Tôi biết làm sao đây...

05/01/2007 21:56 GMT+7

Được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo Hiệp Đức - Quảng Nam, tôi ước ao được trở thành một SV đi học cùng bạn bè, và hơn hết có kiến thức cơ bản để bước vào đời trở thành người có ích cho xã hội, cũng cho mình có tương lai sáng ngời hơn bố mẹ.

Tôi đã cố gắng học và thi đỗ vào Trường TH Y tế Quảng Nam (khóa 2002 - 2005). Thế là niềm vui của gia đình được nhân lên vì con học gần nhà, kinh phí cũng đỡ tốn kém và hơn hết nghề mà con mình chọn là vì sức khỏe mọi người vì niềm vui cuộc sống. Tôi hy vọng sẽ có việc làm trong tương lai để đỡ vất vả nhọc nhằn hơn bố mẹ.

Tôi học chuyên ngành Điều dưỡng đa khoa. Trong trường y tế, sau ba năm học tập ra trường (5.2005), cũng như bao bạn bè tôi cầm đơn xin việc khắp Đà Nẵng rồi về Quảng Nam. Nhưng tất cả các nơi đều từ chối, và cho rằng "Em ở Hiệp Đức thì về Hiệp Đức làm không lương". Sau nhiều lần xin không được việc làm, tôi về quê xin làm không lương tại phòng khám đa khoa khu vực gần nhà. Thế là bố mẹ phải tiếp tục chu cấp cho tôi đi làm không lương sau khi ra trường. May mắn không đến với tôi sau khi có đợt tuyển công chức ngành y tế (ngày 28.5.2006) do tỉnh tổ chức. Đợt tuyển công chức lần này đỗ với điều kiện đạt từ 20 điểm trở lên, cùng với ưu tiên con thương binh liệt sĩ. Còn tôi chỉ đạt 18,75 điểm, không có một chút cơ hội gì cả, tôi buồn lắm.

Tôi biết làm sao đây. Làm không lương bố mẹ không thể chu cấp được nữa vì phải lo cho các em của tôi ăn học, lo nuôi sống gia đình. Còn làm trái nghề thì tôi sẽ mai một tay nghề vì đây là nghề y, nghề ảnh hưởng đến tính mạng con người. Thế là sau khi thi công chức y tế, anh chị tại nơi tôi làm không lương khuyên tôi: Nên đi làm nơi khác để có cơ hội hơn.

Tôi thật sự không biết đi đâu để làm đúng nghề mình học, tôi lại ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc gia đình mà suy nghĩ không biết tương lai của mình sẽ về đâu. Thật khó khăn cho những số phận như tôi. Nhiều bạn chấp nhận đi làm trái nghề để nuôi sống bản thân vì gia đình không thể chu cấp cho đi làm không lương được nữa.

Ước mơ là một chuyện nhưng thực tế cuộc sống đâu phải chỉ ước mơ là được? Ngày xưa tôi ước mơ là cô giáo dạy văn cấp II, nơi đó tôi có thể tìm lại tuổi thơ, tuổi thơ của tôi là phải chăn bò, hái rau, gánh rau đi chợ bán rồi mới tranh thủ đi học chuyên văn. Thế rồi những buổi học chuyên văn thưa dần, cơ hội cũng mất dần theo ngày tháng do không có sự chuyên cần. Sau khi học cấp III, ước mơ là cô giáo của tôi sau hai đợt thi không thành, tôi lại có duyên với ngành y. Sau khi ra trường, tuổi ngày một lớn dần theo năm tháng, nỗi buồn về công việc luôn sát bên tôi sau bao lần cầm đơn đi xin việc theo đúng nghề mình học. Thật khó khăn khi không biết phía trước của mình sẽ đi đâu về đâu, khi nghề mình học lại không có cơ hội tìm kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống bản thân.

Trong thể lệ cuộc thi Mơ ước của tôi có đoạn: "Các bạn nói lên những khát khao chia sẻ, tâm tư tình cảm của mình... bày tỏ mong muốn được thầy cô bạn bè, các tổ chức cơ quan xã hội giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ...". Và tôi xem Báo Thanh Niên như người bạn để trút bầu tâm sự cũng như tâm tư tình cảm của tôi lúc này. Không cầu mong nhận giải, chỉ cầu khi đọc những dòng tâm sự này Báo Thanh Niên sẽ đồng cảm với tôi, một số phận nhỏ nhoi và có ước mơ chính đáng. Cầu mong nhờ nhịp cầu này tôi sẽ có cơ hội hơn trong tương lai của mình, có thể xóa đi nếp nhăn trên nét mặt của bố, làm rạng ngời nụ cười của mẹ và hơn hết cho tôi có niềm vui trong cuộc sống. Một lần nữa tôi mong rằng ước mơ của tôi sẽ trở thành sự thực, nơi mình sinh ra và lớn lên để cống hiến, giúp ích cho bản thân và xã hội.

Nguyễn Thị Thọ
(Thôn Nhì Đông, xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.