Tôi muốn làm nhà lãnh đạo thành phố

02/02/2007 23:12 GMT+7

Tôi 22 tuổi, nếu bây giờ cho tôi một điều ước thì tôi sẽ trả lời ngay rằng tôi mơ ước trở thành nhà lãnh đạo TP.HCM. Vì với cương vị này, tôi sẽ có nhiều việc để làm giúp cho dân sinh, cho nền kinh tế phát triển.

Nếu là lãnh đạo TP.HCM, tôi không thể chịu được tình hình giao thông trên địa bàn TP tồi tệ như hiện nay. Từ trung tâm cho đến các quận ven, hễ cứ xách xe máy ra khỏi nhà là bị kẹt xe, thoải mái chờ... hít khói nửa tiếng là chuyện thường ngày. Riết rồi, bà con ta cứ chịu "sống chung" với kẹt xe.

Trước 1975, Sài Gòn là "Hòn ngọc viễn Đông" của khu vực với đường sá, công trình, xe hơi... Nhưng sau đó, trong khi các thủ đô nước bạn thi nhau phát triển đường sá cao tốc, hệ thống cầu vượt, đường tầng thi nhau mọc lên thì chúng ta quanh quẩn với những con đường nhỏ bé, lại bị các ngành điện, nước... thi nhau cày xới nên chuyện kẹt đường sẽ đương nhiên. Quy hoạch kiến trúc đường sá không theo kịp đà phát triển nhất là TP đã tăng lên 8 triệu dân.

Tôi sẽ kêu gọi đấu giá nhà thầu làm đường trong và ngoài nước nếu đủ điều kiện. Nhiệm vụ của họ là sẽ làm đường cao tốc, cầu vượt, đường tầng như ở các nước phát triển càng sớm càng tốt theo phương châm xây dựng - chuyển giao - thu phí. Khi có hệ thống đường kiểu này, mới nói chuyện không còn kẹt xe nữa. Để giảm kẹt xe, chỉ có cách làm lại đường. Là lãnh đạo, tôi sẽ giải quyết ngay vấn đề này, tất nhiên có sự giúp đỡ của các chuyên gia, của nhân dân...

Nếu làm nhà lãnh đạo thành phố tôi sẽ luôn có những chuyến vi hành. Trong lịch sử, vua Càn Long nhiều lần đi vi hành, còn nước ta, nhiều vị vua cũng làm như thế để sâu sát, để gần với dân, để loại bỏ những tên quan xấu. Và bây giờ, tôi ước mơ cũng làm việc này. Phải chăm lo dân sinh, phải loại bỏ những cán bộ xấu xa, tham nhũng để người dân tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền.

Có người sẽ bảo khi xưa, vua ít người biết, còn bây giờ lãnh đạo lên báo, lên truyền hình thường xuyên sẽ dễ bị "lộ". Nhưng phải bỏ công sống với người dân, mới thấy dân không phải là không còn khổ. Phải vi hành để lắng nghe dân nói, vì như Nguyễn Trãi từng nói "dân đưa thuyền lên, dân đẩy thuyền xuống". Phải đảm bảo cho dân  một cuộc sống ấm no, đầy đủ.

Lãnh đạo phải vi hành trong âm thầm, chứ không thể báo trước những điểm sẽ đến. Bởi như thế, cơ sở sẽ có cách đối phó mất. Ngoài vi hành ra, số điện thoại di động của tôi sẽ được niêm yết công khai. Chăm lo thắc mắc, bức xúc của dân là nhiệm vụ của lãnh đạo. Với tôi, ngày nào làm cho người dân bớt khổ là ngày đó tôi mới ăn ngon ngủ yên được...

Đây là ước mơ mà tôi ấp ủ từ khi chỉ là cậu học trò cấp 2. Tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ đem hết tài năng và đạo đức để giúp cho dân, cho nước giàu có, thanh bình. Với tôi, ước mơ ấy luôn day dứt mỗi ngày bởi "hạnh phúc cho ta là làm người khác hạnh phúc".

Phạm An Hòa (SV trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.