Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, tránh tư tưởng chủ quan để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997.
Nhanh, mạnh và nguy hiểm hơn Linda
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết: Vùng biển bị ảnh hưởng của bão số 16 kéo dài từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Theo cơ quan dự báo bão của Mỹ, tâm bão sẽ đi qua khu vực các tỉnh từ Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; khoảng 19 giờ ngày 25.12, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Đường đi của nó có thể tương tự như cơn bão Linda (số 5) năm 1997, giống thêm một điểm nữa là tốc độ cơn bão đi rất nhanh. Tuy nhiên, nếu so về sức gió thì cơn bão Linda khi vào đất liền sức gió cấp 10 thì bão Tembin sức gió dự báo tới cấp 12 giật cấp 15.
|
Cũng theo bà Lan, đây là cơn bão lớn có bán kính lên đến khoảng 200 km, nên ngoài khu vực tâm bão các địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… cũng chịu tác động mạnh và trực tiếp của bão. Nhiều khả năng khu vực miền Đông và đặc biệt là TP.HCM có thể có gió mạnh cấp 8 - 10.
Thế nhưng, điều đáng lo lắng theo bà Lan, trong ngày 23.12, nhiều ngư dân ở khu vực nam Trung bộ và Nam bộ liên lạc với bà qua điện thoại với thái độ vẫn chủ quan. Bà nói: Họ cho biết đã vào trú bão tại Côn Đảo rồi nhưng thấy trời rất đẹp, nên hỏi bão có thật không và định đi biển “thêm hết ngày hôm nay nữa được không?”. “Đây là hiện tượng thường thấy trước những cơn bão. Chính vì vậy nó tạo tâm lý chủ quan cho người dân. Và đây có thể dẫn tới hậu quả thiệt hại về người và tài sản là vô cùng lớn”, bà Lan khuyến cáo.
Lên phương án sơ tán gần 1 triệu dân
Sáng 23.12, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh phía nam để chỉ đạo công tác phòng chống bão Tembin. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh: Bão Tembin đổ bộ vào khu vực ít có bão. Người dân và chính quyền địa phương sẽ có tâm lý chủ quan, công tác phòng chống bão phải kiên quyết, triệt để không để xảy ra thiệt hại như bão số 12 vừa qua.
Trên biển Nam bộ đang vào vụ đánh bắt chính, từ Cà Mau đến Kiên Giang đang có khoảng 67.000 tàu đánh bắt xa bờ, 48.000 tàu gần bờ. Theo các kịch bản ứng phó với bão Tembin, các tỉnh Nam bộ sẵn sàng, lên phương án sơ tán khoảng 234.000 hộ dân với gần 1 triệu người để tránh bão.
tin liên quan
Các tỉnh ven biển ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão số 16Phòng chống bão số 16, hơn 119.000 cơ quan, trường học ở Bến Tre được huy động làm nơi tránh trú bão cho dân, Tiền Giang sơ tán gần 40.000 dân...
|
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Tiền Giang, cho biết tại cuộc họp sáng 23.12, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành theo dõi diễn biến của bão để kịp thời ứng phó. Ban chỉ huy xuống các vùng xung yếu để kiểm tra và hỗ trợ cấp huyện thực hiện phương án phòng chống bão. Vận động người dân chằng chống nhà cửa. Với hộ nghèo không có khả năng mua dây thì xuất ngân sách ra mua và đưa lực lượng tới hỗ trợ. Rà soát lại phương án sơ tán dân khi có lệnh. Trường hợp có bão mạnh, Tiền Giang sẽ sơ tán gần 40.000 dân ở 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8 giờ ngày 23.12; cho học sinh nghỉ học ngày 25 - 26.12. Các sở, ngành và đặc biệt chính quyền 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đang dự kiến sơ tán hơn 20.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực cồn bãi, ven sông, ven biển hoặc các nhà kém an toàn vào các cơ sở y tế, trường học kiên cố trước 12 giờ ngày 25.12.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo 3 đồn biên phòng Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động. Đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền tìm được nơi neo đậu, hiện còn 487 phương tiện với 1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm.
|
Theo ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Sóc Trăng), tỉnh này có 214 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ và 21 tàu đánh bắt gần bờ. Hiện đã có gần 140 tàu đánh bắt xa bờ vào nơi trú ẩn an toàn, các tàu khác đang được lực lượng chức năng thông báo, kêu gọi vào bờ hoặc vào nơi trú ẩn an toàn.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết toàn tỉnh có hơn 46.000 người dân cần di dời, sơ tán nếu bão vào đất liền. Hiện đã liên hệ được 956 tàu thuyền với hơn 7.900 người; tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại bến trên 2.500 chiếc với hơn 14.000 người. Còn 943 tàu với 7.813 lao động đang hoạt động trên biển; trong đó có 394 tàu/4.452 lao động hoạt động xa bờ; hoạt động gần bờ 549 tàu.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã ra thông báo khẩn về việc triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 16. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi có bản tin cuối cùng về bão Tembin; kiểm đếm số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang trên biển... Bộ đội biên phòng phối hợp với ngành nông nghiệp cùng các địa phương hướng dẫn nơi neo đậu cho tàu thuyền, kiên quyết không để người ở trên tàu; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; tổ chức trực ban 24/24 giờ…
tin liên quan
TP.HCM lệnh 'cấm biển', sẵn sàng sơ tán hơn 5.000 dân tránh bão TembinTP.HCM phát đi thông báo cấm tàu thuyền ra khơi từ 16 giờ ngày 23.12. Và sẵn sàng lực lượng, phương án sơ tán hơn 5.000 dân ở huyện Cần Giờ để tránh xảy ra thiệt hại trước dự báo bão Tembin.
Ngày 23.12, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TTCN tỉnh Kiên Giang - Mai Anh Nhịn, chủ trì cuộc họp triển khai phương án ứng phó bão số 16. Theo đó, tất cả địa phương rà soát lại phương án di dời dân, nhất là khoảng 300.000 hộ nằm trong diện sơ tán, di dời tránh bão ở 15 huyện, thị, thành phố theo phương án số 01, ban hành tháng 5.2015. Lưu ý huyện đảo Phú Quốc và huyện đảo Kiên Giang khẩn trương ứng phó bão; TP.Rạch Giá, TX.Hà Tiên và các khu vực An Biên, An Minh,
U Minh Thượng không chủ quan, phân công trực 24/24 giờ báo cáo nhanh tình hình về ban chỉ huy cấp tỉnh.
Hồi 22 giờ ngày 23.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,8 độ vĩ bắc; 116,6 độ kinh đông, trên khu vực phía nam đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115 km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 24.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ vĩ bắc; 111,7 độ kinh đông, trên khu vực phía đông đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135 km/giờ, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8 - 10 m.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, với tốc độ 25 km/giờ. Đến 22 giờ ngày 25.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ vĩ bắc; 106,6 độ kinh đông, ngay trên vùng biển Côn Đảo và vùng ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 10 - 11 (90 - 115 km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7 - 9 m.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ khoảng 20 - 25 km/giờ.
|
Bình luận (0)