Tôi viết nhàn đàm

16/12/2005 13:48 GMT+7

Tôi đang ung dung ngồi uống trà vừa nhìn ngắm mùa thu trước ban công, thì nhận được điện thọai của chị Kim Cúc cho biết rằng tòa soạn Báo Thanh Niên muốn tôi đóng góp một bài trong tập sách kỷ niệm 20 năm. Tôi bối rối toan tìm cớ thoái thác rằng từ lâu tôi sống ở Huế, không hề cập nhật với tình hình của tòa soạn cũng như chuyện buồn vui của xã hội, bỗng nghe giọng chị Kim Cúc cười to ở đầu dây: “Bộ anh không tự online sao ? Cứ tường thuật lại công việc Nhàn đàm của anh thôi, bạn đọc cũng đã muốn nghe”.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi bèn nhanh nhảu nhận đơn đặt hàng. Xưa nay Báo Thanh Niên đối với tôi là chỗ ân sâu nghĩa nặng, anh em coi tôi như người nhà. Số là, từ giữa năm 1991, sau khi thôi nhiệm vụ ở Tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị), tôi tìm vào Sài Gòn định viết báo để kiếm sống. Và tôi không hổ thẹn chút nào khi dám nói rằng tôi viết báo để kiếm tiền. Bởi vì theo tôi nghĩ, ai cũng cần có một nghề để sống, và nếu sống được bằng nhuận bút cũng đã là trong sạch lắm rồi, bởi tiền nhuận bút là do bạn đọc duyệt, không phải muốn bao nhiêu cũng được. Hồi ấy quả là lúc tôi đang lúng túng, vì  phải kiếm tiền lo cho hai  con ăn học, trong khi lương bổng của vợ chồng tôi thực chẳng đáng kể vào đâu.

May sao lúc ấy có anh Thái Ngọc San là đại diện của báo Thanh Niên ở Huế, bạn cũ của tôi hồi phong trào học sinh - sinh viên Huế. Gặp tôi trong cơn bĩ, hình như anh San lấy làm ái ngại, đem chuyện ấy phản ảnh với anh Nguyễn Công Khế; và rốt cuộc tôi được triệu vào Sài Gòn đầu quân cho báo Thanh Niên. Anh Khế đề nghị tôi nghĩ ra một chuyên mục cho báo Thanh Niên (hồi đó ra mỗi tuần ba kỳ), và tôi sẽ trực tiếp viết cho chuyên mục ấy.

Nhân đây, tôi thấy cần mở ngoặc nói một lời trung thực về chất thanh niên ở anh Nguyễn Công Khế: ngoài tính khí sẵn sàng “đâm mấy thằng gian”, anh Khế còn có tính cách khí khái, hào hiệp, hay giúp đỡ anh em trong hoạn nạn. Từ ngày tôi bị bạo bệnh, Thanh Niên vẫn tiếp tục giữ tên tôi trong sổ lương của tòa soạn. Số tiền 400 ngàn hàng tháng cũng đỡ một phần trong sinh hoạt của tôi.

Tôi nghĩ đến chữ Nhàn đàm vì chẳng qua đó là những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, viết với giọng pha đôi chút hài hước của một nhà văn nheo mắt nhìn cuộc đời. Chuyện hài hước này rất quan trọng đối với tôi, vì từ lâu anh em nhiều người vẫn quở rằng tôi là kẻ… không biết cười. Chết thôi, để mất đi nét khuyến mãi này trên gương mặt, thì lấy chi mà giao lưu với đời ? Từ Nhàn đàm đã ra đời từ đó. Nghĩa là nó không có gì quan trọng. Chỉ giúp tác giả (là tôi) có một chiếc mặt nạ pha hề nhằm đối đãi với người chung quanh, làm dịu đi cái nét khó đăm đăm trên bộ mặt của tôi.

Ban đầu, Nhàn đàm chỉ nhằm một mục đích giản đơn như vậy. Ngờ đâu lâu ngày chầy tháng, nó đã tụ hội lại thành một mảng văn chương thích hợp với khẩu vị của nhiều người; và nhà phát hành Phương Nam đã in riêng chúng thành tập số Một trong bộ tuyển tập của tôi. Đồng thời, nhiều tờ báo khác - tôi nhớ khá nhiều - đã mời tôi mở chuyên mục Nhàn đàm trên báo của họ, trong đó có tờ Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam. Tạp chí Văn Nghệ Trẻ cũng định xây dựng chuyên mục Nhàn đàm hồi tôi lang thang ở Hà Nội, nhưng rồi được bốn năm số thì tôi lại bỏ dở, vì phải cơn bạo bệnh.

Nguyên trước khi lên rừng, tôi đã có viết lách chút ít. Truyện ngắn đầu tay của tôi tên là Vườn cỏ ngủ yên, in ở báo Mai Sài Gòn. Lên rừng, tôi làm lại từ đầu, với tập truyện ký Rất nhiều ánh lửa, giải thưởng văn xuôi hàng năm của Hội Nhà văn, hồi ấy do nhà văn Nguyễn Tuân làm giám khảo.

Khi tôi đặt chân ra Hà Nội (1973), làm quen với môi trường văn học ở ngoài ấy thì thấy mọi người đánh giá rất thấp thể ký, cho rằng ký là một thể lọai văn chương thứ cấp (sour - littéraire), chỉ đáng để viết nhì nhằng trên báo chí, gọi là để phản ánh kịp thời; còn nếu viết sâu hơn nữa, thì không phải là ký. Tôi không công nhận một cách nhìn thể ký như vậy. Tôi sẽ vừa viết đúng sự thật, vừa cố gắng viết cho sâu.

Tôi đã lớn lên trong thời kỳ đất nước đánh giặc, những sự thật hào hùng cứ diễn ra ngồn ngộn xung quanh tôi. Vì muốn cái mà tôi viết ra sẽ được bạn đọc ưa thích, đồng thời họ cũng được đảm bảo rằng những việc đó chắc chắn là có thực. Tính “người thật việc thật” của ký đối với tôi quan trọng ở mức đó, và cả tiểu thuyết cũng không thể thay thế được. Vì thế, tôi cho rằng đọc ký có cảm giác “sướng miệng” hơn, giống như cảm giác của một người được tiêu một đồng tiền không phải bị lạm phát, mà được bảo chứng bằng vàng ở ngân hàng.

Đó chính là lý do tôi yêu thích thể ký. Tôi có một anh bạn văn thường tỏ ra rất sùng bái truyện ngắn. Mọi chuyện xảy ra trong quân đội anh đều ghi chép lại hầu như  nguyên xi, chỉ cần “uốn éo” đôi chút rồi gọi là “truyện ngắn”. Còn tôi thì cứ “uốn éo” đôi chút để gọi là bút ký.

Lúc ban đầu Nhàn đàm được tôi sử dụng hoàn toàn tự do: là những mẩu chuyện nho nhỏ hàng ngày được ghi chép lại, tức là những mẩu chuyện phúng thế - hài đàm, trong lúc thù ứng với nhau quanh chiếu rượu, với thi pháp mang tính chọc cười. Nhưng chỉ có năm, ba mẩu  ban đầu; sau đó mọi bài Nhàn đàm đều là những bút ký thu nhỏ. Vì thế, tôi gọi Nhàn đàm là những “bút ký cực ngắn”, chỉ hàm chứa một ý tưởng chủ đạo, và được đăng ở báoThanh Niên. Nếu bảo rằng một mảng của sự nghiệp văn chương của tôi là được trồng trọt trên mảnh đất của báo Thanh Niên, thì đúng là như thế.

Xin tiếp tục đề tài này. Lúc đầu tôi định nộp cho Tổng biên tập năm bảy mẩu một lúc, cứ nghĩ rằng sẽ bị lọai bỏ bốn năm mẩu. Không ngờ đọc xong, anh Nguyễn Công Khế khen hay và cho in tất cả, trong đó có cả bài Đôi dép Empédocle. Tôi tin rằng anh Khế là một tổng biên tập có bản lĩnh, suy rộng ra là đất Quảng Nam đã sản sinh cho đất nước nhiều nhà báo có bản lĩnh. Thời tiền chiến có Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng đều là những nhà báo bản lĩnh, thời tôi có thể kể các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng… cũng đều là những nhà báo quá giỏi. Đúng là “đất có lề quê có thói”.

Nhàn đàm gắn liền với đôi mắt nhìn cuộc đời của nhà báo, cuộc sống đi tới đâu thì Nhàn đàm tới đó. Nó cũng giống như bút ký gắn liền với đôi chân xê dịch của nhà văn. Hồi đó tôi có ý định đi thăm một số địa điểm mà tôi cho rằng bất cứ người Việt Nam nào cũng phải đến, thí dụ Điện Biên Phủ. Tôi bắt đầu từ núi Bài Thơ ở Quảng Ninh, tôi viết với một chút se lòng, với một lời nhận lỗi trước lịch sử (vì bây giờ mới đến), mở đầu cho loạt bài Nhàn đàm mới ở báo Thanh Niên. Ai ngờ chỉ mới đến núi Hồng Lĩnh thì tôi bị tai biến, hôn mê mất ba tháng. Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy gương mặt tươi cười của anh Nguyễn Công Khế bên giường.

Trong loạt bài Nhàn đàm này, tôi có viết về cây đa Tân Trào, chưa biết sẽ gửi đường dây nào cho kịp báo ở Sài Gòn sắp ra. Nào ngờ ở ngay Tân Trào cũng có một cơ sở bưu điện nho nhỏ, đứng tịch mịch giữa rừng. Tôi đã gửi bài theo tuyến bưu điện ấy, và có lẽ lần duy nhất một bài báo đã đến với báo Thanh Niên với một con dấu bưu điện ở Tân Trào. Tôi nghĩ rằng Nhàn đàm đúng là một thể loại văn học của Người ham chơi.

Trên đây là một ít kỷ niệm với báo Thanh Niên luôn làm tôi ấm lòng. Vì vậy tôi định sẽ kết bạn với Thanh Niên cho đến cuối đời. Nhưng đó mới chỉ là nói về chuyện bài vở. Còn về những mặt khác thì phải nói rằng Thanh Niên là một tờ báo lẫy lừng ở trong nước.

Vừa làm báo, Thanh Niên vừa xông xáo trên nhiều lĩnh vực xã hội: Thanh Niên vừa tặng học bổng cho học sinh nghèo, vừa xây cầu cho những thôn làng hẻo lánh; vừa xây nhà tình thương cho những mẹ Việt Nam anh hùng, vừa xây trường cho quê hương đồng chí Nguyễn Chí Thanh, lại còn đưa cả đòan Duyên Dáng Việt Nam đi biểu diễn ở Úc, tổ chức giải bóng đá trẻ để đi thi đấu quốc tế.

Tôi đã có dịp điểm lại báo Thanh Niên trong kỷ niệm mười năm. Và bây giờ là hai mươi năm. Chỉ xin gọn một lời, là “lẫy lừng”. Cũng xin lưu ý một chút là Thanh Niên sẽ luôn phải xứng đáng với nhân dân, bằng cách không bỏ sót trên mặt báo bất cứ  nguyện vọng bức xức nào của nhân dân. Báo Thanh Niên sẽ xứng đáng là người thừa kế của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế: “trên đe, dưới búa” như vậy, mà cụ vẫn giữ  vững tờ Tiếng Dân suốt 17 năm trời. 

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.