Kỳ tích dưới lòng cát
Chỉ xếp sau địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) và Củ Chi (TP.HCM), hệ thống địa đạo Kỳ Anh nằm trên địa bàn xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, từng là biểu tượng bám trụ trong giai đoạn ác liệt nhất ở Quảng Nam, những năm 1964-1975. Cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ chừng 7 km về hướng đông bắc, Tam Thăng trở thành địa bàn cửa ngõ và căn cứ địa để các đơn vị bộ đội của tỉnh, của Tam Kỳ và cán bộ, lực lượng vũ trang địa phương giấu quân. Thử hình dung, trên một vùng cát trắng bị chia cắt bởi 2 con sông, nằm cạnh các đồn bót địch như Tuần Dưỡng (Thăng Bình), An Hà (Tam Kỳ) và cách tỉnh đường Quảng Tín chỉ vài cây số đường chim bay, lại có hệ thống địa đạo dài xấp xỉ 32 km được âm thầm đào suốt từ năm 1965 đến 1969. Trong lòng địa đạo, có đoạn từng giấu đến 3 tiểu đoàn, và ước đoán có sức chứa 1.500 người.
Địa đạo Kỳ Anh đào bên dưới bãi cát trắng, trải đều trên 9 thôn của Kỳ Anh cũ. Hàng chục cây số địa đạo hình bàn cờ, hình xương cá, men theo các lùm cây, tập trung ở các thôn Thạch Tân, Vĩnh Bình, Mỹ Cang... rộng khoảng 1 mét, cao từ 1-1,5 mét. Cứ 10 mét có một lỗ thông hơi. Nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, thậm chí xuyên qua giếng nước, qua sông Đầm... Ngay dưới nền đình làng Thạch Tân còn bố trí cả kho chứa lương thực chu vi gần 80m2. Trong những ngõ ngách ấy còn có sẵn các hầm cứu thương, hầm chuẩn bị tác chiến, kho vũ khí, hầm chỉ huy...
Lối vào hầm bên dưới nền đình Thạch Tân |
Năm 1968, địch phát hiện và huy động xe tăng mở trận càn hòng đánh sập địa đạo, nhưng do đào sâu, quân dân chiến đấu ngoan cường nên hệ thống địa đạo Kỳ Anh vẫn được bảo vệ.
Kế hoạch "giải cứu" Kỳ Anh
Bốn năm trước, Thanh Niên từng cảnh báo địa đạo độc đáo này đang bị quên lãng (bài Kỳ Anh, địa đạo trong lòng cát trắng). Đến nay, nguy cơ ấy vẫn còn nguyên tính thời sự và càng trở nên bức xúc.
Từ năm 1994, khi tiến hành khảo sát, Bảo tàng Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã xác định khoảng một nửa hệ thống địa đạo còn nguyên vẹn. Hàng loạt miệng hầm bị mưa gió san phẳng hoặc cây cối bịt kín. Bây giờ, sau hàng chục năm "trơ gan cùng tuế nguyệt", không ai rõ bên dưới địa đạo dài còn bao nhiêu đoạn trụ vững. Chỉ biết chính xác 119 mét từ miệng hầm dưới đình làng Thạch Tân là "nguyên vẹn", bởi lẽ năm 2007 nơi đây bị xới tung lên để bê tông hóa, và ngay lập tức bị dư luận phản ứng.
Lối thoát của địa đạo ra kênh, từ phía đình Thạch Tân, đã được bê tông hóa - Ảnh: H.X.H |
Năm 2006, Bộ VH-TT cảnh báo nguy cơ một số đoạn địa đạo Kỳ Anh bị sập vùi mất dấu vết do "chưa được quan tâm đúng mức". Tuy nhiên, Bộ VH-TT cũng khẳng định, việc tiến hành tu bổ một số hạng mục di tích chỉ thực hiện sau khi có quy hoạch chi tiết địa đạo do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Vậy mà, kể từ sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia, di tích này mới lần lượt được "rót" 740 triệu đồng để mua lại ngôi nhà của liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết để làm nhà lưu niệm, sửa hầm bí mật, đình Thạch Tân, phục dựng hầm cứu thương, kho lương thực... "Nhưng các lần đầu tư này chỉ giải quyết được một số bức xúc nhằm giữ lại nguyên trạng và phục hồi một số hạng mục cấp thiết, chưa đáp ứng yêu cầu của một di tích quốc gia" - ông Chu Quang Ngân, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP Tam Kỳ nói.
Trong khi đó, đề cương nhiệm vụ quy hoạch chi tiết để bảo tồn, tôn tạo di tích địa đạo Kỳ Anh đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cuối năm 2007. Với quy mô 375 ha và hy vọng sẽ khoác chiếc áo mới cho làng chiến đấu Kỳ Anh, nhưng quy hoạch này đến nay vẫn "im ỉm". Thật khó tin khi tổng mức kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng do UBND tỉnh phê duyệt, nay mới chỉ ứng... 50 triệu đồng cho khâu lập hồ sơ. Nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhân chứng dự đoán địa đạo sẽ sớm bị xóa sổ trong nay mai, trước sự im lặng kéo dài.
Hàng chục cây số địa đạo từng che chắn cả nghìn quân dân Quảng Nam vượt qua hàng trăm trận càn quét, hàng chục nghìn tấn bom đạn, được mệnh danh là "pháo đài diệt giặc" thời kỳ chống Mỹ, buồn thay, bây giờ lại đang đứng trước nguy cơ bị vùi lấp.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)