Ngã ba Đồng Lộc trong suốt hơn 40 năm qua đã ghi dấu ấn khốc liệt về sự hủy diệt của kẻ xâm lược đối với một con đường chiến lược mang tên Trường Sơn, một trong những yết hầu quan trọng của con đường ấy. Nó càng được mọi người biết đến bởi ở đó, có 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tiểu đội 4 cắm chốt nơi đây đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời đều vừa mới đôi mươi.
Được biết, ở cái ngã ba nhỏ bé này 40 năm trước, hằng ngày có biết bao cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu cùng với lực lượng hậu cần chi viện cho tiền tuyến. Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch quan trọng của một con đường quan trọng. Chính vì thế, đã có trên 1.600 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, dân quân và TNXP đã hy sinh ở mảnh đất đầy bom đạn này (họ là bộ đội pháo cao xạ bảo vệ con đường, là lực lượng vận tải, là bộ đội trên đường hành quân, là dân quân chiến đấu và TNXP của địa phương luôn bám sát cung đường ngày cũng như đêm, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ít ai trong chúng ta có thể hình dung nổi, chỉ 1m2 nơi này đã phải hứng chịu những 3 trái bom và cũng chỉ trong 7 tháng ác liệt của năm 1968, thời điểm mà 10 chị hy sinh đã có gần 50 ngàn trái bom trút xuống Ngã ba Đồng Lộc. Chỉ trong cái ngày các chị ra đi mãi mãi ấy đã có 60 quả bom tấn trút xuống nơi đây đủ thấy sự tàn khốc của chiến tranh ở mức nào.
Cũng tại bữa làm giỗ các chị, anh Hà Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn trước đây) đã bật mí rằâng ý tưởng xây dựng một khu di tích để giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ sẽ không có gì ý nghĩa và có sức lay động con tim nếu ở đó thiếu những kỳ tích sống động của cuộc chiến tranh ác liệt. Chính Ngã ba Đồng Lộc đã được anh Hồ Đức Việt, nguyên Bí thư thường trực T.Ư Đoàn khi đó (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư) gợi ý cho Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đứng ra thực hiện. Cũng từ năm 1988, Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là Khu di tích quốc gia và dần dần nó cũng được khang trang hơn bởi sự quan tâm của các ngành, các cấp, từ trung ương xuống địa phương. Hiện tại, khu tưởng niệm do Ban quản lý di tích thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đảm trách.
Một điều khiến tôi phải băn khoăn ngậm ngùi khi được các anh, các chị ở địa phương kể rằng, cái hồi bom đạn ác liệt nhường ấy, mỗi khi có bộ đội hành quân qua "túi bom" này, các anh thường có tâm trạng "thương và lo cho các o" (tên gọi các cô gái của người khu 4) vì suốt ngày phải bám trụ liệu sẽ chịu đựng ra sao đây trước sức tàn phá khủng khiếp và hủy diệt của đạn bom địch? Còn với những cô gái tuổi đôi mươi kia, ngày lại ngày đếm bom, làm cọc tiêu cho xe qua và san lấp hố bom mỗi khi máy bay địch thả xuống thì chẳng mảy may nghĩ cho mình, họ chỉ lo cho các anh lính trẻ vào chiến trường ác liệt "trong nớ" liệu có dịp nào trở ra hậu phương không? Thật là ấm tình đồng đội, đồng chí và trong lòng họ, chỉ có một quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Phải nói, đó là một tình cảm thật chứa chan tình người giữa những người đồng chí. Không một ai nghĩ riêng cho mình mà chỉ lo cho người khác, dù chưa hề quen biết nhau.
Ấy thế mà cách đây mươi năm, chính sách đãi ngộ đối với cựu chiến binh và TNXP lại có sự phân biệt đối xử. Tôi không khỏi ngậm ngùi khi có những chị tật bệnh và vết thương đầy mình, phải hy sinh cuộc sống bình thường của một con người, không dám lập gia đình vì sợ hệ lụy cho người khác, chấp nhận ở vậy suốt đời.
Cuộc sống của cựu TNXP hiện còn nhiều khó khăn, tuy rằng chính sách của Nhà nước ta cũng đã có sự đối xử tích cực hơn, nhưng chắc rằng chưa một ai trong chúng ta có thể thật bằng lòng bởi cuộc sống người dân trong xã hội ta tuy đã cải thiện nhưng chưa phải đã thật tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thật bất bình và thậm chí, rất căm phẫn với một số cán bộ thoái hóa ở một số địa phương, họ dám làm hồ sơ giả thương binh, giả TNXP để cho những người không hề tham gia kháng chiến được hưởng lợi một cách trắng trợn, bất chấp con mắt của mọi người nhìn vào. Trong khi đó, những cựu binh, cựu TNXP thực sự thì còn có những thủ tục phiền hà không đáng có với họ.
Chúng ta cũng thật phẫn nộ khi có những kẻ lợi dụng chức quyền, ban phát tiền của của Nhà nước cho các đơn vị làm dự án để rồi "gặm" luôn cả vào tượng đài của các anh hùng liệt sĩ mà không biết đó là sự vô đạo đến mức nào để rồi công trình chưa khánh thành được bao lâu đã xuống cấp trầm trọng...
Rồi đây, những tượng đài, những quả chuông đồng được nhân dân và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả đóng góp tiền của sẽ còn xuất hiện nhiều, nhiều nữa trên khắp cả nước. Họ muốn tri ân với những lớp cha anh đã hy sinh vì Độc lập - Tự do cho dân tộc, cho cuộc sống ngày một tốt hơn mà họ được thừa hưởng. Chúng ta cần trân trọng và khuyến khích cách làm này. Nhân dân mong rằng sau này sẽ không bao giờ phải đọc những bài báo viết về những công trình kém chất lượng vì có những việc làm tiêu cực, thiếu đạo đức xung quanh các công trình văn hóa tâm linh như xây dựng nghĩa trang, tượng đài, đúc chuông ở các khu di tích... Chúng ta muốn được nghe từ trong sâu thẳm những tiếng chuông ngân vang trong vắt, tuyệt đối không gợn một chút gì của những chuyện không sạch sẽ, dính dáng đến tiêu cực muốn bấu vào gặm nhấm, đục khoét các công trình vĩnh hằng đó. Có như vậy, những vong linh của những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nước nhà mới yên giấc ngàn thu.
Quốc Phong
Bình luận (0)