Tối ưu hiệu năng game - Điện thoại thông minh sẽ “thông minh” hơn với AI

26/06/2018 07:00 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng tự học của máy móc (ML) là một trong những “chiến lược tiếp thị” hàng đầu của các hãng điện thoại nói riêng và công nghệ nói chung. Một số điện thoại thông minh hiện tại còn được trang bị cả vi xử lý có AI riêng. Nhưng cụ thể, các thiết bị này sẽ “thông minh” hơn như thế nào?

Về tổng thể, một vi xử lý (CPU) truyền thống được sinh ra để thực hiện các tác vụ tính toán. Các tác vụ tính toán trên điện thoại thường khá đơn giản, nhưng với việc các ứng dụng nặng xuất hiện ngày một nhiều, các thiết bị này đòi hỏi phải có nhiều nhân với tốc độ xung nhịp lớn để giải quyết mượt mà các tác vụ. Đặc biệt là đối với game, các vi xử lý tính toán còn phải kết hợp với vi xử lý đồ họa để đưa ra các trải nghiệm nghe nhìn tốt nhất. Để hệ thống có thể hoạt động mượt mà, người dùng phải tùy vào cấu hình phần cứng của mình mà sử dụng sao cho hợp lý. Đơn cử, nếu quá ít RAM, không thể thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc, bởi lượng RAM ít ỏi này sẽ không giữ được nhiều ứng dụng, và khi quay trở lại, chắc chắn bạn sẽ phải khởi động lại ứng dụng. Việc tích hợp AI sẽ giúp hệ thống của bạn được tự động quản lý tốt hơn, tránh các hiện tượng trải nghiệm không mượt mà.

 

Vi xử lý đồ họa với khả năng tự học

 

Các vi xử lý đồ họa của máy tính có khả năng tính toán rất mạnh. Phần lớn các tác vụ nặng phải sử dụng đến sức mạnh của vi xử lý đồ họa để giải quyết, như chơi game, xử lý dữ liệu, biên tập hình ảnh...

Điện thoại thông minh của chúng ta không bỗng dưng trở nên “thông minh” sau khi được lắp trí tuệ nhân tạo vào. Chúng được “dạy”. Quy trình khá đơn giản, lần đầu tiên bạn chụp một tấm hình trên điện thoại, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt bạn là “người lạ”. Hệ thống sẽ hỏi bạn đây là ai, và sau khi được nhận diện, nó sẽ có hình ảnh đầu tiên để ghi nhớ. Quy trình này được lặp lại liên tục đến khi chiếc điện thoại của bạn có thể “tự tin” nhận ra được bạn ở bất kì góc ảnh nào.

Không chỉ tự học hình ảnh, các vi xử lý AI còn có thể học được thói quen của bạn, như cách bạn sử dụng điện thoại như thế nào, các ứng dụng nào bạn thường xuyên sử dụng, vào khung giờ như thế nào... để có thể đưa ra các gợi ý hoặc tự động tinh chỉnh cũng như tối ưu hóa hệ thống phần cứng để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

 

Phần mềm

 

Không chỉ có phần cứng, các hãng sản xuất điện thoại cũng đã tích hợp AI vào hệ điều hành của mình, như Android 8.1 chẳng hạn. Trước đây, các nhà phát triển phần mềm phải tự tích hợp AI được phát triển bởi bên thứ 3 vào trong ứng dụng của mình. Trên Android 8.1, Google đã cung cấp bộ mã nguồn (API) cho phép lập trình viên có thể trang bị khả năng tự học cho các phần mềm của mình. OPPO đã giới thiệu hệ điều hành ColorOS 5.0 được phát triển dựa trên nền Android 8.1, qua đó đem lại khả năng tích hợp AI sâu rộng, không chỉ ở lĩnh vực chụp ảnh, mà còn ở hiệu năng của máy cũng như các tối ưu hệ thống dành cho trải nghiệm game. Bên cạnh việc đem lại trải nghiệm ứng dụng mượt mà, ổn định hơn, trợ lý ảo đi kèm của ColorOS 5.0 trên OPPO cũng giúp bạn sử dụng thiết bị linh hoạt, và hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.