Để thu hút FDI thế hệ mới

Anh Vũ
Anh Vũ
10/07/2018 04:52 GMT+7

30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), diện mạo kinh tế VN có nhiều đổi thay. Các doanh nghiệp FDI đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, tăng trưởng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm...

Tuy nhiên, chặng đường hút vốn ngoại này vẫn còn không ít kinh nghiệm cần đúc kết.
Thống kê năm 2016, các doanh nghiệp (DN) FDI tạo ra 327,4 nghìn tỉ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 17,3%/năm thì các DN tư nhân chỉ làm ra 188,1 nghìn tỉ đồng và ở khối DN nhà nước là 197,4 nghìn tỉ đồng. Nghịch lý ở chỗ, tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng các DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách, chỉ 250,9 nghìn tỉ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm trong giai đoạn 2010 - 2016, thấp hơn đáng kể so với 434,7 nghìn tỉ đồng của khu vực tư nhân và 277,3 nghìn tỉ đồng của khu vực nhà nước.
Với chính sách ưu đãi từ miễn thuế đất, giảm thuế thu nhập DN, chi phí nhân công rẻ, giá năng lượng thấp...; dòng vốn FDI ồ ạt chảy vào VN. Sau 30 năm, chúng ta đã hút được khoảng 200 tỉ USD vốn FDI. Song những báo cáo, đánh giá gần như mới tập trung nhìn vào số lượng mà quên đi chất lượng. Phía sau những con số đó là gì, là một nền kinh tế với công nghệ chuyển giao còn lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Bài học từ chuyển giá, trốn thuế của Coca Cola, Metro... vẫn còn nguyên tính thời sự.
FDI thời gian qua cũng chưa tạo được sự lan tỏa cho các DN nội. Samsung đóng góp tới 28% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của VN (số liệu 6 tháng đầu năm 2018) mà trong các chuỗi cung ứng linh kiện quan trọng gần như vắng bóng tên tuổi trong nước. Đã có lúc, người ta phải giật mình khi DN của VN không thể sản xuất nổi 1 con ốc vít cho “ông lớn” đến từ Hàn Quốc này.
FDI đã qua thời thu hút bằng mọi giá và trải thảm đỏ bằng sự ưu ái. Sự bùng nổ của cách mạng 4.0, của một nền kinh tế hội nhập sâu rộng đòi hỏi FDI phải có một cuộc cách mạng toàn diện. Chiến lược thu hút FDI thay vì đưa ra các ưu đãi phải dựa trên sự chọn lọc nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên, từ đó thu hút được thế hệ FDI mới, có chất lượng và sức lan tỏa đến kinh tế trong nước.
DN FDI cần môi trường kinh doanh minh bạch, thủ tục đầu tư thuận lợi chứ không phải chi phí bôi trơn. DN FDI cần các DN vệ tinh với nhân công chất lượng cao, kỹ năng mềm giỏi, đào tạo bài bản chứ không phải nhân công giá rẻ, chất lượng thấp. Nếu chính sách ưu đãi dễ dãi, thiếu căn cơ... được đưa ra thì chúng ta cũng sẽ chỉ nhận lại những đồng vốn FDI “đầu cơ”, vào nhanh ra nhanh theo kiểu hết ưu đãi rồi đi mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.