'Nên trồng xương rồng ở vườn hoa Hà Nội'

03/01/2016 08:55 GMT+7

Chuyện hái hoa, bẻ cành, bưng trộm hoa, trèo rào, xả rác… trong những dịp lễ lớn ở Hà Nội cứ đến hẹn lại lên, để những người cùng làm nghề viết lại hỏi nhau, “đã đi chụp ảnh trèo rào chưa?”, “đã chụp ảnh phá hoa chưa?”.

Buổi tối đầu năm, tôi mở bài Hàng nghìn người san phẳng vườn hoa Hồ Gươm sau đêm giao thừa và đọc hàng trăm bình luận của độc giả, cuối bài viết và trên fanpage Báo Thanh Niên.
Vườn hoa đẹp bên Hồ Gươm hôm nào
"Nên trồng xương rồng ở vườn hoa Hà Nội, cho hết dám giẫm đạp luôn”; “Tôi đề nghị nên trồng thật nhiều cây mắt mèo vào các bãi cỏ, thảm hoa. Tôi dám cá là sẽ không một ai dám đi vào đám cây mắt mèo ấy nếu không muốn bị ngứa tối tăm mặt mày, mà càng gãi thì nó càng ngứa, ngứa đến tóe máu ra”; “Trồng hoa gì cũng được nhưng ngày lễ lớn công ty cây xanh nhớ rải bàn chông bằng đinh vào khu vực trồng hoa để bảo vệ cảnh quan của Thủ đô”…, ấy là bạn đọc “hiến kế”. 
Giờ đã bị san phẳng
Tôi đọc, đưa bạn bè cùng đọc, ban đầu là cười mỉm, cười lớn, sau đó là những tiếng thở dài chua chát. 
Tôi đến Hồ Gươm vào sáng ngày đầu tiên của năm mới, đi một vòng hồ, không nhận ra điều gì bất thường lắm trong những ô đất để trồng hoa ven hồ, trừ một hai luống hoa có những vết giày (năm nào cũng thế mà). 
Người qua lại Hồ Gươm đông như mắc cửi. Nhiều thanh niên còn nhảy cả vào những luống đất để chụp ảnh. Tôi giật mình, tự hỏi sao lại có những ô đất trống trơn này ven hồ trong ngày đầu tiên của năm mới? Chẳng lẽ mấy luống hoa hôm qua tươi thế mà người ta đã phải thay?
Tôi đi vòng quanh khu tượng đài Lý Thái Tổ và đếm được 7 ô đất trồng hoa, ô nhỏ nhất rộng khoảng 10 mét vuông, chỉ còn trơ đất, mà kỳ lạ là đất nhẵn, mịn, như được nện chặt bởi những dụng cụ chuyên nghiệp. 
Vài cọng hoa còn sót lại sau cuộc phong ba
Tôi bỗng nhận ra những bông hoa dạ yến thảo đứng run rẩy trong gió đông, nép dưới một tấm biển thông báo của UBND quận Hoàn Kiếm. Dăm bông hoa sắp lụi tàn, đám lá còn nguyên những vết dày xéo, nghiền nát từ các đế giày, chứng tỏ ở đây từng là một vườn hoa. Tôi nhìn kỹ hơn, trong đám đất đang nhẵn mịn kia là lờ mờ những xác cây bị chôn vùi.
“Chị ơi, hoa ở đây đã đâu hết cả?”, tôi hỏi một nữ công nhân mặc áo vàng của Công ty Thảo viên xanh Udic đang cuốc đất trong vườn. “Người ta giẫm nát hết rồi”, chị đáp.
“Vậy xác hoa thừa đâu ạ?”, tôi hoảng hốt. “Hoa lẫn trong đất luôn. Mọi năm còn phải thu dọn xác hoa gãy, hoa nát, còn năm nay thì không cần, người ta giẫm đạp đến mức chôn hoa luôn”, chị trỏ tay xuống thửa đất dưới chân mình rồi tiếp tục công việc làm mảnh đất tơi xốp sau một đêm bị nện chặt bởi hàng nghìn đôi chân của hàng nghìn con người.
Tôi gọi điện cho lãnh đạo Công ty Thảo viên xanh Udic, đơn vị thi công vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, người phụ nữ trẻ không giấu được sự chán chường, thất vọng trong giọng nói: “Chúng tôi, từ lãnh đạo tới nhân viên, ai cũng nâng hoa như nâng trứng, thế mà…”.
Cứ mỗi dịp lễ lớn, điệp khúc "bẻ hoa", "giẫm đạp" lại được ngân lên giữa thủ đô ngàn năm văn hiến
Chuyện hái hoa, bẻ cành, bưng trộm hoa, trèo rào, xả rác… trong những dịp lễ lớn ở Hà Nội, chúng tôi chẳng còn xa lạ. Nó như một dịp đến hẹn lại lên, để những người cùng làm nghề viết lại hỏi nhau, “đã đi chụp ảnh trèo rào chưa?”, “đã chụp ảnh phá hoa chưa?”. Nhưng, nó cũng như nhiều mũi gai hoa hồng đâm nhoi nhói khi đọc được những bình luận của bạn đọc gửi về, “ôi dào, người Hà Nội”, “người Hà Nội ngàn năm văn hiến lại thế à”, “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An là đây sao?”; “May quá, tôi đã sang Mỹ sống”…
Lại thở dài và ước một giao thừa Tết âm lịch không còn cảnh chen lấn, ngất xỉu, giẫm đạp, san bằng hoa cỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.