(iHay) Phnom Penh (Campuchia) là một niềm thương nhớ không tên gọi, dấy lên bởi những dập dềnh sóng nước trong thành phố.
>> Ăn hủ tiếu Nam Vang ở Phnom Penh
Ngày đầu tiên đến Phnom Penh, tôi trở thành một thứ lá cỏ đứt lìa khỏi cành để bay đến một khung cửa xa lạ trên một dải đất xa lạ nào đó. Từ ngoài cửa xe, tôi thấy con đường dài hun hút đúng với ước vọng của tôi.
Phnom Penh ngày đầu tiên của tôi là ngày nắng gay gắt, có một con đường với những dải đất cằn phẳng băng, nhiều hàng thốt nốt lạ lùng vươn lên. Bao giờ tôi mới có thể trở thành kẻ du mục đi đến những vùng đất lạ thế này để nhìn ngắm thế giới ở đấy tồn tại theo kiểu gì khác với mình nhỉ? Lúc đó tôi tự hỏi vậy.
Sự đắm chìm và những suy tưởng mơ hồ làm tôi thu tất cả hình ảnh vào mắt mình, để vẫn phải nhớ mãi, nhớ quặn lòng, nhớ bươn bả theo từng khoảnh khắc không gian thế này... Phnom Penh lần đầu tiên của tôi ngắn ngủi một cách huyền nhiệm. Một đêm!
Trời nóng không kể xiết. Tôi đến vào ngày tết Bon Chol Chnam. Người ta bảo Tết đấy là khoảng ngăn từ mùa khô chuyển sang mùa mưa. 11 giờ đêm, tôi đứng trên gác hai của căn nhà trọ mình ở, cạnh một chiếc bàn thờ chạm trổ nhiều hình rắn Naga và những mái ngói nhọn cong sơn thếp vàng. Tôi thấy hạt mưa búng vào mái bàn thờ. Tết. Và mưa.
Phnom Penh giữ quá nhiều kí ức của tôi. Tôi đi bộ lang thang khắp phố thị, nhìn ngày tết heo hút trong mắt người buôn bán xa nhà. Tôi ngẩn người ra khi một bác già nua nói rành tiếng Pháp (và đoán tiếng Anh của tôi), cầm cái địa chỉ nhà trọ của tôi, 10 giờ tối, chở tôi về tận cửa. Mỉm cười, cúi chào. Và quay xe đi, không nhận đồng tiền tôi đã nắm sẵn trong bàn tay chực đưa ra. Đó là ngày ở Wat Phnom.
Tôi thấy mình giống một hạt nước, ước gì được rơi trọn vẹn vào dòng Mekông, để xuôi đi và ngắm nhìn một cách tự nhiên nhất cách con người ở Campuchia sống. Tôi không bao giờ hiểu họ, vì ngôn ngữ, vì tín ngưỡng, vì cái xa lạ Sài Gòn đã trát lên linh hồn của tôi trong những ngày bỏ mái nhà đi tìm con đường của mình. Hình như Phnom Penh không biết xa lạ. Và chỉ có cách trở thành một hạt nước trên dòng sông linh hồn của nơi này, người ta mới có thể hiểu được vì sao người Campuchia sống như thế.
Trong một bộ phim tài liệu tôi xem, người ta quay những gương mặt cháy ráp nắng đạp xe và khuân bao tải, người ta đọc lời bình: “Lúc tôi quay trở lại Phnom Penh, mọi người đều e dè, nghi ngại và sợ hãi. Chiến tranh đã làm mọi người co mình lại để giữ gìn gia đình mình”.
Tôi cố tưởng tượng xem cái e dè ấy liệu đáng sợ đến thế nào, có giống với Sài Gòn mà tôi đang sống không. Nhưng tất cả những ngày tôi ở đấy, tôi chưa thấy sự nghi ngại nào dán lên mình. Sự sống ở đây tự nhiên đến mức người ta chìa tay ra giúp đỡ tôi không công và vô điều kiện ngay cả khi tôi cầm tiền trong tay và đã thỏa thuận tất thảy giá tiền. Sự tự nhiên đó làm tôi lạ lùng ngơ ngác. Đó là một bí ẩn của thế giới chăng?
Tôi nhớ Phnom Penh nghĩa là nhớ cả đất Campuchia và vài nơi tôi có thể đi qua trong những thời gian ngắn ngủi đến bần thần cả mình. Một ngày nọ, khi bước xuống xe bus ở Siem Reap, tôi cầm trong tay địa chỉ một nhà nghỉ mình biết, và bảo một anh lái xe tuk-tuk chở đi. Anh bảo tôi, nếu tôi cần xe thì gọi cho anh theo số điện thoại ấy. Tôi lưu số một cách ngẫu nhiên.
Ngày đầu tiên, anh tính tôi giá 2USD cho chuyến đi tôi cần. Anh dặn tôi, nếu về trễ hãy gọi điện anh tới đón. Chiều đó anh tới đón tôi. Khi xuống xe, anh bảo 1USD. Sáng hôm sau, khi cần đến cũng địa điểm đó, anh dắt tôi đi uống cà phê và tính giá...1USD. Đến ngày thứ ba, anh bảo: “Bạn không cần trả tiền!” và bỏ đi ngay trước gương mặt còn ngơ ngác của tôi. Khi tôi ra bến xe khách để về Phnom Penh, tôi mới biết khoảng cách từ nhà nghỉ của tôi và nơi tôi làm việc đến bến đậu xe của anh không hề gần như anh nói với tôi.
Nỗi nhớ với Phnom Penh và cả vùng đất lạ lùng ấy trong tôi không phải là từ những món tiền mà tôi có thể bớt đi khi sử dụng dịch vụ mà là từ những tình cảm tự nhiên như dòng Mekông, hẳn là sẽ ướt khi sóng dềnh lên bàn chân của kẻ đi hoang trong ngày muộn màng…
Lần thứ hai, khi bước chân xuống xe bus ở Phnom Penh, tôi nhớ nước mắt mình đã rơi, tự nhiên như cái vô nghĩa nhất của tình yêu. Tôi không thể hiểu vì sao mình nhớ dễ dàng đến thế những cái ngõ bên hông chợ Sa Thmey. Tôi không hiểu vì sao mỗi khi tôi ngơ ngác vò đầu vì rắc rối thì ngay lập tức có một bàn tay nào đó đưa ra để nắm lấy tôi, ân cần như người thân, tinh tế như bạn hữu và vô tư như một người xa lạ…
Tôi cũng không giải thích được vì sao mình lại đứng lâu đến thế trong cái nhà tù S-21 và không muốn rời khỏi Choeung Ek khi ngồi trên một chiếc ghế đá đặt ngay sau cái dải đất được đắp lên để giữ di tích Cánh Đồng Chết.
Tôi đã nhìn mãi những gương mặt sộc mùi của cái chết, nhìn hàng trăm tấm ảnh sắp xếp cạnh nhau và nhìn trân trối vào hư vô. Cách sắp xếp ấy tàn nhẫn như thể ta cầm lên một chiếc bình thủy tinh, ném mạnh vào tường cho vô cùng bể nát, rồi nhặt từng miếng, gắn lên một phông giấy trắng phẳng lì.
Những rạn vỡ được tách rời ra và cứa vào tim người đối diện những hình ảnh đó. Tôi cảm thấy câu thoại trong bộ phim tài liệu kia “e dè, nghi ngại và sợ hãi” là một cái gì đó sao quá nhẹ nhàng trước những vết thương đầy máu và cái chết trên bức tường và cánh đồng kia...
Hôm nay, khi tôi xem một đoạn phim tài liệu ngắn về Phnom Penh một ngày mưa, với cái khối nhà cong cong ở góc đường và những dềnh nước lặng lẽ bám lấy thân thể và số phận những con người ở đấy, tôi thấy trái tim mình chuyển động... như một giọt nước của dòng Mekông quá nhớ nhung một dòng chảy, quá đơn điệu khi phải xa rời một điều gì đó giữ trong hạt nhân tâm hồn mình.
Tôi nhớ tất cả những gì tôi kịp nhìn thấy trong một ngày tôi ở Phnom Penh. Và thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy mình được đứng trên gác hai của nhà trọ có cái bàn thờ, nhìn hạt mưa thần thánh búng vỡ vào môi mình, biết rằng sự chuyển mùa hiện hữu rõ ràng một cách kì diệu…
Phượt ký của Khải Đơn
>> Lênh đênh trên Biển Hồ Campuchia
>> Một thoáng Campuchia
>> Đi thử "tàu tre" độc nhất vô nhị ở Campuchia
Bình luận (0)