Vay tiền bị làm... phó giám đốc!
“Có thóc mới cho mượn gạo” - đó là câu cửa miệng tôi học được trong những ngày theo chân anh H., một người quen ở quận 3, đi "mượn tiền nóng". H. có căn nhà ngang 4 mét, sâu gần 30 mét, ngân hàng định giá 2 tỉ đồng nhưng chỉ duyệt cho vay chưa đến 900 triệu do anh không có công ty và "phương án kinh doanh". H. đã lỡ ký khế ước vay rồi, giờ lại kẹt nữa vì phải đưa con ra nước ngoài chữa bệnh nên muốn tìm một ngân hàng khác dễ dãi hơn để vay 1,5 tỉ đồng. Bài toán của H. là nếu vay được 1,5 tỉ ở ngân hàng mới, anh sẽ "mượn nóng" 900 triệu trả nợ cho ngân hàng cũ để lấy giấy tờ nhà đưa sang ngân hàng mới, ngay sau khi giải ngân 1,5 tỉ sẽ trả liền 900 triệu cho "chủ tiền nóng".
Sau một thời gian gõ cửa các ngân hàng và bị từ chối, H. được tư vấn lập hồ sơ theo hướng nhờ một doanh nghiệp đứng ra vay, còn mình thì đưa tài sản vào bảo lãnh, khi vay được tiền thì sẽ "bồi dưỡng" lại cho doanh nghiệp đó một ít. H. âm thầm chấp nhận phương án đó và được giới thiệu sang một doanh nghiệp ở quận 7 để phối hợp tiến hành các thủ tục xin vay tiền. H. chấp nhận chi trọn gói cho "dịch vụ" này 10%, tức là ngay sau khi được giải ngân 1,5 tỉ đồng anh sẽ "ngắt" đưa họ 150 triệu, nhưng còn một điều kiện khác của họ đưa ra khiến H. lo lắng nên mới thú thật mọi việc và hỏi ý kiến chúng tôi. Vừa xem lướt qua một văn bản có đầu đề "biên bản góp vốn kinh doanh" mà H. đã ký vào, chúng tôi đã tá hỏa: H. đưa ngôi nhà góp vốn vào công ty và được họ bổ nhiệm làm phó giám đốc điều hành! Và "chiếu" theo đó thì H. đã bị ràng buộc hàng loạt nghĩa vụ pháp lý với một công ty mà anh chẳng biết nó làm ăn thế nào, kể cả một phương án kinh doanh giả mà họ đã lập ra để hoàn chỉnh hồ sơ vay tiền. "Việc gì họ làm cũng được, tui chỉ sợ tài sản của mình trị giá có 2 tỉ, họ vay 3 tỉ rồi ôm tiền trốn luôn thì mình chỉ có chết" - H. nói thêm một băn khoăn nữa và quyết định... từ chối làm phó giám đốc.
Mượn nợ = bán nhà
Ở một trung tâm đô thị lớn như TP.HCM thì có rất nhiều lý do để "thị trường tiền nóng" tồn tại và liên tục phát triển, mặc dù hệ thống các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân gần đây đang nở rộ với mạng lưới chi nhánh cấp khu vực, cấp quận, huyện phủ kín từ nội ô ra ven đô và ngoại thành. Nhưng phải ở vào vai của một người làm ăn bị chiếm dụng hết vốn hoặc lâm vào cảnh bế tắc cần "chữa cháy" thì mới phát hiện ra "sự tiện ích chết người" của những đường dây "tiền nóng" luôn nhân danh sự cứu rỗi để chực chờ nuốt "tiền tươi".
Theo "luật", nếu vay lớn thì phải thế chấp nhà, đất. Vay nhỏ thì thế chấp xe, ti vi, tủ lạnh... Nhưng "khế ước" vay là hợp đồng mua bán và bao giờ cũng dừng lại dưới dạng đặt cọc bởi số tiền được vay không bao giờ cao quá hơn 50% trị giá tài sản thế chấp để phòng khi con nợ không trả được lãi thì "lãi mẹ lãi con" sẽ được dồn lên thành... tiền bán. Và khi ấy, "chủ tiền" chỉ việc ung dung mang hồ sơ tài sản đến các cơ quan chức năng làm thủ tục trước bạ sang tên. Còn nếu trục trặc ở khâu nào, họ sẽ đưa đơn khởi kiện con nợ ra nhờ chính quyền hoặc tòa án xử, theo hướng buộc con nợ phải "tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán". Khi cầm trong tay bản án thì đã có cơ quan thi hành án làm nhiệm vụ đi "siết" tài sản của con nợ cho họ. Đã có nhiều đơn thư kêu cứu của một số con nợ bị mất tài sản theo "quy trình" như vậy ở khu vực Hóc Môn và Gò Vấp nhưng các cơ quan chức năng đến giờ này hầu như vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Chẳng hạn như trường hợp của bà D. ở quận 12, lúc đầu chỉ vay 600 triệu bằng một hợp đồng "thỏa thuận mua bán nhà", rốt cuộc phải mất gần 1,4 tỉ đồng mới chuộc lại được nhà. Bà B. ở quận Gò Vấp vay chưa đến 600 triệu nhưng phải mất 1,3 tỉ đồng mới giữ lại được căn nhà đang ở...
Mới đây, ông A. ở quận 3 cũng vừa bị "chủ tiền" đưa đơn ra tư pháp phường nhờ can thiệp để yêu cầu "bên bán" tiếp tục thực hiện "hợp đồng đặt cọc mua nhà" mà hai bên đã ký kết hồi tháng 6.2005. Ông A. vay nóng 300 triệu đồng và phải ký hợp đồng bán ngôi nhà đang ở giá 600 triệu đồng cho "chủ tiền". Đến hạn, do chưa lấy được tiền bán hàng để trả nợ nên ông A. bị đòi rất rát và bị dọa kiện ra phường. Rất may là cán bộ tư pháp phường cũng là người cùng hẻm với ông A., biết rõ thực trạng ngôi nhà ông A. trị giá hơn 1 tỉ đồng nên đã "lật tẩy" giao dịch "đen" này để chờ cho ông A. tìm đủ tiền trả nợ, không phải chịu cảnh mất nhà.
Sức hấp dẫn của nghề môi giới
Thực ra nếu không "có đường dây" hay nói dễ hiểu là không quen biết thì dù có tài sản cỡ nào, lúc "khát vốn" cần vay nóng cũng không biết tìm ở đâu. Những người có tài sản thế chấp, trong nhiều trường hợp vẫn không thể với tới được nguồn tín dụng hợp pháp từ hệ thống ngân hàng mà phải thông qua trung gian và chấp nhận bị "bóp cổ" chẳng khác gì tín dụng đen bên ngoài chợ trời. Đơn cử như trường hợp của bà X. ở quận 1, dù có căn nhà trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng do đã lớn tuổi, lại không có phương án kinh doanh rõ ràng nên phải thông qua hai công ty khác mới lấy ra được chưa đến 15 tỉ đồng ở một ngân hàng thuộc loại nhỏ tận bên quận 8. Đến khi có người ở ngân hàng khác hứa cho vay gấp đôi số ấy, bà sẵn sàng chi cho họ hàng tỉ đồng để "dời" hồ sơ thế chấp ấy sang... Hoặc như trường hợp của anh H. mà chúng tôi đề cập ở phần trên, nếu vay được 1,5 tỉ thì lập tức cũng phải "ngắt" đưa liền 150 triệu đồng cho những người "lo" hồ sơ vay.
Thực tế, các ngân hàng - những chủ tiền lớn tại TP.HCM hiện nay hầu như luôn bị những người môi giới tín dụng rình rập để ăn tiền huê hồng (tất nhiên là của người đi vay). Họ bỏ túi ngay những khoản huê hồng cực lớn, thậm chí đến 10 - 15% bởi biết cách làm cho những hồ sơ tín dụng lẽ ra không được giải quyết cho vay thì lại được, chỉ được vay ít thì lại được vay nhiều... nhưng không bị "lộ" vì những hợp đồng tín dụng ấy thường là không và chưa bị đổ bể. Cựu luật sư Nguyễn Trọng Quý, một "trùm" môi giới trong lĩnh vực này sau khi "nặn" ra đến hơn 40 công ty để "cho có pháp nhân", tưởng chừng như đã làm "bùng nổ" phiên tòa xét xử ông ta ở TP.HCM hồi đầu năm bằng lời hứa: "Tôi sẽ khai ra sai phạm của các cán bộ ngân hàng, họ đã ăn tiền phần trăm như thế nào"... nhưng cuối cùng ông ta cũng không thực hiện "lời hứa" ấy!
Còn "môi giới tín dụng đen" thì khỏi phải nói, họ sống khỏe nhờ những khoản "tiền tươi" theo kiểu "vay 300 triệu lấy 20 triệu", không cần biết "chủ tiền" sau đó sẽ "xử" con nợ ra sao. Thời gian gần đây, khi nông dân các huyện ngoại thành được chính quyền cấp cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì cũng bắt đầu xuất hiện những "cò sổ đỏ" để bắc cầu đưa những tài sản đó của bà con vào các đường dây tín dụng đen và các ngân hàng, hoặc quỹ tín dụng... Và không ít trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra khi họ chỉ có "thực nhận" 5 - 10 triệu đồng mà phải chịu những giấy báo nợ lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Những nạn nhân ấy hoàn toàn không phải đối mặt với dao, mã tấu của băng nhóm xã hội đen nào nhưng phải... khóc ròng trước cơ quan pháp luật!
Phóng sự của Võ Khối
Bình luận (0)