản án này"
Luật sư bị đơn khẳng định: "Chúng tôi sẽ kháng cáo..."
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên công nhận Lê Linh chính là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, không công nhận bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả; buộc Phan Thị phải chấm dứt các hoạt động sử dụng 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau; buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên hai tờ báo: Thanh Niên Tuổi Trẻ, đồng thời yêu cầu Công ty Phan Thị phải thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư của ông Lê Linh.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư phía bị đơn cho biết: "Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ, vô hiệu hóa quyền làm tác phẩm phát sinh của người sử dụng lao động. Chúng tôi không có điều gì phải lo lắng cả và chúng tôi tin rằng ở tòa cấp phúc thẩm vụ việc này được xem xét thấu đáo, hợp lý hơn, bảo vệ được việc kích thích sự sáng tạo ở các doanh nghiệp có sử dụng người lao động. Nếu như không có sự sáng tạo thì sẽ khó phát triển...”.
Còn họa sĩ Lê Linh thì hài lòng với bản án tòa án đã tuyên và cho biết ông sẽ tiếp tục ra tòa nếu bị đơn có kháng án lên tòa phúc thẩm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.