Họ là vợ, con, cháu của những người lính Nhật, sau năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công đã gia nhập Việt Minh, hỗ trợ bộ đội Việt Nam sử dụng vũ khí, khám chữa bệnh..., sau đó lấy vợ Việt Nam.
Hoàn cảnh lịch sử buộc những gia đình Việt - Nhật ấy phải ly biệt sau năm 1954 và 1960, khi những người đàn ông Nhật Bản hồi hương. Nhiều người phụ nữ không được sang Nhật cùng chồng, đành ôm con, ôm nỗi thương nhớ chồng biền biệt hàng chục năm, có người đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa được nhìn thấy chồng lần cuối.
Nhà vua, hoàng hậu Nhật Bản, trong chuyến thăm Việt Nam (diễn ra từ 28.2 đến 5.3.2017) với nhiều hoạt động ý nghĩa, đã dành một buổi trưa thân mật để lắng nghe, chuyện trò cùng những vợ, con, cháu của những gia đình này.
|
Buổi gặp gỡ không ồn ào, không phô trương. Các thành viên của đoàn Nhật Bản cũng như các phóng viên đến từ xứ sở hoa anh đào rất lịch thiệp. Họ nguyên tắc, đúng giờ, trật tự nhưng không hề gây ra sự khó chịu cho những người bên cạnh.
Trong hội trường được trải thảm của khách sạn Sheraton ven hồ Tây, Hà Nội, không có micro, không giàn âm thanh, không có những chiếc ghế, bàn ngăn cách và xa lạ, nhà vua và hoàng hậu đến tận bên thân nhân những người đàn ông Nhật Bản năm nào, cúi đầu chào và khẽ khàng thăm hỏi.
Tôi là một phóng viên may mắn được đứng sát bên cụ bà Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi và được lắng nghe toàn bộ cuộc hội thoại giữa hai người phụ nữ, một người vợ của người lính Nhật và một người vợ của người đứng đầu hoàng gia Nhật Bản.
“Tôi biết đến câu chuyện của bà trước khi sang Việt Nam. Bà thật vất vả quá. Tôi mong bà luôn mạnh khỏe”, hoàng hậu Michiko, năm nay 82 tuổi, quỳ hẳn xuống thảm, cúi đầu chào bà Nguyễn Thị Xuân đang ngồi trên ghế tựa, đôi tay hoàng hậu nắm chặt đôi tay người nông dân lam lũ.
tin liên quan
Nhà vua Nhật Bản cúi người trước vợ Việt Nam của người lính NhậtTrưa nay, 2.3, tại Hà Nội, nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đã có buổi thăm hỏi những gia đình Việt - Nhật đang sinh sống tại Việt Nam.
Hoàng hậu vẫn quỳ gối trên thảm, ân cần thăm hỏi cuộc sống của bà Xuân và các con sau khi chồng bà trở về nước Nhật. Bà Xuân rưng rưng kể lại chuyện đời mình, mòn mỏi nuôi 3 con và đợi chồng suốt 52 năm, bên cạnh bà, các con trai và con gái lấy vạt áo chấm nước mắt.
“Tôi cũng là một phụ nữ, tôi rất đồng cảm và chia sẻ với bà về những tháng ngày cay đắng mà bà từng trải qua. Tôi cảm phục nghị lực của bà để vượt qua những khó khăn ấy”, hoàng hậu Michiko đáp lời và rơi lệ.
Cũng như người vợ của mình, nhà vua Akihito, 83 tuổi, khi đứng trước những người vợ, con, cháu của những người lính Nhật năm xưa đều cúi đầu chào trang trọng. Ông nắm tay những người già, hỏi thăm những người trẻ, luôn luôn lắng nghe chăm chú những nhắn gửi, những lời chúc của người đối diện. Trước một người đàn ông tuổi đã cao nhưng có thể nói và thăm hỏi mình cùng hoàng hậu bằng tiếng Nhật trực tiếp không qua thông dịch viên, nhà vua tỏ vẻ rất vui mừng, xúc động.
|
Buổi gặp gỡ, trò chuyện diễn ra trong khoảng hơn 30 phút, ấm áp, thân tình như những người ở xa lâu ngày gặp lại trong một gia đình. Tôi nhìn thấy những nụ cười tỏ ý ngưỡng mộ của những phóng viên các hãng thông tấn Anh, Mỹ, cả những cái gật đầu trầm trồ của những đồng nghiệp Việt Nam đứng bên cạnh mình: “Người Nhật luôn lịch thiệp và trang trọng, dù là ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Họ sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với quá khứ”.
Lịch sử luôn là lịch sử, đối mặt với nó là những câu chuyện của tình người, sự nhân văn và bao dung. Những gia đình mang trong mình hai dòng máu Việt Nam - Nhật Bản đến hôm nay luôn tự hào và mãn nguyện khi mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng thân thiết và tốt đẹp.
Như con trai của một người lính Nhật nói với chúng tôi trước khi rời Sheraton để trở về nhà: “Mẹ tôi ốm nặng, không thể di chuyển. Giá như hôm nay mẹ tôi được đến đây. Tôi sẽ về kể cho mẹ nghe, hoàng hậu đã khóc khi nghe một bà vợ Việt Nam kể chuyện chờ đợi chồng suốt 52 năm, và bà luôn khâm phục những người phụ nữ Việt Nam, như mẹ”.
tin liên quan
Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 2: 'Tôi phải về vì một tương lai Việt - Nhật'“Tôi phải về Nhật vì một tương lai Việt Nam - Nhật Bản đoàn kết, Lộc cứ yên tâm ở lại”, đó là những lời cuối cùng ông Takazawa Tamiya, tên Việt Nam là Cao Thành Phương nói cùng vợ, cô gái Hà Nội tên Lương Thị Nhàn, thường gọi là Lộc.
Bình luận (0)