Đức tài là một nội hàm luôn được nhắc tới trong tiêu chí làm đảng viên Cộng sản, làm cán bộ nhà nước và làm người phụ trách các tổ chức trong hệ thống chính trị của chế độ ta. Lần này, BCH TƯĐ cũng bàn về đức tài để giới thiệu người vào BCH TƯĐ khóa X, tức là vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng nhiệm kỳ 5 năm 2006 - 2010. Tiêu chí đức tài đối với một ủy viên TƯĐ đương nhiên nghiêm khắc hơn tiêu chí ấy đối với cán bộ nói chung, nhất là, từ nhân sự của BCH TƯĐ sẽ có những đồng chí giữ cương vị thật cao trong Đảng và BCH TƯĐ sẽ giới thiệu những người Cộng sản ưu tú nhất đảm đương việc nước, việc xã hội - Đảng cầm quyền thể hiện ở chỗ đường lối lãnh đạo chung đất nước và thể hiện ở năng lực cùng phẩm chất của các thành viên nhận lãnh những trách nhiệm khác nhau, thường là trách nhiệm trọng yếu. BCH TƯĐ hiểu sâu sắc vấn đề này và toàn xã hội cũng hiểu sâu sắc như vậy. Hiểu sâu sắc có nghĩa là cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo, xét rất nhiều mặt trong một con người đảng viên được giới thiệu vào cấp Trung ương. Đến đây, vận nước và vận Đảng quyện chặt với nhau.
Hơn nữa, nhiệm kỳ 2006 - 2010 nối tiếp 30 năm nước nhà hoàn toàn giải phóng và thống nhất và 20 năm sự nghiệp đổi mới triển khai trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói như thế để thấy rằng một BCH TƯĐ trong nhiệm kỳ mới sẽ là một bước nâng cao những thành viên về đức và tài, không hề là chuyện “cấu trúc” lệ thường theo kỳ hạn 5 năm, bởi Việt Nam đang hội tụ những điều kiện bức thiết để sớm cất cánh trong khi tình hình chung trên thế giới không phải một mực êm ả, trong khi bản thân xã hội Việt Nam cũng đang chuyển động đan xen giữa mặt tích cực và tiêu cực, giữa lúc vai trò lãnh đạo của Đảng cần hoàn thiện hơn bao giờ hết để làm tròn trách nhiệm với dân, với nước, trung thành với tôn chỉ của Đảng và trung thành với tư tưởng của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam là Hồ Chí Minh. Tóm tắt, đất nước và Đảng cần những tay lái vững chắc, những cái đầu khôn ngoan,vượt trội.
Đức và tài nằm trong một thể thống nhất, đức và tài là “hai chân” của người cán bộ nói chung, của người tham gia BCH TƯĐ nói riêng, hoàn toàn không thể chỉ nhấn mạnh hoặc là đức hoặc tài một cách riêng lẻ, biệt lập. Có đức phải có tài và có tài phải có đức. Thách thức của đức chủ yếu là nhân cách ở đời, thể hiện trong quan hệ với quần chúng, với các mối quan hệ bình thường khác, trung thành với lý tưởng, nhiệt tình với công việc, liêm chính trong đời tư, không tì vết trong sinh hoạt cá nhân, gương mẫu không chỉ riêng mình mà cả gia đình... Truyền thống gia đình, địa phương, thâm niên hoạt động trong Đảng... là mặt tham khảo, chứ không quyết định tiêu chuẩn của đức. Về mặt này, Hồ Chủ tịch đã căn dặn rất kỹ trong nhiều tác phẩm của Người.
Tài là một thách thức mà trọng lượng của nó ngang với đạo đức. Tài năng đo lường qua thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó nổi lên đặc tính của cán bộ cấp cao là sáng tạo, nhạy bén xử lý các tình huống, đề ra đối sách thích hợp để vận hành tốt công việc, đặc biệt huy động được nhiều tài năng trong lĩnh vực mà mình phụ trách, cùng với mình giải quyết các vấn đề ở tầm cao. Như đạo đức, tài năng có dấu ấn riêng của từng người mà sự phân định dân gian nằm ở chỗ người đó giỏi hay dở. Giỏi không thể ngụy tạo được và dở thì không thể dùng bất cứ bức màn nào che đậy được. Giỏi hay dở cuối cùng đều lộ ra trong hiện thực, ở một bộ, một tổng cục, một tổng công ty hay một tỉnh, một thành phố, một ban, một ngành, một đoàn thể... Giỏi hay dở gắn chặt với dám hay không dám chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề đặt ra cho dân, cho nước. Có thể dám nhưng chưa thật tròn trịa, song tâm thì sáng - hơn những người thấy bất bình, ngang trái, hại cho nước, cho dân mà bàng quan, vô cảm. Tài không giản đơn thu gọn ở bằng cấp, học vị. Tài lãnh đạo đương nhiên khác kiến thức chuyên môn - tầm cao hơn kiến thức chuyên môn cụ thể.
Vấn đề đúng ra không có gì là bí hiểm, không phải đợi lịch sử đánh giá, mà chính diễn tiến hằng ngày hiện tại đã đánh giá đức, tài của một con người. Chỉ có điều, sự đánh giá này liên quan đến dân chủ. Luôn được coi như đảng viên gương mẫu, trong sạch, luôn ở trong tập thể tiên tiến..., nhưng không ít trường hợp, đánh giá kia sớm “phá sản”. Biết bao cán bộ cấp cao sinh hoạt trong Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo ngành luôn hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhưng phải trả lời trước cơ quan Đảng hoặc trước cơ quan điều tra của luật pháp, đó là chưa nói dư luận quần chúng có khi ầm ĩ với đủ “đồng dao”, “ca dao”, chuyện tiếu lâm...
So với những lần chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng trước đây, BCH T.Ư lần này đã thực hiện một phương án đổi mới tuyển chọn thành viên Trung ương Đảng, theo kinh nghiệm của Đảng ta, kinh nghiệm của riêng một khóa BCH, kinh nghiệm của xa gần, nhất là gần ta - cùng theo chế độ như chúng ta hoặc cùng mong muốn nước nhà phồn vinh... Kinh nghiệm có thể nói là dồi dào...
1/2006
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)