Nói tới Tả quân Lê Văn Duyệt, là nói tới một vị công thần hạng nhất giúp vua Gia Long khôi phục cơ nghiệp nhà Nguyễn, nhất thống sơn hà. Không chỉ vậy, với đất Nam, công nghiệp của Tả quân còn trải rộng khắp và lâu bền, xác lập dấu ấn sâu đậm trong hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, bảo hộ Cao Miên… được nhân dân đời đời hương khói phụng thờ, tín ngưỡng. Lăng Ông Bà Chiêu thờ cúng ngài là nơi dân chúng xa gần tới chiêm bái, ngưỡng vọng, như lời Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập có đoạn:
Sống làm tướng mật gan như sắt,
Thác độ người danh tiếng tợ phao.
Đồ sộ miễu lăng nay hiện tại,
Lửa hương nghi ngút thấu trời cao.
|
Sách Kỷ niệm 200 năm sanh nhựt Đức Tã [Tả] quân và 50 năm thành lập Hội Thượng công quí tế năm 1964 của Hội Thượng công quí tế cho biết một số thông tin liên quan đến Lăng Ông. Trong đó, nhấn mạnh sự linh thiêng của nơi đây đối với tín ngưỡng dân chúng. Vẫn sách trên cho hay, Hoa kiều rất siêng lui tới Lăng Ông để cúng kiếng, cầu phước, cầu an. Có lần một gia đình người Trung Hoa ở Sài Gòn lạc mất con, tìm mãi không được. Họ bèn vào Lăng Ông cầu xin, “thì Ngài cho biết trong một cây xâm là 3 ngày sẽ trở về, vẫn còn ở Saigon, chớ không xuất ngoại”. Quả nhiên sau việc ấy thành thực, gia đình này tạ ơn Đức Tả quân và xuất tiền sơn lại lăng cho đẹp đẽ. Sách này lại cho biết thêm rằng: “Đến như vụ tranh chấp giữa tụng đình, Tòa án cũng thường cho phép đôi bên nguyên bị đến Lăng minh thệ”.
Xuất bản năm 1964 khi mà đường khoa học kỹ thuật của loài người cũng được xem là tấn tới rồi, nhưng việc thề thốt trước hương hồn vị danh tướng, vẫn được Hội Thượng công quí tế đề cập. Xa hơn nữa, năm 1924, Cao Hải Để trong sách Lê Văn Duyệt tiểu sử, đã đề cập với nội dung: “Vả người Saigon - Cholon - Giadinh, khi xảy ra việc chi bất bình, uất ức, không thể cải [cãi] cọ, thì hay thách nhau “vô lăng ông Ba [Bà] Chiểu mà thề”, cũng tương đồng thông tin của Hội Thượng công quí tế 40 năm sau.
Cái sự xét xử chốn công đường không thành, mà lại đem việc thề thốt đến trước Lăng Ông để làm cán cân đo lòng ngay thẳng, thành thực và mong sự công minh như sách đề cập, nghe tưởng là huyền tích hay giai thoại, nhưng quả là sự thực, vì đã có việc được ghi lại rành rành. Việc ấy, xảy ra năm 1939, được nhật báo Sài Gòn số 14.284, ra ngày 30.11.1939 ghi lại, đặt ngay trang nhất với tựa đề “Tin tòa án: Một ông phủ ra thề ở Lăng Ông Bà Chiểu vì một món nợ”. Sự thể ra sao?
|
Theo bài báo này, thì có một ông phủ cho nhà điền chủ vay số tiền là 5.500 đồng, nhưng sau đó nhà điền chủ mất. Ông điền chủ có 2 bà vợ. Vợ cả có 2 con, vợ hai cũng 2 con. Kẻ nợ tiền đã mất, nên ông phủ đi kiện đòi các con của nhà điền chủ phải trả nợ cho cha. Tuy nhiên ông phủ lại kiện sai. Ban đầu ông ta kiện người con là trưởng nam của nhà điền chủ. Tòa bác đơn kiện vì gia tài của người quá cố cả 4 con đều hưởng. Sau ông phủ lại kiện 2 người con bà lớn, tiếp sau lại kiện 3 người con trai, trừ người con gái… Ông phủ kiện tới 5 lần, việc kéo dài liền mấy năm nhưng tòa chưa phân xử được.
Lần thứ sáu ra tòa, chủ tọa phiên tòa ấy là quan tòa Estève. Lần này ông phủ kiện đòi cả 4 người con phải trả tiền cho ông. Nhưng người con gái cho rằng cha mình khi còn sống đã trả ông phủ 2.000 đồng, chỉ còn nợ lại 3.500 đồng. Tuy nhiên chủ nợ thì khăng khăng món nợ còn nguyên 5.500 đồng, vấn đề là không có giấy tờ gì làm bằng cớ cho lời nói. Tranh cãi mãi không xong. Tòa cũng không biết phải làm sao cho ngay tình được. Thế là một việc lạ lùng không ngờ xảy ra ngay chốn thi hành luật pháp, “trạng sư Thão [Thảo] binh vực cho người con gái phải xin tòa cho bên nguyên đi thề tại lăng Ông Bà Chiểu. Quan tòa buộc ông phủ phãi [phải] ra trước nơi tôn giáo đã rồi tuần tới sẽ trỡ [trở] lại nơi pháp luật đễ [để] quan tòa định liệu”.
Trạng sư Thảo được báo đề cập ở đây, nhiều khả năng chính là luật sư Trịnh Đình Thảo nức tiếng nước Nam, lúc ấy đương hành nghề luật sư nơi đất Sài Gòn. Sở dĩ chúng tôi đoan chắc phần nhiều là vậy, vì cũng gần thời gian này, báo Điễn tín số 1.451, ra ngày 2.12.1939 ở trang nhất có bài “Hai vụ kiện bị hủy”, một vụ trong đó liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Lựu, và Trịnh Đình Thảo chính là trạng sư bênh vực quyền lợi cho Thị Lựu.
Lại quay về vụ việc được đề cập trên báo Sài Gòn số 14.284. Như vậy là, việc phân ngay thật hay dối trá, do không có giấy tờ làm bằng, nên quan tòa theo lời luật sư Thảo, đã phải nhờ đến chốn tâm linh, mà cụ thể ở đây là Lăng Ông Bà Chiểu, làm nơi đo sự ngay thật của lòng người khi yêu cầu nguyên đơn phải đến Lăng Ông để thề. Sự vụ mà bài báo đề cập là “tuần tới” tòa sẽ định liệu, tuy nhiên những số báo Sài Gòn và cả những báo ra cùng thời gian đó như Điễn tín, Dân báo, Trung hòa nhật báo… không có thêm thông tin về vụ án này, và độc giả đời sau như chúng ta, chỉ biết sự vụ dừng ở đó mà thôi. Nhưng cái việc dạo ấy, người dân và thậm chí là chính quyền coi Lăng Ông Bà Chiểu chính là nơi chứng minh, phân xử sự thành thật hay xảo trá của lòng người, đã cho thấy dân gian rất coi trọng sự linh thiêng của Đức Tả quân.
Bình luận (0)