Chuẩn bị gì cho việc mở rộng môn thi trắc nghiệm?

28/12/2006 22:06 GMT+7

Chiều 27.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã có công văn gửi các trường, thông báo chủ trương của Bộ về việc mở rộng hình thức thi trắc nghiệm. Theo đó, không chỉ thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, mà thêm 3 môn: Lý, Hóa và Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2007. Các trường ĐH đương nhiên ủng hộ nhiệt tình chủ trương này.

Giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng: "Sự tiết kiệm một cách đáng kể về thời gian, công sức và tiền bạc cho xã hội từ hình thức thi trắc nghiệm so với thi tự luận là ưu điểm không thể phủ nhận được. Cùng một môn thi, thay vì phải huy động một lực lượng đông đảo cán bộ chấm thi trong hội đồng, làm việc ròng rã suốt mấy tháng trời thì việc chấm thi trắc nghiệm chỉ tốn không tới... một ngày". Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: "Do việc chấm thi sử dụng hệ thống máy móc toàn bộ, không có sự tiếp xúc một cách trực tiếp giữa cán bộ chấm thi với bài thi, nên tính khách quan, công bằng trong thi cử được đảm bảo hơn, nhất là trong một kỳ thi lớn như thi tuyển sinh ĐH thì điều này càng quan trọng. Chúng tôi rất ủng hộ lộ trình này của Bộ".

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói thêm: "Vấn đề nằm ở cách thức ra đề và cấu trúc đề thi. Chuyển đổi sang hình thức thi trắc nghiệm là hướng đi nhằm giảm thiểu gánh nặng của các khâu trong thi cử, nhưng nếu không thống nhất được khâu quan trọng là cấu trúc ra đề thi thì hiệu quả đạt được có thể không cao, nếu không muốn nói là không được gì. Thiết nghĩ, cấu trúc ra đề thi chỉ nên thống nhất hoặc là trắc nghiệm toàn bộ, hoặc là tự luận cả, bởi nếu xen kẽ hai hình thức thi trên trong cùng một bài thi thì e rằng mọi việc vẫn như cũ, việc chấm thi xem như chỉ khác trước ở chỗ là chấm một bài thi tự luận được rút ngắn hơn mà thôi".

Tiến sĩ Trương Bá Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đề nghị: "Bộ phận đề thi của Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thật tốt và nhiều. Thi trắc nghiệm khách quan cần được khảo sát độ tin cậy, chất lượng của đề thi và đáp án. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần cho khảo sát độ tin cậy ở một vài đơn vị trường học với sự giám sát nghiêm ngặt, mục đích "kiểm tra độ tin cậy" nên không cần thông báo rộng rãi và phải giám sát chặt chẽ, thu lại đề ngay sau khi học sinh làm bài". Để tránh gặp "sự cố" trong việc thi trắc nghiệm khách quan môn Ngoại ngữ ở tuyển sinh ĐH-CĐ 2006, tiến sĩ Hà còn đề nghị công khai dạng đề thi ngay từ đầu, thay vì làm cho thí sinh bất ngờâ như năm 2006 trong việc tự chọn các câu hỏi cuối.

Một vấn đề khác mà Bộ cần quan tâm là việc đầu tư máy chấm thi một cách riêng lẻ của từng trường như hiện nay có thể sẽ gây nhiều tốn kém. Nên chăng ngay từ những năm đầu tiên này, Bộ nên chọn ra một số trường từng có nền nếp trong khâu tuyển sinh, có quy mô sinh viên đủ lớn - cả sinh viên thực học và sinh viên tuyển sinh - để từ đó giao nhiệm vụ, đầu tư và quản lý thống nhất hơn.

* Giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM): Nên tăng thêm mã đề

Điều khiến chúng tôi quan tâm nhất là sự đồng bộ và nhất quán trong các khâu tổ chức, mà trước hết là từ quan điểm và cách thức ra đề thi. Phổ biến rộng rãi trước khi kỳ thi bắt đầu về quy trình câu hỏi là cần thiết để các trường có sự chuẩn bị, và học sinh có định hướng cho việc ôn tập cũng như sự ưu tiên trong cách làm bài thi, nhưng sự phổ biến này cần nhất quán với thực tế áp dụng, tránh gây ra tình trạng bất ngờ cho cả trường và thí sinh như năm trước. Dù đạt được tính khách quan khá cao trong hình thức thi này, nhưng nên chăng vẫn tiến hành rọc phách với những bài thi trắc nghiệm nhằm hạn chế một cách tối đa nguy cơ sửa điểm gây thiếu công bằng trong thi cử. Cũng vậy, so với tự luận thì trắc nghiệm là hình thức thi mà thí sinh có thể dễ dàng sao chép bài của nhau, nên chăng là tăng số lượng các mã đề lên 6 hoặc 8 thay vì áp dụng 4 mã đề thi như năm trước (những mã đề khác nhau có trật tự câu hỏi khác nhau nhưng nội dung đề thi thì thống nhất).

* Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Tổ chức tập huấn cho giáo viên ngay đầu học kỳ 2

Việc thực hiện hình thức thi trắc nghiệm khách quan tại TP.HCM sẽ không gặp nhiều trở ngại vì khoảng 3-4 năm trở lại đây, trong quá trình làm đề thi học kỳ của bậc THPT, chúng tôi đã cho đan xen khoảng 30% câu hỏi trắc nghiệm. Tuy nhiên như đã đề xuất với Bộ trong dịp đầu năm học, Bộ nên có thông báo sớm về hình thức thi cử, có như vậy mới tạo tâm lý yên tâm dạy và học cho giáo viên và học sinh.

Thế nhưng, vào thời điểm này khi học sinh đã thi hết học kỳ 1, sắp bước sang học kỳ 2 Bộ mới đưa ra quyết định, rồi sau đó mới công bố văn bản hướng dẫn các sở thực hiện e là hơi muộn. Cho nên ngay khi Bộ có văn bản hướng dẫn chính thức, Sở sẽ triển khai ngay đến các trường. Bên cạnh đó, vào đầu học kỳ 2, Sở sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên các môn sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Năm học này, Sở giao quyền ra đề thi học kỳ bậc THPT cho các trường, nên Sở cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để nhà trường tổ chức cho học sinh làm quen với hình thức thi trong kiểm tra học kỳ 2.

* Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM): Nên có sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận

Vì hình thức thi sẽ quyết định cách dạy của thầy và cách học của trò, sao Bộ không có thông báo này từ đầu năm học? Trong chương trình sách giáo khoa và sách bài tập đã có phần trắc nghiệm khách quan chưa? Nếu như chưa thì các thầy cô giáo của 3 bộ môn này sẽ phải gấp rút chuẩn bị, tự biên soạn bài tập cho học sinh, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, đó là chưa kể hệ thống xuất bản sẽ ồ ạt xuất bản các loại sách bài tập, sách tham khảo trắc nghiệm khách quan không được kiểm định một cách chi tiết...

Mặt khác, đối với phần bài tập tính toán, câu hỏi trắc nghiệm khách quan thường ra đề và hỏi đáp số nên thí sinh chỉ cần tìm đúng đáp số là đạt yêu cầu còn giáo viên chấm thi thì không cần biết quá trình giải như thế nào. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng học sinh tìm học những cách làm bài nhanh gọn có thể không nằm trong chương trình học và không cần hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Và người dạy thì đi sưu tầm những chiêu thức để giải toán một cách nhanh chóng dạy thêm cho học sinh mà có thể những phương pháp giải đó không dạy trong nhà trường. Đặc biệt, ngân hàng câu hỏi cho các môn thi này Bộ chỉ có thể sử dụng trong 2 năm vì đến năm 2009, học sinh sẽ thi theo chương trình THPT phân ban. Theo tôi thì Bộ không nên vội vàng sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trong năm tới mà nên để đến năm 2009 thực hiện một cách đồng bộ và có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Ngoài ra, đối với các môn có bài tập tính toán, nên chăng đề thi có sự phối hợp giữa trắc nghiệm và tự luận vì hình thức thi nào cũng có những yếu tố tích cực của riêng nó.

B.Thanh - Hà Ánh (ghi)

H.A - N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.