Tình trạng này đang gây hệ quả xấu về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình đê điều ở một xã luôn thường xuyên đối mặt với thiên tai, lũ lụt.
Khi chúng tôi có mặt tại tràn Bảo An thuộc thôn Kim Đông, nơi sông Gò Bồi chảy qua, phía bắc tràn có 2 máy bơm đang bơm cát lên một xe tải. Một nông dân ở thôn Kim Đông cho biết: “Hôm nay xe đến mua cát giảm, chứ mấy hôm trước có ngày tới 4 máy bơm hoạt động liên tục, hàng chục lượt xe tải đến”.
Việc này diễn ra công khai nhưng ông Trưởng thôn Nguyễn Minh Chuẩn nói tỉnh bơ: “Tui thấy không tác hại gì, mà có lợi là giải quyết công ăn việc làm, tuy xe tải chở cát có gây hư hại đường bê tông”.
Khai thác cát trái phép còn xuất hiện trên sông Cây Me chảy qua địa bàn 2 thôn Tân Mỹ và Bình Lâm, nơi đây lòng sông hẹp trong khi các máy bơm cát cứ đặt gần bờ mà bơm, dẫn đến chân đê bị hút rỗng, gây hiện tượng sạt lở. Nhân dân địa phương bức xúc cho rằng có sự bao che.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho hay: “Tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn xã mà nhân dân phản ảnh hoàn toàn chính xác. UBND xã đã thành lập đoàn công tác tiến hành xử lý nhưng khi đoàn đến nơi, các đối tượng kéo máy đi mất chỉ để lại dây ống, xã tịch thu thì họ sắm lại. Xã đã có tờ trình báo cáo với ngành chức năng của huyện đề nghị giúp đỡ”.
Lợi nhuận từ việc khai thác khá cao, 1 xe tải 7-8m3, máy bơm cát bơm chừng 30 phút là đầy thùng xe, thu 100 ngàn đồng/xe, bơm nâng nền vườn nhà 15.000 đồng/m3. Sắm 1 máy hút cát khoảng 8 triệu đồng, hoạt động 1 tuần là thu hồi vốn nên các đối tượng biết khai thác là vi phạm Luật Khoáng sản nhưng vẫn cố tình làm do hám lợi.
Xuân Thức
Bình luận (0)