Chúng tôi theo chân thượng tá Đỗ Đình Nam, Chính ủy Đoàn C52, lên đỉnh cao của ngọn hải đăng đảo Bạch Long Vĩ, phóng tầm mắt nhìn quanh đảo. Trước mắt tôi là từng dãy nhà dân, nhà ở của thanh niên xung phong nối dài, mái ngói, mái tôn đỏ chín. Thấp thoáng trong những vòm xanh cây cối, lính đảo đang được huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Ngoài âu tàu là một con đê như vòng tay bà mẹ ôm chặt, chở che cho những con tàu tránh sóng.
Những người lính trên hòn đảo “Đuôi rồng trắng” chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho những con tàu từ đất mẹ hướng ra biển lớn. Trong tiếng gió ù ù, chỉ ra trận địa với các chiến sĩ đang tập luyện dưới công sự, hầm hào, thượng tá Vũ Đình Duẩn, Đoàn trưởng Đoàn C52, khẳng định: “Đứng chân trên một địa bàn chiến lược, cán bộ, chiến sĩ Đoàn C52 chúng tôi đã nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết “không để Tổ quốc bất ngờ” trong mọi tình huống”.
Theo thượng tá Duẩn, vùng biển, đảo mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn C52 đảm nhiệm bảo vệ thường xuyên có những diễn biến phức tạp. Các tàu cá nước ngoài thường xuyên xâm phạm chủ quyền biển của ta, khai thác hải sản trái phép, thậm chí có nhiều tàu giả dạng tàu cá để buôn lậu. Nước ngoài cấu kết với các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động phá hoại nhiều mặt, gây khó khăn cho ta cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Với vai trò của mình, Đoàn C52 đã làm tốt vai trò nòng cốt về an ninh, quốc phòng và đảm bảo thực hiện tốt quy chế phối hợp lực lượng để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng tôi gặp binh nhất Hà Văn Lợi khi anh đang sửa lại công sự bằng những bao cát. “Nhiều khi gác đêm, hướng về đất liền em vừa thấy nhớ nhà, vừa thấy tự hào, vì ở nhà, có gia đình, bà con hàng xóm đang ngủ, chúng em canh gác cho làng quê, Tổ quốc”, Lợi nói.
Cùng gác với những người lính hải quân như Lợi, trên đảo còn có cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân. Họ như những con mắt thần trên biển cùng với các lực lượng khác để luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Trên hòn đảo rộng hơn 2 cây số vuông, quân, dân thường trú trên đảo gắn bó như một gia đình lớn. Dù ở nhiều miền quê nhưng dòng máu con Lạc cháu Hồng đã hòa vào nhau thắm thiết trên cái đuôi rồng nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Không chỉ chắc tay súng, các chiến sĩ đảo còn là những anh nuôi mát tay. Thiếu úy Phạm Văn Thế, lái xe tăng, chỉ về phía đồng cỏ xanh: “Chúng em có tới trên trăm con bò, trên trăm con dê; gà, ngan thì không đếm xuể. Nhiều khi lái xe tăng ngay gần đàn bò, chúng cũng chẳng thèm chạy vì đã quá quen với tiếng gầm của động cơ rồi”. Thế bảo những đợt bão gió, biển động, tàu thuyền không chở lương thực ra được, lãnh đạo đơn vị lại chỉ đạo anh em thịt bò, thịt dê bán rẻ cho bà con trên đảo. “Như thế tức là chúng em cũng góp phần bình ổn giá đấy anh nhỉ”, cậu lính trẻ cười giòn tan trong tiếng sóng.
Không chỉ có đồng cỏ xanh với bò, dê, gà, vịt, màu xanh của cây cối đang lấn dần ra biển nhờ giọt mồ hôi của thanh niên xung phong.
Phó liên đội trưởng Tổng đội TNXP Nguyễn Văn Hậu cho biết đến nay hơn 1.300 ha rừng được trồng đã biến Bạch Long Vĩ thành một hòn đảo xanh; nhờ đó lượng nước ngọt dự trữ trên đảo đã đỡ khó khăn.
Theo anh Hậu, điện, đường, trường, trạm đã có đủ trên huyện đảo. Con đường bê tông quanh đảo dài khoảng 7 km cùng nhiều đường nhánh và Công viên Tuổi trẻ Sông Hồng, Công viên Văn hóa trung tâm, Công viên Đài tưởng niệm đã làm cho Bạch Long Vĩ khang trang như một thị xã nhỏ thơ mộng... Đó chính là những cơ sở, tiền đề để xây dựng Bạch Long Vĩ phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ - một pháo đài tiền tiêu bảo vệ vững chắc vùng biển đông bắc Tổ quốc.
Nguyễn Văn Toàn
Bình luận (0)