Ăn Tết sớm với Vừ Già Pó

21/01/2016 09:21 GMT+7

Pó chỉ vào bụng vợ: “Tôi lưu lạc mất hai năm, tưởng tôi đã chết, Lía ở nhà tháo vòng ra, tôi về một cái, có chửa luôn”. Pó cười hà hà, Lía cười tủm tỉm, bọn trẻ con cũng cười vang.


“Thánh phượt” Vừ Già Pó, người đàn ông dân tộc Mông một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, một mình đi lạc 5.800 km sang tận Pakistan gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi.
Những ngày cận Tết này làm tôi nôn nao nhớ Hà Giang. Trước Tết nguyên đán 2015, tôi đăng ký với tòa soạn sẽ lên xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang để tìm Vừ Già Pó, xem anh đón một cái Tết đoàn tụ đầu tiên với gia đình sau hai năm lưu lạc ra sao.
Vợ chồng nhà Pó đi đâu cũng có nhau
Tôi đi xe khách giường nằm từ Hà Nội, xe đi trong đêm, tới thành phố Hà Giang là tờ mờ sáng. Lại bắt tiếp một xe khách nữa, loại 24 chỗ, “cùi bắp” hơn, nhiều đoạn xóc đến suýt đập đầu vào thành ghế trước, để lên thị trấn Mèo Vạc. Tới nơi đã là giữa trưa, tôi đói lả người, tìm bát bún lót dạ trong cái lạnh lẽo tê tái của miền núi đá.
Trước đó, tôi nhờ một người bạn làm ở Tỉnh đoàn Hà Giang liên hệ trước với cán bộ đoàn xã Khâu Vai, hẹn giúp tôi Vừ Già Pó ở nhà. Thế nhưng điện thoại di động miền núi cao bập bõm, cuộc được cuộc không, gọi mãi mới thấy anh nghe máy. Anh ngập ngừng bảo, Pó chẳng có nhà, vợ con Pó cũng đi đâu mấy ngày hôm nay, nhà khóa cửa. Tôi tặc lưỡi: “Đi vài trăm cây số tới tận đây, giờ còn mấy chục cây số nữa là tới đích rồi mà bỏ cuộc là sao. Phải đi chứ”, và tìm một ông xe ôm đứng đứng tuổi, rành tiếng Mông, vừa làm tài xế, vừa làm thông dịch viên giúp.
Vài chục cây số từ thị trấn Mèo Vạc tới xã Khâu Vai cảm giác xa muôn dặm khi toàn đường núi, những con đường xiên xiên như xương cá len lỏi trong núi, trong mây. Có những đoạn một bên là núi đá tai mèo lởm chởm, một bên là vực thẳm, cảm giác ông xe ôm yếu tay lái, cả hai chúng tôi sẽ ngã xuống và chẳng tìm thấy xác đâu giữa bao la này.
Mèo Vạc những ngày ấy lạnh lẽo tê người. Tôi mặc hai áo khoác, ba áo len, đầu trùm kín mũ, giầy, tất, găng tay vẫn thấy cứng người vì lạnh. Một chiếc máy ảnh khoác ngang cổ, sẵn sàng chụp ảnh bên đường. Tôi nhớ trước Tết khoảng hai tuần lễ, đào, mận nở trắng đồi núi. Những vạt cải người dân trồng xen trên những khoảnh đất hiếm hoi nở bung một màu vàng tươi tắn. Vài em bé Mông khoác trên người tấm áo mỏng manh vừa lùa đàn dê, vừa cười khanh khách trêu nhau. Trong cái rét, lạnh, bồn chồn, lo lắng tìm đường về nhà Vừ Già Pó, những khoảng khắc ấy khiến tôi thấy ấm lòng.
Đi đến chiều thì chợ Khâu Vai cũng hiện ra, “đây là nơi diễn ra chợ tình Khâu Vai hằng năm”, ông xe ôm bảo. Tôi không cần chợ tình, tôi chỉ muốn biết nhà Vừ Già Pó nơi đâu.
Gia đình Pó ở trong một căn nhà lúp xúp bên đồi
Một người phụ nữ đang bế con chỉ cho chúng tôi căn nhà lúp xúp phía bên kia quả đồi và nói, “Pó”. Tôi thở phào. Ơn giời, nhà Pó đây rồi!
Con trai thứ của Vừ Già Pó hóa ra là cậu bé đi trước chúng tôi vài bước chân, thằng bé tên Vừ Mí Súa nói vài câu tiếng Mông, đại ý là “đi theo cháu”.
Nhà Pó nằm lưng chừng núi, căn nhà lợp ngói fibro xi măng, xung quanh chất toàn củi, có một chuồng ngan ở bên phải nhà, chuồng gà thì ở ngay sau nhà, chỉ cần lật vài thanh gỗ thì có thể vung thóc cho gà ăn. Ánh sáng chiều đông không len vào căn nhà được bao nhiêu, trong không gian nửa sáng nửa tối, nhìn rõ những chùm ngô treo lủng lẳng và những trái bí ngô bò lăn lóc khắp sàn.
Li Thị Lía đến nay đã có đứa thứsáu rồi
Vừ Mí Súa đi gọi bố mẹ. Tôi đứng trên sườn núi, nhìn xuống dưới, thấy Pó dắt tay vợ đi chậm rãi trên một cánh đồng vàng rực hoa cải. Vợ Pó, Li Thị Lía mặc một chiếc váy thổ cẩm, một chiếc áo xanh, bụng đã lùm lùm, đứa con thứ sáu nhà Pó sắp chào đời trên cao nguyên đá.
Chúng tôi trò chuyện say sưa bên bếp lửa đỏ hồng. “Thi thoảng mới được ăn thịt thôi, còn lại toàn ăn đòn”, “Tôi cứ đi thôi, đi mãi, đi mãi, chỉ biết tả với người ta, mình cần tìm núi rồi cứ núi mà đi”, “Hôm được về Khâu Vai, vợ khóc, con khóc, mình cũng khóc. Không đi Trung Quốc nữa đâu”, Pó nói tiếng Kinh bập bõm. Ông xe ôm - thông dịch viên giúp tôi - thi thoảng lại cười sảng khoái. Ông quay sang tôi nói khẽ: “Trời đất, Hà Giang có cái anh chàng này hay ho thế mà giờ tôi mới biết”.
Pó hút thuốc lào sòng sọc, Lía nhìn chồng cười âu yếm, lâu lâu mới nói thêm vài câu nho nhỏ. Pó rất thật thà chỉ vào bụng vợ: “Tôi lưu lạc mất hai năm, tưởng tôi đã chết, Lía ở nhà tháo vòng ra, thế là tôi về một cái, có chửa luôn”. Pó cười hà hà, Lía cười tủm tỉm, bọn trẻ con cũng cười vang.
Pó bảo bọn trẻ đi chợ, chúng xách về khoảng hai ống bơ gạo trắng để thổi cơm rồi bắt một con gà nặng khoảng 1 kg trong chuồng để cắt tiết.
Quân số nhà Pó đang tăng trưởng nhanh
Pó và Lía một mực bảo chúng tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi nhìn đàn con bốn đứa nhà Pó đang mắt háo hức, chầu chực quanh con gà nhỏ xíu, cả nhà sáu miệng ăn nhưng chỉ có một ít gạo thì từ chối. Lúc tôi mới tới nơi, Pó kể, thời gian khó khăn, có khi cả ngày cả nhà ăn mèn mén (bột ngô xay), bí đỏ luộc cho qua bữa.
Tôi lì xì một ít tiền cho Vừ Mí Súa và xoa xoa vào chiếc bụng của Lía, ý bảo chị cố gắng ăn nhiều để con khỏe. Lía cười bẽn lẽn, cả nhà vẫy vẫy cánh tay chào, cho đến khi chúng tôi đi khuất.
Một năm trôi qua, hôm vừa rồi tôi mở máy điện thoại, tìm số cha con Pó và Súa để gọi hỏi thăm thì đều thấy tín hiệu “tò tí te”. Tôi gọi về xã, ông Nông Văn Ngay, Phó chủ tịch xã Khâu Vai, cười: “Nhà Pó vẫn ở Khâu Vai, đi làm thuê ở trong xã với huyện thôi, cho tiền cũng không dám đi Trung Quốc nữa đâu. Pó mới có thêm một thằng con trai, kháu lắm”. A, vậy là đứa con thứ sáu của Pó đã chào đời, sắp nối gót cùng anh chị nó đi khắp cao nguyên đá rồi đấy. Tết này, chợ Khâu Vai lại có một gia đình rồng rắn đi chợ xuân, uống rượu ngô, ăn thắng cố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.