Tôi đã thấy gì trong đêm nay

30/04/2016 07:00 GMT+7

“Ta đã thấy gì trong đêm nay. Cờ bay trăm ngọn cờ bay Rừng núi loan tin đến mọi miền. Gió hòa bình bay về muôn hướng Ngày vui con nước trôi nhanh. Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù Gặp quê hương sau bão tố”.

Vào năm 1974, trong một cuộc liên hoan ở cơ quan tuyên truyền binh vận thuộc Trung ương Cục (R), một người bạn cùng cơ quan với tôi đã đột ngột đứng lên xin hát góp vui một bài. Và anh đã hát ca khúc trên của Trịnh Công Sơn, mà lúc đó tôi cũng chưa biết tên bài hát là gì. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe bài hát vừa nghẹn ngào xúc động vừa hồ hởi tươi sáng như vậy, dù thời điểm ấy hòa bình còn chưa tới.
Đó là ca khúc tiên đoán ngày 30.4.1975, ngày mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ôm đàn guitar tới hát trực tiếp ở phòng bá âm Đài phát thanh Sài Gòn, sau khi đài phát tuyên bố của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh về quyết định hạ vũ khí đầu hàng.
Thực ra, mỗi người VN đều chỉ ao ước đất nước mình có một ngày ấy thôi, ngày mà “một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh”.
Bây giờ, sau 41 năm hòa bình, hàng triệu người con Việt từ khắp nơi trên thế giới đã “tụ về đường số Một”, đã gặp nhau để cùng nhớ lại ngày hòa bình đầu tiên và bao tháng năm nhọc nhằn khổ đau sau đó.
Đất nước mình đúng là vất vả, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Ngày 30.4 ấy, có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn”. Bởi vậy, chúng ta không bao giờ “dễ dãi hóa” chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc, dù ngay từ hồi còn chiến tranh, tôi là một nhà báo đã từng viết rất nhiều bài báo về mục tiêu hòa hợp dân tộc. Nhưng mọi điều, quả thật, không đơn giản như hồi ấy tôi nghĩ. Rồi dù khó khăn tới đâu, rắc rối tới đâu, thì người VN cũng tìm được đến sự thống nhất trong một đất nước thống nhất. Khát vọng hòa bình và thống nhất luôn là khát vọng cao cả nhất của mỗi người Việt.
Tôi vừa gặp một người bạn Việt kiều sống ở Mỹ. Anh nói với tôi, anh đã về quê biển Bình Châu - Bình Sơn (Quảng Ngãi) để sống nhiều ngày với những ngư dân ở đây, và anh quyết định mình phải cùng một số anh em Việt kiều khác ở những quốc gia khác nhau tổ chức những buổi tập huấn giúp ngư dân quê tôi về an toàn lao động trên biển.
Anh nói khi ngư dân Quảng Ngãi đã ra khơi đánh cá tận Hoàng Sa, Trường Sa, thì họ không chỉ là ngư dân, họ còn là những người yêu nước. Tôi nghĩ, chỉ cần đứng trên quan điểm yêu nước, những người Việt dù ở bất cứ đâu cũng dễ tìm được tiếng nói chung. Yêu nước, thương dân, thì hòa hợp và hòa giải dân tộc là việc đại sự hoàn toàn có thể thực hiện được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.