Bán vàng, mua rác

30/05/2016 05:11 GMT+7

Tình trạng bát nháo ở các 'chợ dược liệu' trong cả nước là hết sức đáng lo ngại. Xưa nay, người Việt ta hay dùng 'thuốc nam', 'thuốc bắc' với thái độ rất trân quý những loại dược liệu này.

Nhưng quả thật, ngay từ xưa, giá trị thật của những dược liệu dân ta hay dùng cũng chưa có điều kiện kiểm định dược chất cũng như những tác dụng phụ khi dùng chúng. Nhưng ngày xưa, thuốc nam ra thuốc nam, thuốc bắc ra thuốc bắc, đó đều là những loại thuốc thật, được chế biến từ những dược liệu thu hái đúng quy chuẩn, có “danh” hẳn hoi, và nhất là không bị “nhầm”, không bị chiết xuất hết tinh chất thuốc rồi mới bán.
Còn bây giờ… thì chính cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng dược liệu của Bộ Y tế cũng phải công nhận là không đủ “khả năng bao quát” để kiểm tra được tất cả các loại dược liệu được bày bán và được sử dụng. Như thế, coi như người bệnh chỉ nhắm mắt đánh cược sức khỏe và cả tính mạng mình cho sự rủi may khi mua dùng các loại thuốc đông y. Nhất là bây giờ, sau khi người mình tận thu tất cả các loại dược liệu có giá trị, thậm chí quý hiếm trong nước, để xuất khẩu sang Trung Quốc, rồi lại nhập khẩu qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc tất cả các loại dược liệu “rác rưởi”, thậm chí nhập những loại dược liệu đã bị người ta chiết xuất tới 2, 3 lần, chỉ còn trơ bã.
Bán “vàng” là nam dược quý hiếm của quốc gia mình, rồi nhập “rác” là những thải loại dược liệu của người ta, nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào của ta ngăn chặn, nên vì hám lợi, những người buôn bán dược liệu cứ làm, bất chấp mọi nguy hiểm mà “thần dược” của họ mang tới cho người bệnh. Đó không chỉ là lối kinh doanh bất lương, mà còn là kinh doanh phạm pháp, nếu chúng ta có luật nghiêm ngặt về kinh doanh dược liệu. Cứ cái đà này, thì ai còn dám liều mạng uống “thuốc nam” hay “thuốc bắc” nữa! Trong khi những vùng rừng núi vốn đầy dược liệu quý hiếm của nước ta bị khai thác một cách tàn bạo tới cạn kiệt để “xuất khẩu”, thì qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát, đang nhập về tất cả những loại dược liệu “đểu”, hoặc chỉ còn bã, hoặc là đồ giả, đầy nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Điều đó thực sự là đau lòng, chỉ có điều nó dường như chưa “động lòng” những cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý và kiểm định chất lượng dược liệu, nhất là dược liệu nhập về từ Trung Quốc. Khi người bán thuốc đông y hô “tiền nào của ấy” thì người mua lẽ ra nên sững sờ: nếu mình ít tiền thì sẽ mua phải cái gì? Kể cả khi nhiều tiền, chưa chắc đã mua được của thật, vậy thì làm sao chữa bệnh?
Hãy nghe cảnh báo của bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM: “Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dược liệu bị nhiễm tạp chất, có chứa chất bảo quản độc hại, kém chất lượng, dược liệu giả tràn lan. Giá cả thì biến động thất thường không ai kiểm tra, kiểm soát nổi”. Bác sĩ Hùng khuyến cáo người tiêu dùng “không nên tự ra thị trường mua và bốc thuốc”. Nhưng ngay khi có bác sĩ đông y kê đơn cho, mà ra chợ mua phải những loại đông dược như thế, thì sao nhỉ? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.