Đừng làm cho có

26/05/2016 05:00 GMT+7

“Số phận long đong” của các môn âm nhạc, nghệ thuật như phản ảnh trong trường phổ thông hiện nay, không phải là hiện tượng cá biệt.

Chúng ta có thể thấy những câu chuyện tương tự diễn ra ở những môn học khác như thể dục, thủ công, và cả các môn như giáo dục công dân, công nghệ...
Những ai đang là phụ huynh có con bậc tiểu học hoặc đầu THCS chắc không ít lần phải mày mò, cặm cụi xé/cắt từng miếng giấy nhỏ xíu làm thủ công cho con hoặc kiên nhẫn may mấy mũi đột thưa, đột khít hay hoàn tất một sản phẩm may vá nào đó mà con mang về. Cuối cùng thì học sinh nào cũng xếp loại “đạt” mấy môn học này, dù không hề biết cắt giấy dán hình con gà hay may túi đựng bút. Nhưng không hề gì! Nhà trường đâu quan tâm đến điều đó. Ai làm cũng được, miễn có sản phẩm nộp. Như vậy nhà trường đâu quan tâm đến việc học sinh học môn này có biết và thực hành được hay không.
Việc dạy các môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật trong trường phổ thông cũng như vậy. Thời lượng ít, chương trình không hợp lý khiến học sinh học cho có còn người dạy cũng dạy cho xong. Cuối cùng mất thời gian mà chẳng được gì. Mang tiếng học âm nhạc mà chỉ hát được mấy bài hát, thuộc lòng tiểu sử vài nhạc sĩ chứ không đọc được nốt nhạc. Còn học mỹ thuật thì lại không biết cách phối màu, nhìn ra bảng màu... Học như thế thì học để làm gì?
Nếu nói thì giáo viên và những nhà quản lý giáo dục cho rằng chương trình nặng; không đủ thời gian để dạy đúng, đủ; cơ sở vật chất không đảm bảo giảng dạy đạt chất lượng... Những vấn đề này phải còn bàn bạc nhiều mới đi đến thống nhất, nhưng có một điều ai cũng dễ nhận ra là chính tư duy làm cho có, cho “đủ lực lượng”, “đẹp loại hình”; thói quen học lệch, tập trung vào các môn có lợi ích trước mắt dẫn đến thực trạng vừa nêu.
Ngoại trừ những môn được coi là chính, thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển, nhà trường và phụ huynh luôn đầu tư; những môn thuộc về năng khiếu hoặc thể chất đều bị xem nhẹ. Đây là một vấn đề nếu phản ảnh sẽ cho thấy một bức tranh phiến diện trong giáo dục như thế nào!
Vấn đề là tại sao các trường mang tính quốc tế hoặc trường tư vượt qua được điều này? Phải chăng họ nhận thức rõ giáo dục là phải toàn diện và thực chất?
Nếu tham quan các trường học ở nước ngoài hoặc các trường quốc tế, nhiều người sẽ thích thú trước những sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật do học sinh tự làm trong quá trình tham gia môn học. Điều này chỉ có được khi dạy học có chất lượng và đúng năng khiếu của học sinh. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến bắt đầu từ năm 2018, những môn này sẽ là môn tự chọn ở bậc THCS. Với chương trình mới, hy vọng những môn học này khi dạy ở cấp tiểu học và THCS sẽ đi vào chính quy hơn chứ không còn làm cho có như hiện nay. Còn ở THPT, khi đã là môn tự chọn, chương trình sẽ được thiết kế sao cho thích hợp để phát huy hết năng khiếu, sở trường của học sinh.
Còn làm như cách hiện nay, nguy hại nhất là tạo ra tư duy làm lấy có, thiếu thực chất trong học sinh ngay từ cấp học nhỏ nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.