Tôi đi cầu… có bầu - Kỳ 2: Nửa đêm đi lấy số

01/04/2009 00:25 GMT+7

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm tới nơi khám bệnh - "nhà thờ ở bên tê" - vào một buổi chiều. Nếu tin ngay vào những lời giới thiệu thì rất dễ hiểu lầm rằng đây là nơi "liên kết" với đan viện Biển Đức trong việc cầu có bầu. Thực tế không phải.

"Phòng khám xơ Yến"

Từ quốc lộ 1A, đi ngược về hướng TP.HCM, sau khi đã chui qua gầm cầu Sóng Thần, giáo xứ Khiết Tâm hiện ra bên phải đường. Không phải "nhà thờ" như lời giới thiệu, mà là khu dân cư của nhiều giáo dân. Đến đây, hỏi phòng khám của xơ Yến thì hầu như ai cũng biết.

Phòng khám nằm gần cuối một con hẻm cụt, có ghi bảng hiệu là một phòng khám y học cổ truyền, có giấy phép sở y tế cấp cho lương y Nguyễn Thị Bạch Yến. Trên bảng hiệu phòng khám còn đề chữ "Khiết Tâm" nổi bật, to nhất, nhưng không có gì cụ thể để khẳng định đây là "nhà thờ Khiết Tâm", "giáo xứ Khiết Tâm" hay "phòng khám Khiết Tâm" hoặc "phòng khám của dòng Khiết Tâm" gì cả. Chỉ đề chữ "Khiết Tâm" cộc lốc như vậy, ai hiểu sao thì hiểu.    

Chúng tôi ra ngoài, tra cứu số điện thoại địa chỉ thì được biết, chủ thuê bao điện thoại của phòng khám này là một cá nhân, bà Nguyễn Thị Bạch Yến. Phải nhấn mạnh rằng, đây là số điện thoại đăng ký của cá nhân chứ không thuộc một tổ chức hay một dòng thánh nào.   

Với những gì đã xác minh cụ thể, chúng tôi khẳng định việc "cầu nguyện ở Biển Đức nhưng sang nhà thờ Khiết Tâm khám mới linh nghiệm" chỉ là thông tin đánh lận, mập mờ. Thực tế, việc "sang nhà thờ Khiết Tâm" chỉ là đến phòng khám của xơ Yến, đặt trong địa bàn giáo xứ Khiết Tâm mà thôi. Việc đúng, sai trong lối khám bệnh của phòng khám này, cũng như khả năng thực sự của xơ Yến ra sao, chúng tôi sẽ đề cập ở bài sau. Nhưng phải hiểu một cách rõ ràng như vậy để khỏi bị đánh lạc hướng theo kiểu mê tín dị đoan như những tin đồn về một sức mạnh thần thánh nào đó.

Số ghi thẳng vào... da!

Bên trong phòng khám là một khoảng sân rộng với nhiều hàng ghế đá, bên trên lợp mái tôn. Lúc này khoảng 3 giờ chiều. Trời oi bức ngột ngạt nhưng vẫn có hàng chục người kiên nhẫn ngồi trên những chiếc ghế đá chờ khám bệnh. Chúng tôi tiếp cận một cặp vợ chồng  có ghi số thứ tự 63: "Mấy giờ đến thì lấy được số sớm, anh?". Người chồng: "Anh phải đi lúc hai, ba giờ sáng".

Theo người chồng thì số phải đóng trên tay chứ không còn được phát bằng giấy. Vợ chồng này đã đi cầu nguyện bên đan viện Biển Đức 3 lần rồi mới qua đây. Lúc này đã qua nửa giờ khám buổi chiều nhưng số thự tứ 63 vẫn chưa được gọi. Vợ chồng này nói rằng, đi khám, đi cầu là phải tin, nếu có thai rồi cũng không được đi khám bên ngoài, chẳng hạn khám tại Bệnh viện Từ Dũ, bởi làm vậy sẽ không linh nữa.

Có vẻ thấy bất ổn khi mấy tay bảo vệ  đóng cánh cửa sắt "rầm", định khóa cửa vô luôn, chúng tôi tìm cách thoát ra ngoài với lý do đi gửi xe máy. Cuối con hẻm, trong một khoảng sân rộng của một nhà dân, nhiều khách nam giới đang đứng ngồi la liệt, uống cà phê chờ tới lượt mình. Tại đây, có cả dịch vụ cho nghỉ trưa, nghỉ qua đêm với giá từ 10.000 đồng/lượt, tùy dạng.

Ba đêm liên tiếp, chúng tôi đã có mặt ở khu vực phòng khám xơ Yến để ghi âm, ghi hình việc cho số khám bệnh từ lúc nửa đêm. Từ 3 giờ sáng, đã lác đác bóng người đi bộ, đi xe ôm, xe máy đến đây. Những người đến sớm đã đứng, ngồi ngay trước cửa phòng khám để lấy chỗ. Đến khoảng 3 giờ 45 phút, trước giờ mở cửa 15 phút, con hẻm trước phòng khám đã chật cứng người, không còn chỗ chen chân.

Hầu hết những người có mặt ở đây đều đã đứng tuổi, họ thường đi cả vợ lẫn chồng. Trong đó, có rất nhiều cặp vợ chồng đến từ Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc. Còn nhiều cặp vợ chồng mới đến lần đầu, có lẽ là mới xuống bến xe bởi sau lưng là balô, màn chiếu. Lác đác một số người có tướng mạo sang trọng và Việt kiều. Nhiều khách từ các tỉnh quanh TP.HCM cũng đi xe hơi đến, xếp từng dãy dài nhưng đa phần là họ đến muộn, không thể chen chân vô nữa, bèn đứng bên ngoài hỏi han, tính sáng sang đan viện Biển Đức rồi đêm hôm sau lên sớm xếp hàng.

Trời tối đen. Ánh đèn sáng trắng leo lét trước cửa phòng khám không đủ soi rõ hàng người đứng chen chúc chờ mở cửa. Khoảng 4 giờ sáng, nghe tiếng lạch cạch mở cửa bên trong, mọi người ồ lên "xơ dậy rồi, sắp mở cửa". Lập tức là tiếng rột rạt chen lấn, tiếng khách lớn tiếng nhắc nhở nhau xếp hàng. Một người đàn bà nói vọng ra từ bên trong, nhắc nhở không được chen lấn xô đẩy.

Cánh cửa phòng khám chưa kịp mở hết, dòng người ào vô như ong vỡ tổ. Thế mà chỉ chưa đầy ba phút, khoảng 200 trăm con người đã chui tọt vô hết bên trong. Người vô trước chen ngồi lên dãy đầu, phía bên phải. Người ngồi kín dãy đó rồi thì người đàn bà sắp cho người vô sau ngồi dãy bên trái. Lúc này, cánh cửa sắt đã được một người đàn bà khác khóa lại. Nội bất xuất, ngoại bất nhập...

Trong ánh đèn leo lắt, các người đàn bà đi dọc các hàng ghế kiểm tra và ổn định chỗ ngồi như những vệ sĩ chuyên nghiệp. Tất cả người khám đều phải vạch áo bên tay phải lên cao, một bà cúi người, đi dọc hàng ghế rồi cho số bằng màu mực đỏ lên đó. Một bà khác thì liên tục đi lại, trông ngóng, kiểm tra. Không gian lặng ngắt.

Đến khoảng 4 giờ 30 sáng thì việc cho số mới diễn ra xong.  Cửa lại mở. Mọi người lại ồ ạt chen ra ngoài tìm đồ ăn, cà phê sáng ngồi chờ giờ khám bệnh, lúc 7 giờ.

Lúc này, trời vẫn tối đen như mực.

(Còn tiếp)

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.