Những ngày cuối tháng 10, thời tiết phía Nam vẫn oi bức nắng nóng nhưng càng gần tới Mang Yang (Gia Lai), không khí càng dịu mát, dễ chịu. Dù đã được giới thiệu trước, nhưng chỉ khi đến tận nơi, chúng tôi mới hiểu thế nào là cuộc sống của những “cô bò hạnh phúc” tại Trang trại Bò sữa NutiMilk, tưởng chỉ có ở các xứ sở bò sữa nổi tiếng thế giới như: Úc, New Zealand…
Đặc biệt, những nhân viên nơi đây sở hữu một đức tính không thể thiếu của ngành chăn nuôi bò sữa mà Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có mặt trong đoàn đi hôm đó đã kết luận: “Cái quan trọng nhất để thành công là yêu ngành, yêu nghề, phải say sưa, ăn cũng nghĩ đến bò, ngủ cũng nghĩ đến bò”.
Ẩn mình trong vẻ đẹp hoang sơ của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai, Trang trại Bò sữa NutiMilk nằm bình yên dưới chân ngọn núi lửa nghìn năm Chư Đăng Ya hùng vĩ, tách biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt của đô thị.
Nhớ lại hơn 4 năm trước, khi ra mắt Trang trại Bò sữa NutiMilk, bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Nutifood nhấn mạnh, trang trại sẽ là "át chủ bài" mới của công ty trong tương lai khiến chúng tôi vô cùng tò mò về nơi này. Cho đến hôm nay, khi được trải nghiệm một trong những trang trại độc lập lớn nhất tại Việt Nam đạt chuẩn Global GAP với gần 12.000 cô bò, chúng tôi mới hiểu hết tầm nhìn của lãnh đạo Nutifood. Với ngành chăn nuôi bò sữa, năng suất, chất lượng phụ thuộc vào 3 yếu tố quyết định: Vị trí nuôi, công nghệ nuôi, con giống đầu vào. Chọn Mang Yang – Gia Lai, nơi hội tụ mọi yếu tố để chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, công ty dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam đã “chốt” xong yếu tố số 1.
Để giải quyết bài toán giống, trang trại đã quyết định cải tạo toàn bộ đàn bò được mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai theo sự tư vấn của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển. Đơn vị này cũng đã xây dựng khẩu phần riêng cho các cô bò với 40 thành tố dinh dưỡng. Thành quả đạt được chính là dòng sữa chất lượng 3,5 gram đạm/100ml, tương đương sữa Úc và New Zealand. Năm 2021, Trang trại Bò sữa NutiMilk đã nhập khẩu thêm hơn 3.000 con bò thuần chủng từ Mỹ để nâng cao sản lượng và tăng đàn.
Toàn bộ Trang trại được ứng dụng công nghệ cao của Israel trong quản lý vận hành. Theo đó, mỗi cô bò được đeo chip ở cổ để theo dõi sức khỏe hằng ngày. Tất cả thông số liên quan hoạt động của bò đều cập nhật trên nền tảng ứng dụng di động của đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên và bác sĩ thú y mỗi 10 phút/lần, nhằm đảm bảo giám sát đàn bò chặt chẽ nhất và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.
Chuồng trại được lắp hệ thống quạt 24/7 để đối lưu không khí giúp làm giảm mùi chất thải xả ra liên tục, giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí. Lối vào khu chuồng bò được lắp một đường gờ có tác dụng ngăn nước mưa làm trôi hoặc làm ướt thức ăn ủ chua. Mỗi ngày, thức ăn được rải 3 lần chính và sẽ được kiểm tra lần cuối lúc 20 – 21 giờ nhằm bảo đảm các cô bò luôn no đủ.
Có lẽ ở thời điểm hiện tại, khái niệm những "cô bò hạnh phúc" đã không còn xa lạ bởi có rất nhiều các câu chuyện về việc các đàn bò ở trời Tây được chăm sóc sức khỏe tỉ mỉ, được tắm mát, nghe nhạc,… sung sướng ra sao. Dạo một vòng quanh Trang trại Bò sữa NutiMilk, chúng tôi được mở mang hơn nữa về khái niệm "sung sướng" khi các cô bò được chăm chút tới tận… móng chân. Chẳng là, mỗi cô bò có cân nặng khoảng 650 kg, trung bình một chân chịu 150 kg. Để giảm tải cho các đôi chân, nhân viên tại trang trại NutiMilk còn chuẩn bị thêm những tấm nệm… cho bò đứng. Trang trại cũng xây dựng riêng khu bệnh viện bò để chăm sóc các cô bò bị ốm. Khu vực này rộng khoảng 500 m2, được bố trí các giường nệm làm từ lớp mùn cưa và vỏ trấu khá dày, vừa tạo sự êm ái, vừa thấm hút tốt để không khí không bị ẩm thấp, giảm đau chân cho những cô bò bị viêm móng. Bởi vậy, nói "sướng như bò sữa NutiMilk" cũng chẳng hề quá lời.
Một cô bò hạnh phúc sẽ cho ra dòng sữa chất lượng cao. Song, muốn đảm bảo chất lượng sữa tốt, quy trình chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ từ chế độ chăm sóc cho đến nguồn thức ăn.
Tại Trang trại Bò sữa NutiMilk, ngoài việc chip đeo ở cổ để theo dõi toàn bộ từ sức khỏe đến chỉ số sữa vắt ra mỗi ngày, các cô bò còn được gắn màu số đeo tai để phân loại theo lượng sữa vắt ra. Màu hồng thì có sản lượng trên 12.000 kg mỗi năm; màu cam là 10.000 - 12.000 kg và vàng là dưới 10.000 kg.
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quyết định tới sức khỏe, sản lượng và chất lượng nguồn sữa của đàn bò, do đó, trang trại NutiMilk có cả một khu vực “nhà ăn” chuyên chế biến thực phẩm. Các hố ủ chua, khu vực chứa cỏ tươi, hạt bông vải, hệ thống bồn rỉ mật,… được để rất ngăn nắp và khoa học. Trước khi đến, chúng tôi nghĩ thức ăn ủ chua sẽ…chua lắm nhưng ngược lại rất thơm và phảng phất mùi mật mía.
Cũng theo đại diện trang trại, ủ chua chính là thành công lớn nhất của Nutifood trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng chuẩn cao cho đàn bò đồng thời chủ động tốt về nguồn thức ăn trong những lúc chưa đến mùa vụ. Nhờ đó, bò sữa tại Trang trại NutiMilk cho sản lượng và chất lượng sữa đồng đều, luôn đảm bảo đạt 3,5g đạm/100ml, tương đương sữa Úc và New Zealand.
Đến nay, trang trại này đã được nhiều đối tác lớn trong khu vực tìm đến để mua bò giống và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trong đó có nhiều đối tác đến từ Thái Lan. Nhìn lại 15 năm trước, người Việt Nam phải sang Thái tìm mua bò giống và học người Thái cách nuôi bò, thì giờ đây, không chỉ công nghệ, con giống mà cả trang thiết bị Nutifood đã có thể xuất ngược sang Thái.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trang trại Bò sữa NutiMilk không chỉ góp phần làm thay đổi ngành chăn nuôi tại Mang Yang mà còn tạo nên sự lan tỏa ra các địa phương lân cận. Với nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho đàn bò, bên cạnh sử dụng cỏ sạch từ cánh đồng quanh trang trại, hiện Trang trại NutiMilk đang nhập bắp từ các vùng trồng nguyên liệu tại Gia Lai, Phú Yên, Đăk Lăk. Điều này góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Ông Lê Trọng, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang – thừa nhận mặc dù có đầy đủ điều kiện tuyệt vời để phát triển lâm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi như bò sữa, song giai đoạn vừa qua huyện chưa được khai thác hết. Trong những nhà đầu tư đi tiên phong, trang trại bò sữa của Nutifood đã thật sự làm thay đổi, làm điểm nhấn cho ngành chăn nuôi Mang Yang và tạo nên sự lan tỏa đến các địa phương lân cận. Người dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn khi chuyển sang trồng cỏ, trồng ngô để cung cấp nguyên liệu cho trang trại, thay vì những cây trồng không có giá trị cao như trước.
Trực tiếp tham quan các khu vực chăn nuôi bò sữa và chế biến thức ăn dinh dưỡng cho bò, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư cùng những thành quả mà Trang trại Bò sữa NutiMilk đã đạt được.
Là người có nhiều năm với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thừa nhận: "Tôi đã từng có lúc phải nghi ngờ, làm gì Việt Nam chúng ta làm được bò sữa? Thế nhưng, công nghệ và khát vọng đã làm thay đổi tất cả. Đến nay, chúng ta đã vẽ lại bản đồ chăn nuôi và Mang Yang – Gia Lai có thể trở thành một trung tâm bò sữa mới'.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng nhấn mạnh: "Chúng ta có thể mang sữa từ Hà Lan về Việt Nam để bán thì không lý do gì không vận chuyển sữa tươi từ Gia Lai để bán cả nước lẫn xuất khẩu. Về phía địa phương, tỉnh cần phải xem đây là một cơ hội lớn, trên cả sự quyết tâm, khát vọng đưa Gia Lai trở thành trung tâm bò sữa".
Thông tin dịch vụ
Bình luận (0)