Nếu TAND huyện Tiên Lãng và TP.Hải Phòng khi xét xử về hành chính vụ ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện quyết định thu hồi đất trái pháp luật của Chủ tịch Lê Văn Hiền tỏ ra khách quan, công tâm thì đã không xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người bị thương, 5 người bị khởi tố và bắt giam.
Ai cũng biết Tòa hành chính được lập ra để các thẩm phán nhân danh nhà nước đưa ra những phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước những hành vi hành chính và quyết định hành chính trái pháp luật của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Thế nhưng từ vụ việc ở Tiên Lãng, rõ ràng người dân đã bị phớt lờ những tiếng kêu oan ức ngay tại chốn công đường.
Bảo vệ cái sai của chính quyền
Trong hạn luật định sau khi bị Chủ tịch UBND huyện tống đạt quyết định thu hồi đất, từ năm 2009, ông Vươn đã khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng để yêu cầu tòa án bảo vệ mình. Thế nhưng bất chấp pháp luật, ngày 27.1.2010, Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, giữ nguyên quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Ông Vươn kháng cáo đề nghị TAND TP.Hải Phòng xem xét lại vụ kiện theo thủ tục phúc thẩm thì gặp một “quả lừa” trắng trợn ngay tại chốn công đường.
|
“Cả tôi và anh Vươn đều bị TAND huyện bác đơn. Chúng tôi cùng làm đơn kháng cáo gửi TAND TP.Hải Phòng xin xử phúc thẩm. Tháng 4.2010, tôi và anh Vươn đều được mời lên làm việc, khi đó có đại diện UBND huyện Tiên Lãng. Dưới sự chứng kiến của thẩm phán TAND TP, người đại diện UBND huyện hứa nếu chúng tôi rút đơn kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi thuê đất. Thẩm phán lúc đó đã lập biên bản, ghi rõ ý kiến của đại diện UBND huyện, có chữ ký của cán bộ huyện, có chữ ký của thẩm phán, có dấu của TAND TP. Tôi và anh Vươn tưởng sẽ được cho thuê đất thật, nên đều rút đơn. Đến khi hết hạn kháng cáo, bản án sơ thẩm đương nhiên có hiệu lực, quay về hỏi huyện thì được trả lời là cứ thu hồi đã, sau này giao cho ai thì tính sau. Và rồi họ ra văn bản cưỡng chế”, ông Vũ Văn Luân, người cùng cảnh ngộ với ông Vươn kể lại.
Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng gây ồn ào gần đây cũng xuất phát từ việc thu hồi đất và vụ án hành chính. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức mới có được 38 ha đầm tôm. Trong khi đó, UBND huyện Tiên Lãng đòi thu hồi ngay lập tức. Quyết định thu hồi của huyện bị khởi kiện. Tòa sơ thẩm đã xử cho dân thua, quan thắng. Đến phiên xử phúc thẩm, đuối lý, biết mình sai, đại diện UBND huyện Tiên Lãng - ông Phạm Văn Hoa, Trưởng phòng TN-MT đã hứa nếu dân rút đơn huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tin quan, dân đã rút đơn. Nhưng vừa rút đơn thì chủ tịch huyện lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất gây bức xúc cho người dân và máu đã đổ…
Dân khó thắng
Báo cáo của TAND tối cao cho thấy năm 2011, tuy tăng so với cùng kỳ 392 vụ, nhưng TAND cả nước xét xử 1.790 vụ án hành chính (đạt 77%). Tỷ lệ xét xử vụ án hành chính thấp nhất trong các loại án nhưng hủy sửa lại cao nhất, chiếm đến 13%. Chưa có địa phương nào thống kê số lượng án hành chính đưa ra xét xử phần thắng thuộc về người dân chiếm số lượng bao nhiêu nhưng trao đổi với nhiều luật sư, kiểm sát viên và ngay cả một số thẩm phán, cho thấy số vụ kiện người dân thắng chỉ là con số nhỏ so với hành trình nhọc nhằn kiện tụng.
Trong hội nghị tổng kết ngành tòa án tại TP.HCM gần đây, nhiều thẩm phán than những vụ kiện hành chính mà bên bị kiện là chính quyền thì họ chịu không ít áp lực. Một vướng mắc trong thực tiễn xét xử án hành chính là sự bất hợp tác từ phía bị kiện là cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Một thẩm phán trần tình: “Thay vì triệu tập đại diện UBND quận đến tòa làm việc, thì thẩm phán lại phải xách cặp qua ủy ban họp theo triệu tập của ủy ban. Còn chuyện tòa mời ủy ban không đến là thường xuyên”.
Ông Võ Văn Thêm, Kiểm sát viên cao cấp của Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM, nhìn nhận sở dĩ có tình trạng này là do tòa án cấp sơ thẩm bị lệ thuộc về quản lý hành chính, trụ sở đóng tại quận huyện mà đó là nơi ban hành quyết định bị khởi kiện. Thêm vào đó là liên quan đến sinh hoạt Đảng. Quan trọng hơn, chính ông chủ tịch UBND là người có ý kiến chấp nhận thẩm phán có đủ điều kiện bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay không dẫn đến việc tòa sơ thẩm dè dặt, án bị tòa cấp trên hủy, sửa nhiều.
Cần sửa Luật tố tụng hành chính Để giải quyết vấn nạn dân “chê” Tòa hành chính, theo Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, việc tiến tới thành lập tòa án khu vực là một giải pháp. “Cũng cần xem xét sửa luật Tố tụng hành chính, theo đó đối với những vụ kiện hành chính không cho ủy quyền. Người ban hành quyết định là ông chủ tịch UBND phải hầu tòa, không được ủy quyền. Chính việc này sẽ làm cho người ký quyết định phải dè dặt, cẩn trọng, có trách nhiệm hơn với chữ ký của mình. Chứ từ trước đến giờ không thấy ông chủ tịch nào hầu tòa, giải quyết vụ kiện hành chính”, ông Thêm đề xuất. |
Hải Đăng - Lê Nga
Bình luận (0)