Đi tìm hoa cho Nụ

14/04/2016 08:36 GMT+7

Trong đêm nhạc tặng Nụ, chị giản dị, như bao ngày chúng tôi gặp chị ngoài đời thường. Một chiếc quần kaki, một áo sơ mi tím đã phai màu, tóc buộc lại phía sau, đôi giày đen, và dáng đi cà nhắc từng bước một.

Vậy là đêm nhạc ủng hộ cựu vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ đã diễn ra thành công hôm 12.4 , hơn 210 triệu đồng đã được quyên góp giúp Nụ trang trải viện phí cho hai ca phẫu thuật chân sắp tới.
Từ trái qua: Thúy Vinh, Nguyễn Thị Nụ, Thúy Hiền và ca sĩ Thu Trang, người mang đến đêm nhạc ủng hộ giúp Nụ - Ảnh: Lê Nam
Hôm qua, lúc Nụ đứng trên sân khấu, nhận cái nắm tay rất chặt của nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, của ca sĩ Thu Trang, của chị em nhà vô địch wushu Thúy Hiền, Thúy Vinh, chị sắp khóc: “Tôi có cảm giác như mình đứng trên một bục cao và lá quốc kỳ Việt Nam đang được kéo lên”.
Lúc nói chuyện riêng, Nụ bảo, chị cảm ơn Báo Thanh Niên, cảm ơn bài viết Nước mắt ngày 8.3: Bông hoa nào cho Nguyễn Thị Nụ cho chị cơ hội ngày hôm nay. Chúng tôi bảo không, chị phải cảm ơn những bạn đọc của áo Thanh Niên, cảm ơn hơn nữa là ca sĩ Thu Trang, chị Thúy Hiền, Thúy Vinh đã đọc báo và đồng cảm với nỗi đau của chị và chung tay san sẻ.
Trong đêm nhạc tặng Nụ, chị giản dị, như bao ngày chúng tôi gặp chị ngoài đời thường. Một chiếc quần kaki, một áo sơ mi tím đã phai màu, tóc buộc lại phía sau, đôi giày đen, và dáng đi cà nhắc từng bước một. Cái chân vẫn hành hạ chị. Cuộc đời còn rất dài, cơn đau trong chị thì sắp kết thúc rồi. Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, bệnh viện Xanh Pôn, người sẽ mổ chính cho chị hôm 14.4, nói như vậy. Nếu trời thương, 6 tháng sau, chị sẽ tiếp tục lần phẫu thuật thứ hai, và ác mộng một bên chân liệt sẽ không còn ám ảnh chị nữa.
Niềm vui của những người làm công việc viết lách như chúng tôi giản đơn là thế, không chỉ là bài được đăng trên mặt báo, mà là những con chữ đã giúp nhân vật có thêm những niềm hạnh phúc trong cuộc đời vốn dĩ đã rất chông gai và nhọc nhằn của họ.
       Nguyễn Thị Nụ sẽ được mổ chân - Ảnh: Thúy Hằng
Tôi đã từng gặp nhà vô địch SEA Games Vũ Thị Bích Hường trong một căn nhà đang thiếu nợ ngân hàng hơn 270 triệu đồng của chị. Người phụ nữ gắn bó hết tuổi trẻ của mình với thể thao có chồng mất sớm vì ung thư, con nhỏ thì bệnh bẩm sinh, bản thân bỗng dưng bị tai nạn giao thông đã lết từng bước trong nỗi đau cô độc.
Nhờ sự lên tiếng của báo chí, chị Hường đã được các đơn vị, cá nhân khắp nơi trong nước, nước ngoài ủng hộ, số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ để chị trang trải nợ nần và đi châm cứu, bấm huyệt, phục hồi sức khỏe.
Vài năm trước, một lần tới Bệnh viện Thể thao Việt Nam, chúng tôi vô tình gặp cựu đô vật Lê Thị Huệ đang phục hồi chức năng tại đây. Nữ vận động viên quê Thanh Hóa bị chấn thương đốt sống cổ trong lúc tập huấn, đành chấm dứt sự nghiệp thể thao của mình ở tuổi đôi mươi và gửi cậy cuộc đời mình vào mẹ già. Nhiều người xem truyền hình, đọc báo, biết tin, cũng ủng hộ Huệ tiền, quà bánh. Nhưng sự ủng hộ thấm vào đâu với cuộc đời một cô gái từng có lúc tưởng chết hoặc bất động suốt đời?
Những đêm nhạc, những món quà, sự động viên vật chất tinh thần của những tấm lòng khắp nơi với những người cống hiến cho những tấm huy chương là một điều nên làm và khuyến khích cần được làm nhiều hơn nữa. Thế nhưng, không thể chỉ mãi trông chờ vào lòng tốt của thế gian. Cái mà những vận động viên và người nhà của họ cần, là một sự chăm lo chu đáo, công bằng, tương xứng của nhà nước với những hi sinh quá lớn của họ.
Đêm 12.4, trong đêm nhạc của Nguyễn Thị Nụ, không phải ngẫu nhiên, trên sân khấu, giữa rất nhiều ống kính máy quay, ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nhắc đến chuyện ông từng đi dự đám tang của 3 nhà vô địch thể thao Việt Nam, những sự ra đi khi tuổi đời họ còn rất trẻ, vì thể thao. Ông Minh cũng nhắc đến chuyện, tại Olympic Moscow năm 1980, ông có mặt ở nước Nga và chứng kiến chính quyền đất nước này lúc bấy giờ tổ chức lễ tri ân trang trọng cho một nữ vận động viên bị ngã gãy xương sống phải ngồi trên xe lăn, trước toàn thể nhân dân, các bác sĩ hứa sẽ chăm sóc tốt nhất cho cô gái.

Bích Hường, nữ hoàng điền kinh một thời của Việt Nam, được san sẻ nhiều nhờ sự lên tiếng của báo chí - Ảnh: Lê Nam

Tôi viết đến đây và nhớ đến ánh mắt của mẹ cựu đô vật Lê Thị Huệ khi đã 75 tuổi vẫn nhìn con run rẩy tập đi. Tôi nhớ đến hai khuỷu tay thâm đen của Vũ Thị Bích Hường khi phải bò và chống tay xuống sàn nhà thời gian dài để tự xúc đồ ăn, nhớ cả 4 vết sẹo sâu hoắm trên đầu gối chân phải của Nguyễn Thị Nụ sau 4 lần phẫu thuật. Nhớ và thương các chị.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.