Pháp luật đương nhiên phải đại diện cho công lý. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp áp dụng luật (đơn cử: Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ cô gái trong thang máy bị phạt 200.000 đồng; Nguyễn Bình Triệu “hôn, cắn vào vùng môi”, “dùng tay sờ vào vùng nhạy cảm” của đồng nghiệp cũng bị phạt 200.000 đồng, hay thầy giáo sờ đùi (nhiều) học sinh nhưng không phải là dâm ô…) tại sao mọi người đều thấy bất công?
Bởi vì pháp luật đã bất lực trước hành vi.
Những án phạt 200.000 đồng, dẫu có đúng luật đi chăng nữa, thì cũng là sự thất bại của xã hội trước kẻ gây hại, và sự có lỗi của chính quyền khi không thể bảo vệ cho công dân của mình.
Cần phải gọi rõ những hành vi sàm sỡ hay “sờ soạng vùng nhạy cảm” diễn ra gần đây bằng cái tên đúng của nó là “quấy rối tình dục” ở dưới dạng tấn công tình dục. Ở một xã hội coi trọng lễ nghi và danh dự người phụ nữ như VN thì hành vi này còn có hậu quả lớn hơn nhiều. Và do đó, hành vi này phải bị lên án. Đương nhiên, không phải bằng xử phạt 200.000 đồng.
Đây không phải là một chủ đề mới. Trong một khảo sát, có đến hơn 52% người được hỏi trả lời “có” cho câu hỏi “Bạn có từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc?” Đây là một khủng hoảng đã diễn ra từ rất lâu, có tính lan tỏa, trong mọi ngành nghề, tại mọi vùng miền, với nạn nhân và kẻ gây rối không phân biệt lứa tuổi, trình độ, điều kiện kinh tế.
Đáng tiếc rằng, cho dù xã hội đã quá quen với thực trạng này, thì có vẻ như hành vi quấy rối tình dục lại vẫn quá xa lạ với pháp luật VN. Nói là xa lạ vì trong rất nhiều văn bản pháp luật hiện đang tồn tại, có rất ít văn bản luật trực tiếp định nghĩa, giải quyết, và đặc biệt là các chế tài cho hành vi quấy rối tình dục.
Lấy ví dụ như bộ luật Lao động, mãi cho đến năm 2012 thì hành vi quấy rối tình dục mới được đưa vào như một hành vi bị nghiêm cấm tại nơi công sở. Thế nhưng, trong toàn bộ hơn 40 văn bản hướng dẫn bộ luật này sau đó, không một văn bản nào đưa ra thêm bất kỳ một định nghĩa hay hướng xử lý, chế tài để trừng phạt, ngăn cản hành vi này. Pháp luật, do đó, bất lực trước hành vi.
Liệu có quá khó để xây dựng một khung pháp luật khác, đủ rõ ràng, đủ chế tài, đủ mạnh mẽ để chống lại nạn quấy rối tình dục không?
Có rất nhiều ví dụ quốc tế tốt mà VN có thể tham khảo để trang bị cho mình, cả từ các quốc gia phát triển hơn và những ủy ban công ước của Liên Hiệp Quốc. Có lẽ điều thiếu duy nhất là một quyết tâm đủ lớn để có thể ưu tiên vấn đề này.
Ai cũng biết rằng những án phạt đúng luật nhưng thiếu lẽ phải như trên không thể kéo dài. Pháp luật được thông qua đôi khi không chỉ để trừng phạt kẻ ác mà còn là để người thiện vững tin. Nếu đó không phải là điều đáng ưu tiên, thì điều gì đáng?
Bình luận (0)